Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Thiếu an toàn từ công trình xây dựng và những cái chết thương tâm

Chỉ một đoạn công trình 500m mà có đến 4 vụ tai nạn làm 2 người chết và hai người bị thương.

Bắt đầu thi công từ năm 2013 đến nay, công trình cống Đò Điệm và hệ thống kênh trục sông Nghèn với hệ thống kênh trục, kênh tưới và kênh tiêu phục vụ hệ thống thủy lợi cho 7 xã của huyện Lộc Hà, trong đó Thạch Mỹ được xem là kênh đầu mối. Nhưng nơi đây đang là một mối hiểm họa khiến người dân hoang mang, lo sợ khi những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra, số người chết, người bị thương do công trình này ngày một tăng lên.

Điều đáng nói hơn là trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn. Thế nhưng, hầu hết các vụ tai nạn xảy ra tại đây đều nằm vào thời điểm đơn vị nhà thầu đang thi công, nhưng việc đảm bảo an toàn ở đây gần như không có đã dẫn đến những cái chết đau lòng xảy ra.

Những tai nạn chết người thương tâm

Gần đây nhất, ngày 5/9/2016, vụ đuối nước thương tâm khiến hai học sinh Tô Thị Diễm Phương (7 tuổi) và Tô Văn Quân (6 tuổi) cùng trú tại thôn Tân Phú, Huyện Lộc Hà đã tử vong sau lúc đi khai giảng về.

Được biết nơi xảy ra tai nạn là một ao nước sâu do đơn vị thi công múc đất lên để đắp nền cho công trình.

Theo người dân phản ánh thì trước đây chỉ là những ruộng lúa bằng phẳng nhưng do nhà thầu trục lợi lầy đất ngay tại đó đắp lên bờ mương đã tạo thành những ao nước sâu. Ao nước sâu đó tầm 1,7m trời nắng hạn không nói khi mưa về đã trở thành mối lo cho người dân tại địa phương khi mỗi lần đi qua đây.

Hiện trường nơi cháu Linh và cháu Nguyên bị tai nạn

Vụ tai nạn thương tâm tại gói thầu 30, “Dự án cống Đò Điệm và hệ thống kênh trục sông Nghèn” do công ty CP Xây dựng Thương Mại Bắc Á thi công. Những cái chết thương tâm ấy âu một phần cũng là do lỗi bất cẩn, thiếu trách nhiệm phía nhà thầu.

Nói về dự án này chị Trương Thị Ánh (Thôn Phú Mỹ, huyện Lộc Hà) bức xức kể lại: Vào khoảng ngày 17/7/2016 sau khi đi làm về thì phát hiện tay cháu Lê Thị Trúc Linh (6 tuổi, con chị Ánh) bị sưng to. Sau đó gia đình đã đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chụp phim và kiểm tra thì bác sĩ kết luận cháu bị gãy tay. Chị Ánh cho biết thêm buổi chiều hôm gãy tay Linh cùng bạn có ra phía công trình đang thi công chơi và bị ngã xuống dưới mương cũng may chỉ gãy tay chứ không bị đập đầu vào bê tông.

Cháu Lê Thị Trúc Linh bị ngã xuống mương làm gãy tay, khiến cho bên cánh tay không thể duỗi thẳng ra được 

Được biết tại thời điểm cháu Linh và các bạn chơi tại vị trí công trình đang thi công thì việc đảm bảo rào chắn, biển báo đều không có.

 Chị Nguyễn Thị Hải (Xóm Tân Phú, Huyện Lộc Hà) bàng hoàng kể lại: Trước đó khoảng gần 1 năm, Phạm Thị Thảo Nguyên (6 tuổi) sau khi đi học về cháu ra đoạn công trình kênh mương đang thi công chơi, không may cháu cầm phải dây điện bị sà xuống sát đất nhưng do dây điện không được bao bọc cẩn thận nên đã khiến cháu bị điện giật làm cháy mất ngón tay.

Sau đó gia đình đã vội vàng đưa cháu vào viện Đa khoa huyện Lộc Hà. Điều trị 2 tuần tại bệnh viện tuyến huyện, thấy sốt ruột quá thì gia đình đã xin chuyển cháu lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Lên tuyến trên họ đã tiến hành cắt ghép và lọc bỏ phần da chết trên tay cháu và lấy thịt phía trên bắp tay để đắp vào ngón áp út bị đã bị cháy. Gần như ngón tay áp út của Thảo Nguyên đã bị họa tử và không còn có cảm nhận cũng như cử động bình thường.

Ngón tay áp út của bé Thảo Nguyên đã bị hoại tử và mất cảm giác sau tai nạn

Chị Hải còn cho hay, mặc dù cháu mình bị điện giật và phải nằm điều trị ở bệnh viện 1 tháng trời nhưng phía đơn vị thi công cũng chỉ xuống thăm hỏi vài ba lần và có đưa cho gia đình 4 triệu đồng để gia đình chăm sóc cháu chứ không có trách nhiệm gì thêm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Võ Tá Hiếu – Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ cho biết: Công trình có đến gần 20 nhà thầu thi công chủ yếu là kênh trục, mương tưới, mương tiêu phục vụ cho các xã gần đây thuộc huyện Lộc Hà. Thực tế, trách nhiệm địa phương là phần giải phóng mặt bằng cho nên việc nhà thầu làm ở đâu thì địa phương chỉ tham gia giải phóng mặt bằng còn lại phía Ban quản lý dự án sẽ giao lại cho nhà thầu.

Trước khi tiến hành xây dựng công trình địa phương đã mời cán bộ giao thông, cán bộ địa chính, công an và nhà thầu đến làm việc. Tuy nhiên quá trình thi công thì các nhà thầu phải lường trước được mức độ nguy hiểm, không thể tự đào hố sai quy định để lấy đất phục vụ công trình nhằm giảm chi phí được.

Đặc biệt, công trình không có rào chắn, biển báo, thông báo nguy hiểm. Ông Hiếu nhấn mạnh việc hai cháu nhỏ mất ngày 5/9/2016, nhà thầu đã thiếu trách nhiệm, họ có thể liên hệ địa phương nhờ địa phương hỗ trợ để động viên, an ủi tới gia đình nạn nhân.

Ông Võ Tá Hiếu nhấn mạnh về sự vô cảm của nhà thầu thi công trên công trình gay ra những tai nạn thương tâm

Ông Hiếu còn nhấn mạnh các cơ quan chức năng liên quan đến dự án này nên tăng cường công tác quản lý và cần có biện pháp chấn chỉnh và không nên buông lỏng để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Được biết, đây là gói thầu số 30, tổng chiều dài 3,7km, do Sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư, Công ty CP Xây dựng Thương mại Bắc Á là đơn vị thi công. Khi phóng viên liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Văn Thái – đại diện Công ty CP Xây dựng Thương mại Bắc Á thì nhận được một câu trả lời thản nhiên “chưa hề biết đến có vụ tai nạn nào xảy ra, có gì để anh kiểm tra đã”, “còn dân phản ánh thì hỏi dân còn anh chỉ là người thi công công trình”…

Linh Hằng – Diệp Bình/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP