TP-Huyện-Thị

Hà Tĩnh: Thả rông trâu bò trên quốc lộ, hiểm hoạ cho người đi đường

Trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua Hà Tĩnh, việc người dân tùy tiện thả rông trâu, bò trên đường không chỉ gây mất mỹ quan đường phố, mà còn đe dọa tới sự an nguy cho người và phương tiện giao thông.

Đất nước phát triển, các tuyến đường giao thông được quan tâm nâng cấp và mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông các loại phương tiện và việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, một tình trạng đáng báo động hiện đang diễn ra trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua Hà Tĩnh, đó là việc người dân tùy tiện thả rông trâu, bò trên đường. Không chỉ gây mất mỹ quan đường phố, mà còn đe dọa tới sự an nguy cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Là tuyến huyết mạch giao thông Bắc – Nam, nơi có lượng người và phương tiện tham gia rất đông, những điều đáng cảnh báo đối với người tham gia giao thông qua khu vực này là nạn chăn thả gia súc không đúng nơi quy đinh, tự tiện thả rông vật nuôi tự do đi lại trên quốc lộ là một mối hiểm nguy cho người và phương tiện tham gia giao thông qua đoạn đường này.

Vào buổi sáng sớm và chập tối, đoạn đường này thường có những đàn trâu, bò khoảng từ 10-15 con không người chăn dắt cứ ngang nhiên chạy dọc quốc lộ. Cũng có khi thấy có người chăn dắt đi theo nhưng hình như họ cũng “mờ tịt” luôn luật như… thì phải (?!). Bởi chúng tôi thấy những người đi sau lùa đàn trâu, bò trên đường quốc lộ mà cứ mặc nhiên nhoẹt miệng cười vô tư như không có chuyện gì xảy ra.

Mỗi lần đi qua địa phận huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh thường bắt gặp những đàn trâu được trẻ em lùa trên đường Quốc lộ 1A gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Xuân Hoàng.

Nhớ lại giây phút kinh hoàng trên chuyến xe buýt từ thị xã Kỳ Anh về thành phố Hà Tĩnh vào một buổi chiều tối đầu tháng 6 vừa qua, trong tôi vẫn chưa hết nỗi sợ hãi. Cứ nghĩ mình và gần 20 hành khách trên chuyến xe thật may mắn đã thoát chết, nếu lúc đó bác tài xế không giỏi xử lý tình huống thì khó có thể tránh khỏi thương vong.

Hôm đó, chiếc xe buýt chở chúng tôi đang chạy bên phần đường quy định đến gần hết địa phận xã Kỳ Phong, thuộc huyện Kỳ Anh thì bên kia giải phân cách một đàn bò khoảng gần chục con không thấy chủ chăn dắt lao như thiêu thân dọc phần đường bên kia. Phía sau đàn bò có mấy chiếc xe tải chạy tuýt còi inh ỏi làm cho đàn bò hoảng loạn. Bất ngờ, đến đoạn cách của giải phân cách giữa đường, đàn bò đột nhiên rẽ trái lao sang đường đúng lúc chiếc xe buýt chạy tới.

Hậu quả là chiếc xe buýt đã tông vào đàn bò, một con đầu đàn chết ngay tại chỗ, những con còn lại chạy hoảng loạn, may mà không có chiếc xe nào đi sau, nếu không thì hậu quả sẽ khôn lường. Thế nhưng, khi bò chết, chiếc xe buýt hư hỏng nặng, lẽ ra người dân phải nhận ra trách nhiệm của mình thì ngược lại, chủ con bò bị xe tông chết lại bắt bác tài xế đền con bò.

Mặc dù được nhiều hành khách am hiểu pháp luật giải thích nhưng người dân vẫn kiên quyết không chịu. Trước sức ép của người dân, bác tài xế buộc lòng phải chấp nhận mang tiền đền bò cho dân. “Thôi mình đền đi cho xong, mình còn đi lại tuyến đường này thường xuyên nữa, phép vua, thua lệ làng. Coi như 2 tháng tôi chạy xe không công vậy”, bác tài xế ngậm ngùi.

Đó là vụ tai nạn mà chúng tôi trực tiếp chứng kiến. Còn nhiều vụ tai nạn khác cũng từ nguyên nhân trên mà chúng tôi được biết như vào khoảng giữa tháng 5/2016 trên địa bàn xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh cũng đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông tương tự làm chết một lúc 2 con trâu.

Những đàn bò được thả rông ngênh ngang trên quốc lộ ở địa bàn phường Kỳ Liên và phường Kỳ Trinh. Ảnh: Xuân Hoàng.

Lúc đó khoảng 19 giờ, tại khu vực cầu Bụi Tre, trên Quốc lộ 1A, một hộ dân đã lùa một đàn trâu qua đường, đúng vào lúc cao điểm, phương tiện tham gia giao thông đông đúc, còi, đèn xe đã làm cho đàn trâu hoảng loạn chạy bát nháo trên đường. Đúng lúc đó, một chiếc xe chở khách chạy tới đã đâm vào đàn trâu làm chết tại chỗ 2 con trâu, rất may chiếc xe khách vẫn giữ được thăng bằng mà không bị lật, mấy chục hành khách trên xe được một phen hú vía. Thế rồi cách giải quyết cuối cùng cũng như bác tài xế xe buýt, chủ xe đành ngậm ngùi “bồi thường” cho chủ trâu để đổi lấy yên lành cho mỗi chuyến xe chở khách qua đây.

Nghiêm trọng hơn phải nói đến vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào dịp đầu tháng 6 vừa qua. Hôm đó, vào khoảng 5 giờ sáng, một hộ dân đi làm mùa sử dụng con bò kéo theo chiếc xe chở người, lúa, phân và dụng cụ đi gieo xạ chạy dọc trên đường Quốc lộ 1A, đến đoạn Dốc Voi, xóm 4, xã Kỳ Phong đã bị một chiếc mô tô của một người đi đường tông vào, cú tông khá mạnh làm cho người điều khiển mô tô ngã ra đường. Đúng lúc đó một chiếc xe tải lao tới không kịp thắng đã tông vào người đi mô tô, rồi tông liên tiếp vào chiếc xe bò, cú tông liên hoàn đã cướp đi sinh mạng của người đi mô tô.

Đó là số ít của những vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do ý thức của người dân trong việc chăn thả gia súc tùy tiện trên đường mà chúng tôi trích nêu. Cũng là người có công việc thường xuyên tham gia giao thông trên đoạn đường này, anh Đặng Văn Quý (43 tuổi, trú quán xã Thạch Bình, TP.Hà Tĩnh) đã thốt lên lời than phiền: “Dạo này dân mình nuôi trâu, bò kiểu gì mà thả rông trên quốc lộ nhiều thế không biết? Nếu các địa phương không kịp thời có biện pháp xử lý nhiêm và tuyên truyền để người dân nêu cao ý thức không chăn thả trâu, bò tùy tiện trên đường nữa thì sẽ rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chưa nói đến trâu, bò thả rông như vậy còn làm bậy ra đường làm mất cảnh quan môi trường nữa”.

Đem câu chuyện trên trao đổi với Trung tá Đậu Minh Danh – Quyền Đội trưởng, Đội CSGT – Công an huyện Kỳ Anh, anh cho biết: “Hiện nay tình trạng người dân chăn thả rông trâu, bò tùy tiện trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Kỳ Anh là khá phổ biến, nhất là vào những thời điểm sau thu hoạch mùa vụ, dân thu hoạch lúa xong là thả trâu, bò chạy lông nhông ngoài đồng. Đến cuối ngày, trâu, bò tập trung thành đàn tự về rồi đi nghênh ngang trên Quốc lộ rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông”.

Cũng theo Trung tá Danh, việc xử phạt các trường hợp vi phạm này là rất khó, do đa phần người chăn thả trâu, bò chủ yếu là trẻ em và người già, đi không mang theo giấy tờ, tiền bạc. Cũng có khi đàn trâu, bò thả rông trên đường lại là của nhiều hộ dân nên rất khó tìm người xử phạt.

Bên cạnh đó, trên thực tế, số lượng các vụ va chạm giao thông có liên quan tới trâu, bò được xử lý theo pháp luật cũng rất ít nên rất khó răn đe. Bởi thế, người tham gia giao thông cần phải tự bảo vệ mình bằng cách chú ý quan sát thật kỹ và chạy đúng tốc độ cho phép, không nên chạy nhanh, vượt ẩu vừa vi phạm luật vừa nguy hiểm tính mạng khi gặp sự cố không kịp xử lý.

Qua những điều mắt thấy tai nghe, cùng với đó là Luật giao thông đường bộ đã quy định, buộc tất cả mọi công dân phải chấp hành, vậy tại sao một số hộ dân vẫn cố tình không chấp hành, phải chăng chế tài xử phạt còn quá nhẹ và hình thức xử phạt lại đang thiên về tình cảm, hay công tác tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn…?

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp chính quyền cùng các cơ quan chức trách cần khẩn trương vào cuộc để kịp thời có biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên tránh để tiếp tục xảy ra những hậu quả đau lòng đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và ý thức được việc chăn thả trâu, bò trên đường là vi phạm pháp luật và nguy hiểm cho người và các loại phương tiện tham gia giao thông.

Võ Việt/KD&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP