Trong nước

Hai cựu bộ trưởng nhận hối lộ hơn 3 triệu USD vụ mua AVG ra sao?

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG với giá ngất ngưởng, hai cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã nhận hơn 3 triệu USD từ doanh nghiệp và cấp dưới.

Bộ Công an khám nhà cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son - Ảnh: Trần Cường

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) vụ án Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty CP nghe nhìn toàn cầu (AVG), đồng thời chuyển Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 14 bị can về các tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ và nhận hối lộ. Cụ thể, có 4 bị can bị truy tố về các tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng là cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT; Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) và Tổng giám đốc MobiFone. 9 bị can bị đề nghị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT-TT; Võ Văn Mạnh và Hoàng Duy Quang, Giám đốc và thẩm định viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX; Phan Thị Hoa Mai, thành viên HĐTV cùng 5 phó tổng giám đốc MobiFone là Phạm Thị Phương Anh, Hồ Tuấn, Nguyễn Đăng Nguyên, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng. Riêng bị can Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG, bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ.

Ông Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu

Theo KLĐT, cuối năm 2015, MobiFone (100% vốn nhà nước) đã ký hợp đồng với các cổ đông AVG nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với tổng giá trị khoảng 8.889 tỉ đồng. Ngay sau đó, MobiFone đã thanh toán gần 8.445 tỉ đồng cho AVG. Kết quả điều tra cho thấy thời điểm trên AVG chỉ có giá trị 1.970 tỉ đồng nhưng đã bị các bị can "thổi giá", gây thiệt hại hơn 6.475 tỉ đồng.

KLĐT xác định Bộ trưởng Bộ TT-TT khi đó là ông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án MobiFone mua AVG. Ông Son biết rõ dự án này phải thực hiện theo luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước và trình Thủ tướng ra quyết định về chủ trương đầu tư; Bộ TT-TT không có chức năng thẩm định giá cũng như hiệu quả đầu tư dự án, song ông vẫn chỉ đạo thực hiện thủ tục và mua với giá 8.889 tỉ đồng.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Dù đã được tham mưu với nội dung Bộ TT-TT không có chức năng xác định giá mua, cũng như hiệu quả dự án, ông Son vẫn chỉ đạo cấp dưới là Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án, dẫn đến việc MobiFone phải tổ chức ký hợp đồng mua lại cổ phần của AVG. “Ông Nguyễn Bắc Son đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân, quyết liệt chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái quy định... gây thiệt hại cho nhà nước”, KLĐT nêu rõ, đồng thời xác định trong vụ án này bị can Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Đáng chú ý, ông Son khai ông chủ AVG là Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin mong muốn bán được sớm cổ phần. Do nhiệm kỳ bộ trưởng kết thúc vào tháng 4.2016, ông Son muốn có "dấu ấn" với MobiFone bằng cách mua được mảng truyền hình của AVG ngay trong năm 2015, đồng thời cho rằng việc mua bán thành công thì AVG sẽ cảm ơn bằng vật chất. Cụ thể, ông Phạm Nhật Vũ đã đến nhà ông Son (đường Lý Nam Đế, P.Cửa Đông, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa 3 triệu USD (khoảng 66,5 tỉ đồng). Ngoài ra, ông Son còn khai đã nhận của ông Cao Duy Hải 200 triệu đồng dịp 30.4.2015 và nhận của ông Lê Nam Trà 200.000 USD dịp Tết âm lịch 2016.

Khi bị điều tra, ông Son đã viết đơn xin khắc phục hậu quả và xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục.

Cấp dưới làm vì bị bắt buộc và… muốn giữ “ghế”

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo KLĐT, ông Trương Minh Tuấn là người bị động khi phải ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án theo yêu cầu của ông Nguyễn Bắc Son. Ông Tuấn được ông Phạm Nhật Vũ đến cơ quan đưa 200.000 USD (hơn 4,4 tỉ đồng) và sử dụng một phần số tiền này vào việc cá nhân. Khi bị điều tra, ông Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Cũng theo KLĐT, ông Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đều biết rõ tình trạng bết bát của AVG nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son để giữ “ghế” ở MobiFone và được “lại quả”. Thực tế, trước và sau Tết âm lịch 2016, ông Trà được ông Vũ đưa số tiền 2,5 triệu USD (khoảng 56,5 tỉ đồng). Còn ông Hải nhận khoản tiền 500.000 USD từ ông Vũ.

Đáng chú ý, ông Trà còn khai dịp Tết âm lịch 2016 cũng đã "biếu" ông Son số tiền 700.000 USD, trong đó có 500.000 USD nhận từ ông Vũ. Tuy nhiên, ông Trà xác định đây là việc cá nhân giữa ông với ông Son nên không yêu cầu xem xét trong vụ án.

Cơ quan tố tụng cho biết tại MobiFone chỉ có ông Lê Nam Trà và Cao Duy Hải được liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Bắc Son và biết được động cơ mục đích của ông Son cũng như toàn bộ diễn biến vụ án. Những người còn lại trong hội đồng thành viên và ban giám đốc chỉ làm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Dù không được bàn bạc hay hưởng lợi nhưng những người này được xác định có vai trò giúp sức cho ông Son với vai trò đồng phạm. Tương tự, các bị can còn lại trong vụ án như Phạm Đình Trọng và một số người khác cũng được xác định giữ vai trò đồng phạm.

Kịch bản “đốt” tiền nhà nước

Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG được thực hiện ngày 25.12.2015, nhưng trước đó hơn 1 năm, tháng 10.2014, AVG có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son về việc doanh nghiệp (DN) này chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài. Theo đó, AVG cho biết đã thống nhất với đối tác nước ngoài (Hồng Kông) về việc AVG sẽ bán ít nhất 49% số cổ phần. Người môi giới vụ này là Tào Nhân Siêu tại Hồng Kông (không xác minh được nhân thân) nhận đặt cọc 10 triệu USD trước khi ký hợp đồng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định việc thỏa thuận bán cổ phần với Công ty Hồng Kông không có tài liệu và việc nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, chưa ai giao nhận số tiền này. Theo cơ quan điều tra, giữa ông Nguyễn Bắc Son và Phạm Nhật Vũ đã có mối quan hệ từ trước khi thương vụ xảy ra.

Theo KLĐT, việc MobiFone mua AVG có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị DN để mua bán cổ phần là rất khó khăn. Tại thời điểm xác định giá trị DN cuối tháng 3.2015, tổng tài sản hơn 3.260 tỉ đồng, nợ phải trả hơn 1.266 tỉ đồng, giá trị còn lại của tài sản cố định khoảng 208,5 tỉ đồng.

Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ với khoản lỗ lũy kế đến 31.3.2015 là hơn 1.632 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài DN chiếm tỷ trọng đến 73,3% vốn điều lệ. Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình và trừ nợ phải trả, giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31.3.2015 chỉ là 1.983 tỉ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài DN)...

Tác giả: Thái Sơn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP