Đền ơn - Đáp nghĩa

Hà Tĩnh: Ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng

Xác định Đề án “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở” của Chính phủ là chính sách mang ý nghĩa thiết thực và đầy tính nhân văn, hiện nay, việc ưu tiên thực hiện chính sách xóa nhà tranh, chống dột, chống sập, ổn định cuộc sống và an sinh xã hội cho đối tượng người có công là việc làm cụ thể, thiết thực, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội, được các cấp chính quyền, địa phương Hà Tĩnh đồng thuận và tích cực triển khai.


Một gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở tại Hà Tĩnh.

Thông qua việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, qua đó, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để toàn xã hội nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công. Vấn đề ưu đãi người có công với cách mạng được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên hàng đầu.

Ngoài việc thực hiện những chính sách đãi ngộ theo quy định của Đảng và Nhà nước, Hà Tĩnh còn huy động nhiều nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo, xoa dịu nỗi đau, sự mất mát cho những gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng. Chỉ đạo bố trí ngân sách Nhà nước và huy động mọi nguồn lực toàn dân cùng chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công, với mục tiêu nâng mức sống của gia đình chính sách từ bằng hoặc hơn mức sống dân cư địa bàn cư trú.

Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay Hà Tĩnh thực hiện đề án hỗ trợ người có công về nhà ở này rất tốt, kinh phí hỗ trợ chính sách ưu đãi nhà ở người có công được ưu tiên hàng đầu. Mặc dù ngân sách Trung ương chưa cấp đủ nhưng chúng tôi đã vận dụng các nguồn ngân sách địa phương để triển khai đồng bộ đề án này”.

Theo tìm hiểu của PV Báo Xây dựng, Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 05/9/2013, với số lượng 5.158 hộ cần được hỗ trợ. Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Đề án và tình hình thực tế để rà soát các đối tượng thuộc diện người có công được hỗ trợ về nhà ở, tham mưu báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thẩm tra. Kết quả rà soát: Tổng số hộ khó khăn về nhà ở là 5.118 hộ cần tổng kinh phí 153.640 tỷ đồng (trong đó xây mới: 2.564 hộ, sửa chữa: 2.554 hộ).

Nhằm sớm triển khai thực hiện chính sách này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trích tạm ứng nguồn kinh phí của ngân sách tỉnh cấp cho các huyện, thành phố, thị xã để bố trí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đến nay, đã có 4.057/5.118 hộ (đạt tỷ lệ 85 %) hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, trong đó có 2.012/2.564 hộ xây mới, 2.045/2.554 hộ sửa chữa. Tổng số tiền giải ngân cho các hộ gia đình từ các nguồn ngân sách là 117,959 tỷ đồng

Việc triển khai hỗ trợ đảm bảo nghiêm túc, đúng đối tượng, điều kiện, kết quả xây dựng, sửa chữa nhà ở của người có công tại các địa phương đảm bảo theo quy định: Nhà ở sau khi được hỗ trợ đảm bảo tiêu chí “3 cứng”, diện tích nhà ở đa số trên 30m2 (mức quy định là 24m2), chất lượng đảm bảo; hồ sơ giải ngân và hoàn công đảm bảo theo hướng dẫn của tỉnh. Nhiều hộ gia đình người có công được sự chung tay của gia đình, dòng họ và cộng đồng đã xây dựng lại nhà ở khang trang, to đẹp hơn với kinh phí lớn hơn nhiều so với kinh phí được hỗ trợ. Hiện nay, huyện Hương Sơn đạt tỷ lệ hoàn thành 100%, Nghi Xuân 90%, Thạch Hà 89%, Cẩm Xuyên 88%…

Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, ông Phan Lê Hùng, Trưởng phòng quản lý nhà và kinh doanh bất động sản (Sở Xây dựng Hà Tĩnh) khẳng định: “Việc triển khai đề án hỗ trợ người có công về nhà ở trên địa bàn Hà Tĩnh được thực hiện đồng bộ và rất hiệu quả, đạt tỷ lệ 85% kế hoạch. Qua kiểm tra và giám sát công tác triển khai ở các địa phương, chúng tôi ghi nhận sự đồng thuận vào cuộc của các cấp chính quyền, thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của xã hội đối với gia đình người có công”.

Những cố gắng, nỗ lực của chính quyền Hà Tĩnh xuất phát bằng tấm lòng tri ân thế hệ đã đổ máu xương gìn giữ Tổ quốc, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh, với nỗi đau tột cùng không gì bù đắp mà chiến tranh đã để lại cho những gia đình có công với cách mạng. Dẫu biết rằng sự bù đắp kia khó có thể xóa đi nỗi đau, xóa đi vết tích nghiệt ngã của chiến tranh, nhưng những thế hệ người Hà Tĩnh hôm nay và mai sau sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đem tài năng của mình xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh, đó chính là cách “trả ơn” quý báu nhất.

Tuyết Mây

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP