Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Tê liệt toàn thân, viết thư bằng miệng xin được hiến đầu

“Thay vì chết dần, chết mòn theo năm tháng thì tôi muốn được cống hiến cuộc đời mình cho nền y học của nước nhà…”. Đó là những lời gan ruột Phạm Sỹ Long bộc bạch trong tâm thư viết bằng miệng.

 >> Hà Tĩnh: Chuyện về chàng trai 28 tuổi bị bại liệt vẽ tranh bằng miệng

Video chàng trai viết chữ bằng miệng với tâm nguyện được hiến đầu

Sau đây là nguyên văn bức tâm thư gửi báo điện tử Người Đưa Tin – báo Đời sống và Pháp luật về việc xin hiến đầu để thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên tại Việt Nam của chàng trai tàn tật viết chữ bằng miệng ở Hà Tĩnh.

“Tên tôi là: Phan Sỹ Long, ngày sinh: 5/8/1988, ở xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Cách đây 14 năm (2/9/2003) không may tôi bị tai nạn ngã từ trên cây xuống, bị dập hai đốt xương cổ. Vì bị chấn thương quá nặng, không thể chữa được khiến tôi bị liệt và mất cảm giác từ vai xuống. Mười mấy năm qua, tôi phải nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ những người thân giúp đỡ. Những ước mơ, hoài bão của tôi cũng bị dập tắt từ đó, thay vào đó là bao nhiêu nỗi khó khăn, vất vả, là những cay đắng, tủi nhục và cả những nổi đau đớn kinh khủng cả thể xác lẫn tâm hồn. Tuy vậy, từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn hằng hy vọng sẽ có điều kỳ tích xảy ra giúp cho cuộc đời tôi thay đổi, để tôi có thể bù đắp những gì tôi đã vô tình gây ra cho gia đình suốt mười mấy năm qua.

Tê liệt toàn thân, viết thư bằng miệng xin được hiến đầu - Ảnh 1

Dù tật nguyền nhưng Phan Sỹ Long vẫn khao khát trở thành người có ích.

Gần đây, tình cờ tôi đọc báo và được biết thông tin, đến năm 2017 trên thế giới sẽ thực hiện được phẫu thuật ghép đầu người. Sau khi trên thế giới thực hiện thành công, Việt Nam sẽ mời chuyên gia về đào tạo và nhận chuyển giao kỹ thuật ghép đầu người về Việt Nam. Tôi được biết, để chuẩn bị cho ca ghép đầu người đầu tiên tại Việt Nam, hiện nay, bác sỹ Trịnh Hồng Sơn – Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức đang cần tìm người bị liệt toàn thân chỉ có điều vẫn bình thường, tình nguyện hiến tặng đầu của mình để họ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên tại Việt Nam. Khi biết thông tin này trong lòng tôi bỗng dấy lên một niềm hy vọng có thể sẽ giúp tôi thay đổi được số phận của mình nên tôi quyết định đăng ký tình nguyện hiến đầu mình cho ca phẫu thuật trên.

Sau khi hỏi ý kiến, tuy lo lắng nhưng gia đình tôi cũng tôn trọng và ủng hộ. Tôi biết, sự rủi ro trong quá trình phẫu thuật là rất lớn, khả năng tôi sẽ chết là rất cao nhưng tôi thiết nghĩ ai cũng sợ, muốn để người khác làm thành công rồi mình mới làm thì không bao giờ biết được kết quả có thành công hay không. Thay vì chết dần, chết mòn theo năm tháng thì tôi muốn được cống hiến cuộc đời mình cho nền y học của nước nhà nên tôi sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Nếu như ca phẫu thuật thành công thì tốt, còn nếu thất bại tôi cũng mãn nguyện chỉ mong các bác sỹ rút ra được bài học nào đó để những người có cảnh ngộ như tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Tê liệt toàn thân, viết thư bằng miệng xin được hiến đầu - Ảnh 2

Bức tâm thư được viết bằng miệng với nguyện vọng được hiến đầu khiến nhiều người sửng sốt.

Vì điều kiện sức khỏe và địa lý mà tôi không thể gặp trực tiếp bác sỹ Trịnh Hồng Sơn để nói được hết tâm tư, nguyện vọng trong lòng mình. Do vậy, tôi viết thư này gửi đến báo Người Đưa Tin – báo Đời sống và Pháp luật với mong ước quý báo sẽ là nhịp cầu giúp kết nối tâm nguyện của tôi đến bác sỹ Trịnh Hồng Sơn để tôi có cơ hội được thực hiện tâm nguyện của mình.

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến báo Người Đưa Tin – báo Đời sống và Pháp luật và bác sỹ Trịnh Hồng Sơn”.

Nếu ca ghép đầu trên thế giới thành công, chúng tôi sẽ mời ekip ghép đầu từ nước ngoài sang ghép tại Việt Nam!

Mới đây, tại buổi sinh hoạt chuyên đề về hiến, ghép tạng, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bộ Y tế) cho biết: “Năm 2017 trên thế giới sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên. Nếu ca ghép đầu trên thế giới thành công, chúng tôi sẽ mời ekip ghép đầu từ nước ngoài sang ghép tại Việt Nam. Do đó, để mời được ekip sang Việt Nam, chúng ta phải chuẩn bị trước, người cho và người nhận. Người cho đầu đã sẵn sàng chưa? Người nhận đã có chưa?”.

(còn nữa)

Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP