Trong nước

Hà Tĩnh: Xây dựng tuyến biên giới Việt – Lào hòa bình, hữu nghị và phát triển

Sau hơn 5 năm (2008 – 2013) khảo sát và triển khai thực hiện, công tác tôn tạo, tăng dày mốc giới của tỉnh Hà Tĩnh với các tỉnh tiếp giáp nước CHDCND Lào đã hoàn thành. Với những kết quả đã đạt được, Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ cho chương trình tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào trên thực địa; là một trong những địa phương của Việt Nam có biên giới với nước bạn Lào hoàn thành công tác phân giới cắm mốc sớm nhất.

Xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh làm việc với lãnh đạo các tỉnh biên giới của Lào
nhằm xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác phân giới cắm mốc
(Ảnh: PV)

Ngày 30/1/2008, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào thống nhất phối hợp xây dựng và thực hiện “Chương trình tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào”, nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác lâu dài giữa hai nước, trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.Hà Tĩnh là địa phương có 145 km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Bolykhămxay và Khăm Muộn nước CHDCND Lào. Năm 2008, thực hiện Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 30/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1883/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về công tác cắm mốc biên giới Việt – Lào.

Trong thời gian khảo sát và triển khai thực hiện công tác phân giới cắm mốc, Đội cắm mốc của tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Đội cắm mốc các tỉnh biên giới của nước bạn Lào chủ động triển khai nhiệm vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc; tiến hành Hội đàm thống nhất kế hoạch khảo sát song phương và cắm mốc tại thực địa đúng kế hoạch đề ra; phối hợp đôn đốc các đơn vị thiết kế, thi công công trình, tổ chức giám sát việc thi công xây dựng và bàn giao mốc đã hoàn thành cho lực lượng chức năng hai tỉnh quản lý theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật.

Đồng chí Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Cắm mốc, Trưởng ban Biên giới Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian qua, ngoài việc phối hợp triển khai thực hiện thành công kế hoạch cắm mốc quốc giới, các cơ quan chức năng hai bên đã phối hợp làm tốt công tác bảo vệ biên giới. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới được giữ vững, mối quan hệ hợp tác giữa các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của hai bên không ngừng được củng cố và phát triển. Chế độ tuần tra đơn phương, song phương, công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống tội phạm, ngăn chặn và xử lý các vi phạm quy chế biên giới hai nước được hai bên duy trì thường xuyên. Đời sống nhân dân khu vực biên giới từng bước được cải thiện, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được xác định là một trong những điểm khó khăn nhất trên tuyến biên giới Việt – Lào, bởi đa số các vị trí cắm mốc đều nằm trên địa hình hết sức phức tạp vách núi cheo leo, độ cao so với mực nước biển trên 1.000m, có mốc cao trên 2.000m. Để hoàn thành được nhiệm vụ, các thành viên của Đội cắm mốc 2 nước Việt – Lào đều xác định được công việc đầy gian nan vất vả mà mình đã và đang phải đối mặt. Tuy nhiên, với nhiệm vụ chính trị cao cả của đất nước, các thành viên của hai Đội cắm mốc đã quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng đường biên giới giữa Hà Tĩnh với các tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn (nước CHDCND Lào) hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển lâu dài; phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước trong tình hình mới.

Là người trực tiếp tham gia vào công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc, anh Nguyễn Huy Trung, Đội trưởng Đội cắm mốc tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Mặc dù 19 thành viên của Đội được lựa chọn từ các ban, ngành liên quan và các đơn vị lực lượng vũ trang khác nhau, có cả cán bộ Trung ương và địa phương, song với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm với công việc, anh em đã chủ động triển khai công việc một cách hiệu quả. Với địa hình cực kỳ phức tạp, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn – “Đông nắng, Tây mưa” khiến công tác xác định vị trí mốc hết sức gian khổ. Rất nhiều vị trí mốc ở biên giới Hà Tĩnh – Bolykhămxay phải đi bộ mất 3 – 4 ngày đường mới đến nơi. Có những chỗ phải đi bộ, leo núi cả tuần mới tới được, mà chưa chắc có đường để “leo” lên. Dù địa hình biên giới hiểm trở đến đâu, nhưng Đội cắm mốc của hai tỉnh cũng phải đi khảo sát thực địa, xác định vị trí mốc nhiều lần và cắm chính xác đến từng milimét. Qua mỗi lần xác định vị trí mốc từ bản đồ ra thực địa, hai đội tiến hành đóng cọc dấu, chụp ảnh mô tả hiện trạng, lập sơ đồ nháp (bằng 2 thứ tiếng Việt Nam và Lào) được hai Đội ký và gửi về Ban Chỉ đạo của hai nước… Khó khăn là vậy, nhưng anh em vẫn cố gắng tìm mọi cách để tiếp cận đến vị trí mốc. Đứng giữa núi rừng bạt ngàn, trên vách đá cheo leo, đứng đối diện với cột mốc thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, trong mỗi thành viên trong Đội cắm mốc đều dâng lên niềm cảm xúc thật khó tả.

 

Đội cắm mốc hai nước Việt – Lào phối hợp triển khai công tác phân giới
cắm mốc trên thực địa (Ảnh: PV)

Còn đối với Đại úy Nguyễn Vũ Phong, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Treo, việc được lựa chọn tham gia vào Đội cắm mốc của tỉnh Hà Tĩnh là một vinh dự lớn đối với anh – một người lính quân hàm xanh. Anh Phong tâm sự: “Áo ướt rồi lại khô vì mồ hôi, vì mưa rừng, ba, bốn ngày không được tắm, ăn uống thất thường chủ yếu là đồ hộp, đồ khô. Hàng ngày sên, vắt, rắn rết luôn quanh mình, đêm nằm không chiếu, cành cây khô gãy rơi xuống đầu… đã trở thành quen thuộc với các thành viên cắm mốc từ bao giờ… Điều đặc biệt nhất là trong quá trình cùng nhau làm việc, Đội cắm mốc hai nước có cơ hội sinh hoạt cùng nhau, cùng chia sẻ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, càng thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa nhân dân các tỉnh vùng biên nói riêng cũng như nhân dân hai nước Việt – Lào nói chung”.Tỉnh đi đầu cả nước hoàn thành công tác phân giới cắm mốc

Trong hơn 5 năm triển khai thực hiện công tác tôn tạo, tăng dày mốc giới, Ban Chỉ đạo cắm mốc Hà Tĩnh và Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn, Savannakhet (nước CHDCND Lào) đã tổ chức các cuộc hội đàm thường niên để thống nhất kế hoạch triển khai công tác cắm mốc; tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục; xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo đồng thời thiết lập đường dây nóng để hai Bên kịp thời trao đổi, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch…

Trong quá trình triển khai các hoạt động cắm mốc, Ban Chỉ đạo, Đội cắm mốc hai bên luôn có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng trong các hoạt động, nhờ vậy mà hàng năm kết quả triển khai công tác cắm mốc luôn đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Với sự quan tâm chỉ đạo cụ thể của các cấp ủy chính quyền địa phương có chung đường biên và sự nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng được giao nhiệm vụ, sau hơn 5 năm (2008 – 2013) khảo sát và triển khai thực hiện, công tác tôn tạo, tăng dày mốc giới của tỉnh Hà Tĩnh với các tỉnh tiếp giáp nước CHDCND Lào đã hoàn thành, cắm xong trên thực địa 55/55 vị trí (trong đó có hai mốc phụ là 464/1 và 511/1).

 

Đại úy Nguyễn Vũ Phong, Đồn Phó
Đồn Biên phòng Cầu Treo, là một trong
những thành viên tham gia Đội
cắm mốc Hà Tĩnh (Ảnh: PV)

Tuyến biên giới Hà Tĩnh – Bolykhămxay có 24 mốc trên địa bàn huyện Hương Sơn, Vũ Quang (01 mốc đại, 03 mốc trung và 20 mốc tiểu). Với quyết tâm cao, sự nỗ lực phấn đấu, đồng sức, đồng lòng của toàn thể lực lượng tham gia công tác cắm mốc của hai tỉnh Hà Tĩnh – Bolykhămxay, trong vòng hơn 1 năm kể từ khi triển khai xây dựng cột mốc đầu tiên (cột mốc 463) đến tháng 9/2010, Hà Tĩnh và tỉnh Bolykhămxay đã xây dựng xong 24/24 mốc quốc giới và 01 mốc phụ (464/1), bàn giao cho lực lượng hai bên quản lý và Hà Tĩnh – Bolykhămxay là cặp tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác cắm mốc tại thực địa, được Ban Chỉ đạo cắm mốc Trung ương hai nước đánh giá cao.Đối với đoạn biên giới Hà Tĩnh – Khăm Muộn có 29 mốc (08 mốc trung và 21 mốc tiểu). Bước đầu triển khai kế hoạch cắm mốc đoạn biên giới Hà Tĩnh – Khăm Muộn có nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan song đến ngày 15/7/2013, hai bên đã hoàn thành công tác cắm mốc tại thực địa với 29/29 mốc và mốc phụ 511/1 bàn giao cho lực lượng hai bên quản lý và kết thúc công tác cắm mốc tại thực địa trên toàn tuyến.

Ông Hồ Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cắm mốc tỉnh Hà Tĩnh khẳng định rằng, việc hoàn thành công tác cắm mốc biên giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh biên giới của nước bạn Lào thể hiện sự nhất trí cao của lãnh đạo hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển lâu dài; thể hiện sự tin cậy, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt – Lào anh em./.
Khánh Lan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP