Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Thầm lặng bên những chuyến tàu…

Căng thẳng và áp lực

Tiếng còi rít lên mỗi lúc một lớn, chiếc đầu máy ì ạch kéo từng toa hành khách xình xịch đỗ ở sân ga. Người đoàn tụ, kẻ chia ly, khung cảnh đưa tiễn bắt đầu huyên náo. Trong không khí vội vã sắp sửa bước vào chặng hành trình mới, thấp thoáng vài bóng áo xanh lặng lẽ, mải miết với công việc. Họ là người công nhân đường sắt, luôn âm thầm bên những chuyến tàu…

Tập trung cao độ mỗi khi chiếc bộ đàm phát ra tín hiệu, anh Lê Hữu Hùng, cán bộ trực ban chạy tàu ga Hương Phố (Hương Khê) chẳng hay chúng tôi đã bước vào phòng tự khi nào. Đồng hồ đã điểm trưa nhưng chẳng thể khiến mọi hoạt động trong sân ga ngừng lại. Thấy bóng khách, người đàn ông trong bộ đồng phục đường sắt vừa kịp nở nụ cười rồi nhanh chóng cuốn vào nhịp độ công việc. Chỉ đến khi mọi thông tin từ bên kia đầu dây ngừng hẳn, anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Thầm lặng bên những chuyến tàu...

Ngoài công việc chuyên môn, những công nhân đường sắt thường kiêm luôn nhiệm vụ đảm bảo ANTT.

“Căng thẳng và áp lực, chừng ấy đủ để mô tả về tính chất công việc chúng tôi đang làm. Trực ban đảm bảo cho đoàn tàu chạy đúng làn đường, tránh xảy ra va chạm. Làm nghề này không được phép sai sót bởi chỉ cần một phút lơ đễnh, sẽ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm hành khách”, anh Hùng mở đầu câu chuyện.

Hàng ngày, ga Hương Phố đón, tiễn từ 30-32 đoàn tàu chạy qua. Ngày giáp tết, tàu tăng cường lên 35 chuyến, công việc của những công nhân đường sắt càng khó khăn. Buổi trưa, chập tối hay các ngày cuối tuần là thời điểm lượng khách lên xuống nhiều nhất khiến ê kíp trực phải làm việc hết sức vất vả. Ngày cầm cờ, đêm cầm đèn dường như đã trở thành thói quen mặc định trong tâm thức của họ. Ngày hè, nắng nóng như thiêu đốt. Sang đông, lạnh thấu xương. Nhưng, chừng ấy chẳng thấm tháp vào đâu khi mùa bão đến, các anh lại “ngụp lặn” trong những bộ đồ phòng hộ, dù mưa táp vào mặt đến cay mắt vẫn kiên trì bám trụ, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu.

Ga Hương Phố có tất cả 15 nhân viên, đảm nhận các vị trí khác nhau, từ trưởng ga, bán vé, trực ban đến bảo vệ. Nếu nhân viên bán vé có phần “nhàn” hơn khi làm việc theo giờ hành chính thì kíp trực ban, bảo vệ tàu lại vất vả hơn rất nhiều. Thời gian làm việc của các anh quay vòng suốt 12 tiếng, tính từ thời điểm 18h trong ngày. Mỗi lần “lên kíp”, họ phải căng tai lắng nghe, căng mắt theo dõi, dồn hết mọi sự tập trung vào các thiết bị liên lạc. “Đang ăn phải vứt bát đũa lao vào công việc cũng là chuyện thường”, anh Hùng hóm hỉnh. Công việc “ngồi một chỗ” tưởng chừng giản đơn nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần nguy hiểm.

Khó khăn, áp lực là vậy, nhưng cán bộ trực ban tại ga Hương Phố vẫn cảm thấy may mắn so với “người đồng nghiệp” Hòa Duyệt. Ga Hòa Duyệt đứng chân tại thôn Liên Hòa, xã Đức Liên – một địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Vũ Quang. So với 7 ga còn lại trên toàn tỉnh, Hòa Duyệt có phần thiệt thòi khi không có nơi để giao lưu, gặp gỡ. “Anh em chúng tôi vẫn thường gọi đây là địa bàn “3 không”: không đường, không trường, không trạm”, nỗi buồn hiện lên trong ánh mắt của Trưởng ga Châu Nam Trung.

Nỗi buồn người “gác cửa”

Ga tàu là nơi đông đúc người qua lại, vì vậy, ngoài công việc hàng ngày, những công nhân đường sắt thường kiêm luôn vai trò bảo đảm trật tự an ninh. Mặc dù các sân ga đã có sự phối hợp với công an xã và chính quyền địa phương nhưng không tránh khỏi việc bị các đối tượng gây rối, nhất là vào những ngày lễ tết, không ít người uống rượu rồi gây gổ với nhân viên nhà ga. Chưa kể, một số hành khách chậm tàu thể hiện thái độ thiếu thiện chí với ê kíp trực.

Thầm lặng bên những chuyến tàu...

Trong ca trực tàu

“Ai cũng muốn nhanh chóng được về với gia đình, đoàn tụ trong không khí ấm cúng nhưng bị đối xử như vậy, chúng tôi thực sự rất buồn”, anh Hùng trầm ngâm.

Trong số 11 nhân viên tại ga Hòa Duyệt, người xa nhất ở tận Thanh Chương (Nghệ An), cả quãng đường đi về hơn 200 cây số. Những người còn lại, gần nhất cũng ngót nghét 70 km. Một bữa cơm đầm ấm, sum vầy bên gia đình tưởng chừng giản đơn nhưng lại là niềm mong ước đối với họ. Không ít lần, chứng kiến cảnh bịn rịn chia tay tại sân ga khiến các anh thêm phần chạnh lòng.

Trong suốt chặng hành trình của cuộc đời, mỗi người sẽ có lúc tự chọn cho mình điểm dừng ở những sân ga khác nhau. Bao chuyến tàu đến rồi đi, bước chân của hành khách vẫn hối hả, tấp nập như cách họ tìm đến, duy chỉ có những bóng áo xanh vẫn luôn lặng lẽ, âm thầm…

Thùy Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP