Nhân ái

Sinh ra con không cất tiếng khóc, 5 tháng sau mẹ đau đớn phát hiện con bị bại não

Theo mẹ cháu bé, khi sinh ra con không khóc, sau này khi đi khám các bác sĩ mới cho biết, đó là nguyên nhân dẫn đến việc cháu bị bại não.

Con bất thường vì sinh ra không khóc

Đang điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, chị Nguyễn Thị Thu Hoài (sinh năm 1992, ở Hà Tĩnh) hàng ngày phải cùng các bác sĩ trị liệu cho con.

“Ngoài việc bác sĩ châm cứu theo phác đồ, ngày nào tôi cũng phải nắm bóp cơ thể cho con. Thấy con tiến bộ từng ngày, tôi mừng lắm”, chị Hoài chia sẻ.

Theo đó, con chị Hoài là cháu B. (22 tháng tuổi) nhưng đến thời điểm này mới bắt đầu tập lẫy. Trước đó cháu được chẩn đoán bị bại não, dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng đều không có kết quả.

Cháu B. bị ngạt khí dẫn đến bại não vì khi sinh ra không khóc.

Nói về nguyên nhân khiến con mắc bệnh, chị Hoài rưng rưng chia sẻ: “Tôi mang thai và sinh con hoàn toàn bình thường, nhưng khi sinh ra cháu không cất tiếng khóc chào đời. Sau này đi khám các bác sĩ mới nói do cháu không khóc, bị ngạt, ô xy không lên được não, từ đó dẫn đến bại não”.

Theo chị Hoài, chị chính thức phát hiện ra bệnh khi con đến tháng thứ 5 vẫn chưa biết lẫy, khi đó gia đình có đưa con đi khám tại BV Trung ương Huế. Tại đây các bác sĩ cho thuốc về điều trị, nhưng không tiến triển.

Chị Hoài đang hỗ trợ con trai tập lẫy ở tháng thứ 22.

“Tôi cũng đưa cháu đi khám và điều trị nhiều nơi, nhưng cháu vẫn không tiến triển gì, gọi không biết, chỉ nằm nhìn lên mái nhà. Sau khi được một người bạn giới thiệu, tôi đưa cháu ra Hà Nội châm cứu.

Tính đến giờ tôi đã điều trị châm cứu tại bệnh viện được 1 tháng. Cháu tiến bộ nhiều, khi mẹ gọi cháu biết quay về phía mẹ, đặc biệt cháu bắt đầu tập lẫy, lật người…

Tôi chỉ hy vọng sau vài liệu trình nữa, con tôi có thể ngồi dậy và bi bô tập nói đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”, chị Hoài chia sẻ.

Trẻ đẻ ngạt, sinh non dễ bị bại não

Sau khi nghe những chia của chị Hoài, chúng tôi tìm đến BS Vũ Thị Vui – Trưởng khoa Bại não trẻ em (BV Châm cứu Trung ương) thì được biết, những trường hợp như cháu B. không phải là hiếm.

Dẫn chúng tôi xuống từng phòng bệnh, BS Vui giới thiệu những cháu bị bại não do các nguyên nhân khác nhau.

Cháu Cấn Phương Thảo giờ đã bắt đầu tập vận động.

Ví dụ như trường hợp cháu Cấn Phương Thảo (4 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) khi vào viện bất động hoàn toàn. Đến nay sau quá trình điều trị lâu dài, cháu đã có thể chập chững những bước đi đầu tiên.

Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (mẹ cháu Thảo) cho hay, con gái chị chào đời khi chị mới mang thai đến tháng thứ 7. Sau khi chào đời, cháu phát triển bình thường ở những tháng đầu.

Nhưng đến khi đến tuổi tập đi, tập nói cháu lại không được như những đứa trẻ bình thường khác. Chỉ đến khi đi khám chị Nguyệt mới biết con mình bị bại não.

“Những ai có con mắc bệnh như chúng tôi, mới thấu hiểu được nỗi lòng của những người mẹ có con không được bình thường”, chị Nguyệt ngậm ngùi chia sẻ.

BS Vũ Thị Vui đang châm cứu cho một bệnh nhi bị bại não.

BS Vui cho rằng, tại khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp rất nặng, khi đến viện đã bị liệt vận động, chỉ nằm 1 chỗ như hình chữ S. Nhưng sau một thời gian dài điều trị, các cơ mềm ra và hiện đã có thể đi lại được.

“Bại não có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động, khả năng giao tiếp hoặc khả năng nhận thức. Nếu phụ huynh phát hiện sớm, đi điều trị đúng phương pháp thì khả năng hồi phục rất nhanh”, BS Vui nói.

Về khả năng điều trị theo BS Vui, nếu đúng khoa học thì bại não không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng qua thực tiễn điều trị nhiều trẻ đã đạt hiệu quả đến 90-95%, đó cũng có thể coi là một thành công và giúp nhiều gia đình giảm bớt gánh nặng khi con mắc bệnh.

Điều trị trẻ bại não bằng phương pháp điện châm, thủy châm, kết hợp với xoa bóp bấm huyệt.

Về nguyên nhân gây bệnh, BS Vui cho biết bại não ở trẻ có thể bị ảnh hưởng từ quá trình người mẹ mang thai, cho đến khi đứa trẻ ra đời và cả quá trình sau khi đã sinh ra.

“Nhìn chung những bà mẹ mang thai bị nhiễm độc thai kỳ, mẹ bị dị tật bẩm sinh, mẹ bị chậm phát triển trí tuệ; hoặc những đứa trẻ sinh ra bị ngạt khí, bị sinh non, hạ đường máu khi sinh nặng kèm suy hô hấp…thì dễ bị bại não”, BS Vui khuyến cáo.

Để dự phòng căn bệnh này, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như đến tuổi chưa biết lẫy, biết bò, biết đi hoặc đến tuổi tập nói nhưng không nói…thì cần phải đưa đến bệnh viện kiểm tra để có phát hiện kịp thời những bất thường có thể xảy ra.

* Hình ảnh sử dụng đã được sự đồng ý của các nhân vật trong bài

Tác giả: Lê Phương

Nguồn tin: khampha.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP