Kinh tế

Hà Tĩnh: Tăng cường xử lý khai thác thủy sản hủy diệt

Nỗ lực cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp xử lý hành vi sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản. Không chỉ cấp tỉnh mà các địa phương ở Hà Tĩnh cùng vào cuộc quyết liệt.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các tàu cá vi phạm.


Huyện Thạch Hà là địa phương thực hiện có hiệu quả nhất. Năm 2020, cả hệ thống chính quyền, cơ quan hữu quan đã “tổng tấn công” vào các “sào huyệt” chuyên sử dụng kích điện, thuốc nổ khai thác thủy sản hủy diệt trên sông, khu vực ao hồ nội đồng.

Quá trình triển khai, chính quyền huyện, xã ở Thạch Hà phân công lực lượng đến từng thôn xóm rà soát các đối tượng vi phạm, sau đó tổ chức tuyên truyền, vận động bà con tự giao nộp các ngư lưới cụ, chất cấm sử dụng trong khai thác thủy sản. Trong vòng 1 năm qua, gần 170 đối tượng trên địa bàn các xã tự động giao nộp 110 bộ kích điện.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tổ chức 402 cuộc tuần tra, kiểm soát tại vùng nội đồng; phát hiện 53 trường hợp vi phạm; thu giữ 69 kích điện, 24 kg thuốc nổ, 50m dây cháy chậm, 26 kíp nổ; xử phạt hành chính 193 triệu đồng.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh tích cực phối hợp các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Công an, chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản, Luật Thủy sản 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan. Tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…

“Một số huyện như Nghi Xuân, Thạch Hà, Can Lộc, Hương Khê… đã triển khai tuyên truyền, tập huấn hiệu quả đến hàng nghìn lượt người về việc nghiêm cấm khai thác thủy sản hủy diệt. Đây là những địa phương thường để xảy ra các vụ việc người dân sử dụng xung điện, chất nổ khai thác thủy sản nước ngọt, nhất là vào mùa mưa”, ông Hoàng cho biết thêm.

Ngoài ra, đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, hàng tháng Sở NN-PTNT Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai 1 đến 2 cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

“Tính đến nay chúng tôi đã tổ chức 23 cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên biển; trực tiếp kiểm tra, kiểm soát trên 700 lượt tàu cá; phát hiện và xử lý 72 trường hợp vi phạm; phạt tiền 52 trường hợp với tổng số tiền trên 601 triệu đồng, tịch thu 8 bộ kích điện cùng ắc quy, 2 bộ lưới giã cào. Đồng thời, nhắc nhở 20 trường hợp” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh.

Để tăng tính răn đe, ngoài xử phạt hành chính, trong tháng 10/2020 lực lượng chức năng Hà Tĩnh cũng đã xử lý cảnh cáo 1 đối tượng; khởi tố vụ án, khởi tố 1 bị can về hành vi vận chuyển trái phép vật liệu nổ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, chiến dịch ngăn chặn việc sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản còn trường kỳ. Do đó, ngoài sự nỗ lực của ngành chuyên môn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các sở, ngành liên quan, nhất là chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP