Tách huyện, nhập Trung tâm dân số
Trong lộ trình thành lập huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, Sở Nội vụ Hà Tĩnh có công văn số 668/SNV-TH, ngày 15.6.2015 tham mưu phương án tổ chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện Kỳ Anh và UBND thị xã Kỳ Anh. Theo đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Anh (có 7CB, CNV) sẽ nhập vào Trung tâm Y tế dự phòng huyện (34 CBCNV).

Ông Nguyễn Kiên Quyết, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Anh nói: “Đây là cách làm không đúng. Chúng tôi từ một đơn vị trực thuộc UBND huyện, về chuyên môn trực tiếp lãnh đạo là Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, bỗng dưng tách huyện mới bị sáp nhập vào Trung tâm y tế dự phòng, vốn là đơn vị mà lâu nay chúng tôi có quan hệ hợp tác trong việc phối kết hợp trong công tác CSSKSS và KHHGĐ”.

 Ông Nguyễn Kiên Quyết: Việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế dự phòng là không đúng.

Không đồng thuận với Công văn 668/SNV-TH, Trung tâm DS-KHHGĐ Kỳ Anh đã gửi công văn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Ngày 26.6.2015, Tổng cục DS-KHHGĐ có Công văn số 381/TCDS-TCCB nêu rõ: “Tổng cục DS-KHHGĐ đề nghị Chi cục DS-KHHGĐ tham mưu cho Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng phương án trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ hyện Kỳ Anh; Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Kỳ Anh để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Bộ Y tế không có chủ trương sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện vào đơn vị sự nghiệp Y tế trên địa bàn”.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ rất rõ, không hiểu sao Sở Nội vụ Hà Tĩnh lại tham mưu sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ.

Đã hơn một tháng kể từ khi Tổng cục DS-KHHGĐ có công văn phúc đáp, tình hình vẫn rơi vào im lặng khiến cho những người làm dân số tại huyện Kỳ Anh bối rối.

400 nhân viên, cộng tác viên dân số “treo niêu”
“Hậu quả chia tách là đơn vị cũ thì không còn, đơn vị mới thì chưa thấy đâu, nên chúng tôi không được giao dịch về lĩnh vực tài chính, thành thử hơn 400 anh chị em làm dân số mấy tháng nay chưa được lĩnh lương, và phụ cấp”, chị Nguyễn Thị Hiểu – Kế toán Trung tâm cho biết.

Các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số cũng chững lại, việc cập nhật số liệu DS – KHHGĐ vô cùng khó khăn. Trong lúc đó tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh nhiều vấn đề “nóng” về DS -KHHGĐ cần vào cuộc một cách đồng bộ như: Tỷ suất sinh thô còn cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn chưa ngừng giảm. Số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt, số người di cư đến lao động ở Khu kinh tế Vũng Áng ngày càng đông, vượt qua tầm kiểm soát của ngành dân số. Theo ông Nguyễn Kiên Quyết đến 30.6.2015 có khoảng 30.000 người, trong đó có trên 4.000 người lưu trú thường xuyên từ 1 năm trở lên, từ đó làm nẩy sinh những vấn đề xã hội trong đó có vấn đề về DS-KHHGĐ. Trong lúc đó, đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ tại huyện Kỳ Anh thường xuyên biến động.

 Công văn của Cục DS-KHHGD đề nghị Hà Tĩnh thành lập các Trung tâm DS_KHHGĐ tại huyện, thị mới.

Theo ông Quyết, 6 tháng đầu năm 2015, 4 cán bộ bán chuyên trách DS-KHHGĐ các xã Kỳ Văn, Kỳ Xuân, Kỳ Trung, Kỳ Lạc chuyển sang làm công tác khác. Hiện tại 3 xã Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Sơn cần bổ sung các chức danh bán chuyên trách DS-KHHGĐ xã.

Trước tình hình khó khăn, một số CTV Dân số- Kế hoạch hóa gia đình thôn bản chán nản. Vì vậy, việc củng cố, ổn định mạng lưới DS-KHHGĐ, nâng cao năng lực để đáp ứng công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới hết sức cấp bách. Nếu công tác tổ chức bê trễ như hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh sẽ hết sức khó khăn và lúng túng.

Trong báo cáo 09/BC-TTDS ngày 2.7.2015, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Anh (cũ) tiếp tục đề nghị Sở Nội vụ, UBND tỉnh không thực hiện sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế dự phòng. Đồng thời, đề nghị tỉnh Hà Tĩnh sớm thành lập 2 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, củng cố bộ máy tổ chức cũng như mạng lưới CTV làm công tác DS-KHHGĐ thôn bản.