Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: “Thấy bảo vật quốc gia lăn lóc ở hành lang, chúng tôi đau lòng lắm”

“Báu vật quốc gia” đặt ngay trong một lối đi ẩm mốc luộm thuộm của Bảo tàng Hà Tĩnh 

“Việc xây dựng bảo tàng mới chúng tôi chưa hy vọng nhiều vào lúc này nhưng thực trạng thấy bảo vật quốc gia nằm lăn lóc giữa hành lang đi lại, những người quản lý cổ vật như chúng tôi đau lòng lắm”, ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh ngậm ngùi.
Báu vật quốc gia đặt ngay trong một lối đi ẩm mốc nhơ nhuốc của Bảo tàng Hà Tĩnh 

Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh hiện đang lưu giữ ba khẩu súng thần công được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “bảo vật quốc gia”. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay thiếu chỗ trưng bày nên ba khẩu thần công này đang được bảo quản tạm bợ tại hành lang của bảo tàng.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh thừa nhận đó là thực tế. Theo ông Sơn, ba khẩu súng thần công này có niên đại năm Minh Mạng thứ 2 (1821) có tên là “Bảo quốc an dân Đại tướng quân” thuộc triều đình nhà Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết đinh số 2599/QĐ-TTg ngày 30.12.2013 công nhận là bảo vật quốc gia.

Súng thần công  – bảo vật quốc gia nằm ngoài hành lang

Ba khẩu thần công này được một số ngư dân ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong quá trình khai thác hải sản ở vùng biển gần đảo Mắt phát hiện vào tháng 8.2003 trên một con tàu cổ bị chìm. Thợ lặn đã trục vớt, ý định của họ là bán cho một số người buôn đồ cổ. Rất may là cơ quan chức năng Hà Tĩnh phát hiện kịp thời và đưa về Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh lưu giữ bảo quản.

Ông Sơn khẳng định: “Hiện nay ở nước ta có hàng ngàn khẩu súng thần công đang được lưu giữ ở các bảo tàng, công trình văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, để được công nhận là bảo vật quốc gia về súng thần công thì duy nhất chỉ có 3 khẩu súng thần công ở Hà Tĩnh. Ngoài về giá trị quý hiếm, 3 khẩu thần công nằm trong một bộ sưu tập, 3 súng đều có bài minh văn về sự đúc súng và giá trị đúc súng.

Cả 3 khẩu có hình dáng, thiết kế giống nhau, súng được đúc bằng đồng mỗi khẩu nặng 1,3 tấn, dài 2,43 m, đường kính thân súng 40 cm, kích thước nòng súng 11 cm. Thân súng được trang trí khắc hình hoa cúc dây, ở giữa có một cặp long phượng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn được chạm khảm rất tinh xảo”.

Từ khi phát hiện những khẩu súng này bị hoen gỉ do nằm dưới biển quá lâu, năm 2008 Bảo tàng Hà Tĩnh đã thuê chuyên gia từ thành phố Hồ Chí Minh về phục chế được một khẩu và cất vào kho. Còn hai khẩu không có kinh phí và nơi trưng bày đành gác tạm bợ tại hành lang.

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Đức Hạnh – Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Là đơn vị chủ quản chúng tôi cũng đã nhìn nhận được vấn đề này, vì vậy sau khi Bảo tàng có tờ trình vào tháng 5.2014, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi lên UBND tỉnh, Sở Tài chính giúp đỡ hỗ trợ bảo tàng một số kinh phí để thực hiện việc bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, nhà bảo tàng xuống cấp tỉnh cũng đã có chủ trương triển khai dự án xây dựng bảo tàng mới nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Còn theo Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh-Nguyễn Trí Sơn: “Việc xây dựng bảo tàng mới chúng tôi chưa hy vọng nhiều vào lúc này nhưng thực trạng thấy bảo vật quốc gia nằm lăn lóc giữa hành lang đi lại, những người quản lý cổ vật như chúng tôi đau lòng lắm. Chỉ mong muốn tỉnh hỗ trợ làm cái giá đỡ súng có bánh xe giống một số địa phương, để có thể linh động di chuyển súng thần công đưa vào phòng làm việc hay vào kho”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP