Tuỳ bút Quê hương

Hà Tĩnh: Tưởng niệm 30 năm ngày mất “Ông hoàng của thơ tình” Xuân Diệu

Sáng 18/12, UBND thị trấn Nghèn và dòng họ Ngô – Trảo Nha đã tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày mất Nhà thơ Xuân Diệu. Tham dự buổi lễ có Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy Võ Hồng Hải, các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện, đại diện các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện, thị trấn Nghèn, con cháu dòng họ và đông đảo nhân dân địa phương.

hatin24h

Upload

Đ/c Đào Tùng, UVTV, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nghèn đọc diễn văn Lễ tưởng niệm

Upload

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Diễn văn buổi lễ đã nêu bật những công lao, đóng góp to lớn của nhà thơ Xuân Diệu đối với quê hương, đất nước. Xuân Diệu sinh năm 1916 tại Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (quê ngoại của ông). Cha là  Ngô Xuân Thọ, người Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn) và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.

Lớn lên ở Quy Nhơn, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (1938 -1940) và là một trong những chủ soái của phong trào “Thơ Mới”. Năm 1943, ông tốt nghiệp cử nhân Luật và làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội. Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh.

Upload

Các đại biểu dâng hương tại Nhà Lưu niệm Xuân Diệu

Upload

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, làm Thư ký Tạp chí Tiền Phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội Văn nghệ Việt Nam, làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc. Ông tham gia Ban Chấp hành, nhiều năm là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.

Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “Ông hoàng của thơ tình” (Lời Hoài Thanh)

Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ, một số truyện ngắn và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học. Ông từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Năm 1983, ông được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I năm 1996).

Sau khi mất (18/12/1985), ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Tên của ông được nhiều tỉnh, thành phố khác đặt tên đường phố; nhiều trường học trên khắp cả nước được mang tên Xuân Diệu.

Việc tổ chức tưởng niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu nhằm tưởng nhớ, tri ân một nhà thơ lớn, một tâm hồn lớn, một người con của quê hương, đất nước đã để lại cho đời, cho nền văn học Việt Nam những di sản thơ ca nổi tiếng, góp phần làm rạng danh Can Lộc – vùng đất địa linh nhân kiệt.

Đạt Võ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP