TP Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Vì sao bể bơi không phép nơi cháu bé 10 tuổi đuối nước “qua mặt” được cơ quan chức năng?!

Mặc dù, chưa được cấp phép nhưng bể bơi trong khuôn viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng ngang nhiên hoạt động và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đi vào tìm hiểu chúng tôi phát hiện việc quản lý lĩnh vực này còn hết sức lỏng lẻo.

>> Hà Tĩnh: Mẹ ngất lịm thấy con trai đi học bơi chết đuối dưới hồ

>> Hà Tĩnh: Đình chỉ hoạt động hồ bơi nơi cháu trai 10 tuổi chết đuối

hatinh24h

Hồ bơi, nơi xảy ra sự việc thương tâm.

Trường “khoán trắng” cho một công ty khác

Như Tầm nhìn đã đưa tin, sáng ngày 21.6.2012, tại bể bơi trong khôn viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh, cháu Nguyễn Anh Đ, 10 tuổi, quê ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc đến học bơi và bị đuối nước tử vong. Trước sự việc thương tâm này, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã kiểm tra hồ bơi và lập biên bản đình chỉ hoạt động.

Trao đổi với PV, thầy Nguyễn Đình Đại, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Bể bơi hình thành dựa trên sự hợp tác giữa Công đoàn Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Sài Gòn số 28 đường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh”.

Cũng theo thầy Đại thì hai bên hợp tác xây dựng và quản lý hoạt động bể bơi để phục vụ cán bộ, giáo viên, HSSV của nhà trường và khách hàng có nhu cầu tập luyện bơi, lặn rèn luyện sức khỏe, góp phần hạn chế các tai nạn đuối nước trong sinh hoạt đời thường.

Được biết, phía nhà trường có nhiệm vụ cung cấp mặt bằng sạch với diện tích 1200m2. Công ty sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục liên quan đến xây dựng và quản lý hoạt động bể bơi; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho người tham gia bơi, lặn trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Tổng số vốn huy động để  xây dựng bể bơi là 3.200.000.000 (Ba tỷ hai trăm triệu đồng). Thời hạn hợp đồng là 10 năm. Mỗi năm Công ty sẽ chuyển cho nhà trường 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng). Khi hợp đồng hết thời hạn hiệu lực thì toàn bộ bể bơi và trang thiết bị phục vụ hoạt động bể bơi thuộc vào tài sản của nhà trường.

 Hợp đồng giữa Công đoàn Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Sài Gòn.

Theo đó, công trình này được khởi công xây dựng đầu năm 2016, hoàn thành và đưa vào hoạt động nhân dịp 30.4 khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Sau khi xảy ra sự cố thương tâm thì nhà trường đã yêu cầu tạm ngừng hoạt động, khắc phục hậu quả, khi nào đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì cho hoạt động lại.

PV trao đổi là tại sao bể bơi chưa được cấp phép mà nhà trường vẫn để cho công ty tiến hành hoạt động dịch vụ, vị phó hiệu trưởng chia sẻ: “Sau khi hoàn thành bể  bơi, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Sài Gòn đã làm thủ tục để xin cấp phép. Hơn nữa, nhu cầu của người dân rất cao, đặc biệt lại vào dịp nghỉ lễ, người đông như hội, họ tập trung trước cổng trường đòi được vào tắm”.

Về tăng cường quản lý và giám sát hoạt động dịch vụ tại nhà trường, thầy Đại thông tin: “Sắp tới, nhà trường sẽ yêu cầu lắp Camera giám sát, xây dựng quy trình hoạt động, tách riêng khu vực của trẻ em và người lớn”.

Cũng theo thầy Đại thì nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên đến động viên, an ủi gia đình. Đặc biệt là đại diện Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Sài Gòn phải có trách nhiệm lo lắng chu tất cho gia đình nạn nhân.

“Chúng tôi không biết việc nhà trường hợp đồng với đơn vị khác”

Trao đổi qua điện thoại, ông Võ Mạnh Chiến – Chánh thanh tra Sở hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã xuống kiểm tra hiện trường và lập biên bản đình chỉ hoạt động. Khi nào hoàn thiện hồ sơ pháp lý, khi đó mới được mở cửa kinh doanh dịch vụ trở lại”.

“Khi kiểm tra, phía nhà trường chỉ có giấy phép của Sở Xây dựng cấp để xây dựng bể bơi nhằm giáo dục thể chất cho HSSV. Ngoài ra, việc nhà trường hợp đồng với một công ty bên ngoài để hoạt động kinh doanh dịch vụ thì chúng tôi cũng không nắm được”, ông Chiến nói thêm.

Cũng theo ông Chiến thì trong thời gian này nhiều cơ quan chức năng đang làm việc nên sau khi vụ việc xong xuôi, Thanh tra Sở sẽ xin ý kiến Giám đốc để truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm về vụ việc này.

Cổng trường phía trong, nơi gần bể bơi nổi bật với dòng chữ “Tính mạng con người là trên hết”

PV đặt vấn đề về quan điểm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh trước sự việc nêu trên, Ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Sở cho biết: “Về mặt xã hội hóa thì rất chúng tôi rất hoan nghênh, tuy nhiên không phải là làm bất chấp và làm bằng mọi giá. Sai thì phải xử lý theo luật”.

“Vì không xin cấp phép, không có đội ngũ chuyên nghiệp, không quản lý tốt hoạt động, nên rủi ro là khó tránh khỏi, ông Hạnh nói thêm.

Một vị cán bộ Sở cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 05 hồ bơi hoạt động đó là Trung tâm đào tạo huấn luyện thể dục thể thao (với chức năng là đào tạo, huấn luyện đào tạo vận đông viên); Trường Năng khiếu Lê văn Thiêm (thành phố Hà Tĩnh); Khách sạn 4 sao Mường Thanh ở thị xã Kỳ Anh (theo tiêu chuẩn khách sạn 4 sao); Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông ở Hương sơn (tiêu chí khu du lịch sinh thái) và riêng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh thì chưa được cấp phép.

Một dịch vụ ra đời nhằm góp phần hạn chế các tai nạn đuối nước, chỉ sau gần hai tháng hoạt động đã phải đóng cửa, xử lý hành chính vì để xẩy ra sự cố đuối nước thương tâm. Đây là bài học xương máu cho những người có nhu cầu học bơi, cơ sở dạy bơi và các cơ quan quản lý hoạt động mới nổi này.

Trước sự việc đau lòng này, ngày 22-6, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh – đã đến chia buồn, động viên gia đình nạn nhân.

Theo ông Khánh thì UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trần Hoàn – Quốc Cường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP