Người đương thời

Hà Tĩnh: Vị giáo sư trẻ nhất thấy mắc nợ với quê hương

GS Trần Đình Hòa, người trẻ tuổi nhất được phong hàm Giáo sư năm 2013. Ảnh: L.Mỹ

“Trải qua hơn 20 năm với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, lòng tôi vẫn áy náy không yên, thấy mắc nợ với quê hương vì trong những ngày qua, bão lũ tàn phá miền Trung, trong đó có quê hương Hà Tĩnh nhưng chúng tôi chưa làm gì giúp bà con được” – tân GS Trần Đình Hòa (Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), người trẻ tuổi nhất được phong hàm Giáo sư năm 2013 đã chia sẻ với PV Báo GĐ&XH.
Vị giáo sư trẻ nhất thấy mắc nợ với quê hương 1
Người trẻ tuổi được phong hàm Giáo sư
Các công trình đoạt giải thưởng lớn của  GS Trần Đình Hòa 


– Nhóm tác giả giải Khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2004 cho công nghệ đập trụ đỡ.
– Đồng tác giả giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2006 cho công nghệ đập xà lan di động.
– Đồng tác giả: Giải Nhất “Giải thưởng Công nghệ ACECC” của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á – Thái Bình Dương (ACECC) năm 2007, cho công nghệ đập xà lan di động.
–  Đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh đặc biệt xuất sắc về khoa học công nghệ cho cụm công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan, năm 2012.
– Đồng tác giả Giải thưởng Bông lúa vàng, Bộ NN&PTNT năm 2013.
–  Đồng tác giả 2 bằng độc quyền sáng chế.
Khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được GS Trần Đình Hòa vì ông luôn nói câu từ chối gặp gỡ với báo giới. Trong câu chuyện ngắn ngủi, giản dị và mộc mạc, cũng như qua nhận xét của những đồng nghiệp đã cùng GS Trần Đình Hòa đồng cam cộng khổ, chúng tôi mới hiểu vì sao được nhận danh hiệu cao quý nhưng lòng ông vẫn còn trĩu nặng.
GS Trần Đình Hòa sinh năm 1970 trong một gia đình nông dân nghèo ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Tuổi ấu thơ của ông trôi qua với một buổi đi học, một buổi theo cha đi kéo xe, khuân vác nơi bến cảng gần nhà. Ngoài làm ruộng, bố mẹ ông phải làm thuê đủ nghề nhưng vẫn cố gắng để 6 con học đến đại học. Đặc biệt, hầu như năm nào cũng chứng kiến cảnh hạn hán, bão lũ khiến ông trăn trở phải làm được gì đó giúp quê hương. Đấy cũng chính là lương duyên khiến Trần Đình Hòa đến với ngành Thủy lợi. Tốt nghiệp ĐH Thủy lợi năm 1992, ông về công tác tại Viện Khoa học thủy lợi (nay là Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam).
Trải qua hơn 20 năm với niềm đam mê và lăn lộn với công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đến nay GS Trần Đình Hòa chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, các công trình đề tài nghiên cứu khoa học khác. Ông được phong hàm Giáo sư vì có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Không chỉ là vị Giáo sư trẻ tuổi nhất của năm 2013, ông còn là người ít tuổi nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật được phong hàm Giáo sư. Trước đó, khi được phong hàm Phó giáo sư ở tuổi 37, ông cũng là vị Phó giáo sư trẻ tuổi nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Trả lời câu hỏi: “Là nhà nghiên cứu khoa học thủy lợi phải nay đây mai đó, thậm chí phải xa gia đình hàng năm trời, người phụ nữ phía sau lưng ông chắc phải hy sinh rất lớn?”, vẫn với câu trả lời khiêm tốn, ông cười: “Điều đó là đương nhiên, đúng là khá thiệt thòi cho vợ con tôi”.
Công trình tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng
ThS Thái Quốc Hiền, Giám đốc Trung tâm Công trình đồng bằng ven biển và đê điều (Viện Thủy công) – một trong những đồng tác giả cùng GS Trần Đình Hòa ở cụm công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan” (Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012) – cho biết, công trình này của GS Trần Đình Hòa và các đồng sự có ý nghĩa kinh tế – xã hội rất lớn. Việc hạ chìm đập xà lan di động sẽ tạo ra các “hồ chứa” bằng việc ngăn các cửa sông lớn để giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn, không cần thi công “cứng” gây mất đất, không phải tốn kém giải phóng mặt bằng như trước đây. Đồng thời, công trình này ra đời làm thay đổi quan niệm thiết kế, không phải đắp sông, không phải di dời dân như trước nên đạt hiệu quả cao trong kinh tế.
Nhận xét về GS Trần Đình Hòa, TS Trần Văn Thái, Phó Viện trưởng Viện Thủy công – đồng tác giả công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan” chia sẻ, mặc dù trẻ tuổi nhất trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật này, nhưng GS Trần Đình Hòa đã dám đứng ra cùng một số đồng nghiệp tiếp tục thực hiện đề tài “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan” trong khi trước đó, nhiều giáo sư có tên tuổi trong ngành không tin nó thành công. Những ngày đầu cùng GS Trần Đình Hòa thực hiện công trình, nhiều thành viên trong nhóm tác giả đã có lúc tưởng như bế tắc. Thế nhưng lạ một điều, các thành viên đều nghĩ công trình sẽ thành công và quyết không bỏ cuộc. Và sau 2 năm kiên trì mày mò, cả nhóm đã hạ xà lan thành công. Kể cả sau này, khi ứng dụng thành công, mức đầu tư giảm tới 30-40%, làm lợi rất lớn cho đất nước, nhưng lại động chạm tới nhiều vấn đề tế nhị trong xây dựng, giữa cái mới và cái cũ, khiến họ vẫn gặp không ít khó khăn.
Mặc dù tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng nhờ ứng dụng công nghệ này vào hàng loạt các công trình nhưng GS Trần Đình Hòa vẫn tự nhận xét, những kết quả ông và đồng nghiệp có được còn rất nhỏ bé. Đặc biệt, ông vẫn nặng lòng với suy nghĩ, làm sao để bà con nông dân bớt khổ hơn, bớt thiệt hại từ thiên tai. Hiện, nhóm tác giả công trình đang hy vọng được ứng dụng kĩ thuật này để chống ngập úng cho TPHCM. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất vẫn là thiếu kinh phí đầu tư để hy vọng này thành hiện thực.
Lương Mỹ

(Gia Đình)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP