Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Sáng tạo bất ngờ với Sổ theo dõi chất lượng giáo dục

Ông Nguyễn Hồng Tư – Trường phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, với việc thiết kế Sổ theo dõi chất lượng giáo dùng cho giáo viên bộ môn, Sở đã giúp giáo viên nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi thực hiện Thông tư 30, đồng thời, làm lợi cho các nhà trường về tài chính. Hiện tại, tại Hà Tĩnh, tối đa 7 giáo viên bộ môn dùng chung một cuốn sổ cho một lớp. Cách làm này đã giảm từ con số 14.527 xuống còn 3.791 cuốn sổ; đồng thời, giáo viên bộ môn thuận lợi hơn trong công tác theo dõi chất lượng giáo dục học sinh. Theo ông Nguyễn Hồng Tư, đây là một trong những sáng tạo của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh khi triển khai đánh giá mới với học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh. Lập diễn đàn, đường dây nóng Được biết, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn về “Nâng cao năng lực đánh giá học sinh tiểu học” 100% cán bộ quản lý (612 người), 100% giáo viên các trường tiểu học và các trường phổ thông có cấp tiểu học (5.603 người), do các giảng viên tập huấn ở Bộ GD&ĐT trực tiếp lên lớp. Thông tư 30 ban hành tháng 8/2014 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10/2014. Ngay ngày 5/10/2014, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã tổ chức họp 26 giảng viên đã tham gia tập huấn ở Bộ GD&ĐT để thống nhất một số nội dung; chỉ đạo các phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch tập huấn (với các nội dung: Số lớp, số học viên, thời gian, địa điểm tổ chức. Tất cả các học viên tham gia lớp tập huấn chuẩn bị tài liệu đầy đủ; nghiên cứu, tiếp thu Thông tư, thực hành đánh giá thường xuyên hoạt động học tập và rèn luyện học sinh nghiêm túc, hiệu quả. Công tác tập huấn đã hoàn thành trước ngày 30/10/2014. Sở đồng thời chỉ đạo các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn để nghiên cứu, hiểu sâu sắc về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung và những điểm mới của Thông tư. Cụ thể hóa cách nhận xét, đánh giá, cách nhận biết các năng lực và phẩm chất, các biện pháp tư vấn, hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Chỉ đạo các trường báo cáo quan điểm, ý nghĩa, mục đích, nội dung của việc đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 30 với lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, đồng thời giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, nội dung trong toàn thể phụ huynh, học sinh về việc đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT thành lập tổ nghiệp vụ và có đường dây nóng thường xuyên hỗ trợ cho các giáo viên, các trường tiểu học về việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường thường xuyên kiểm tra để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cho giáo viên thực hiện việc đánh giá thường xuyên bằng lời nhận xét trực tiếp hoặc nhận xét vào vở, phiếu học tập, sổ Theo dõi chất lượng giáo dục của giáo viên. Giáo viên chủ động trong việc đánh giá học sinh, tổ chức cho học sinh đánh giá và tự đánh giá thông qua sản phẩm học tập, rèn luyện, quá trình hình thành phát triển các phẩm chất, năng lực của các em học sinh đối chiếu với chuẩn kiến thức kĩ năng cần đạt, phối hợp cha mẹ học sinh trong quá trình đánh giá bằng nhiều hình thức để đánh giá học sinh kịp thời, chính xác và có hiệu quả, đúng theo tinh thần Thông tư 30. Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã thành lập Diễn đàn giáo dục Tiểu học Hà Tĩnh (gdthhatinh.com) để cán bộ, giáo viên cấp tiểu học trong toàn tỉnh chia sẻ kinh nghiệm và nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định mới đánh giá học sinh tiểu học. Giáo viên không cảm thấy áp lực Theo ông Nguyễn Hồng Tư, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã tổ chức sơ kết ở các trường, các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đánh giá kết quả thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Kết quả cho thấy, các trường đã làm tốt công tác tuyên truyền nên giáo viên, học sinh, các thành viên trong và ngoài nhà trường hiểu khá sâu sắc về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung của Thông tư, đặc biệt là giáo viên trực tiếp đứng lớp. Bước đầu nhìn chung giáo viên thực hiện nhận xét đánh giá, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh kịp thời. Giáo viên đã bám sát vào hướng dẫn của Bộ, Sở, phòng GD&ĐT nhận xét thường xuyên trực tiếp bằng lời và ghi vào vở, phiếu học tập, sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Qua đánh giá học sinh theo Thông tư 30, giáo viên đã có ý thức đổi mới phương pháp dạy học, nắm chắc hơn mục tiêu, nội dung bài dạy, nắm bắt một cách tỉ mỉ quá trình học tập của học sinh, phát hiện kịp thời những điểm mạnh cũng như những mặt hạn chế của học sinh, quan tâm đến các đối tượng học sinh và đã có các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, nhiều giáo viên đã có những lời nhận xét sâu sát, phù hợp với mục tiêu bài học, đặc trưng bộ môn và đối tượng học sinh. Hầu hết giáo viên không cảm thấy áp lực trong việc đổi mới đánh giá học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai quy định mới không tránh khỏi còn một số hạn chế. Như một số giáo viên lời nhận xét chưa sát mục tiêu bài dạy và đặc trưng bộ môn, lời nhận xét còn rập khuôn, máy móc; còn lúng túng trong việc dùng các lời nhận xét, nên các lời nhận xét chưa cụ thể, chưa có tác dụng khuyến khích, động viên học sinh kịp thời. Bên cạnh đó, một số giáo viên chữ viết chưa đẹp nên chưa thật tự tin trong quá trình nhận xét vào vở, phiếu học tập của học sinh. Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn tổ, trường để tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ về thực hiện Thông tư 30 và sử dụng sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũng như công tác theo dõi, tư vấn giúp đỡ để học sinh tiến bộ về mọi mặt. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, tư vấn, hướng dẫn giáo viên tại các trường học. Về phía các trường, giúp đỡ, hướng dẫn giáo viên trong quá trình thực hiện, đảm bảo tinh thần chỉ đạo, báo cáo trực tiếp về Tổ nghiệp vụ của phòng GD&ĐT những khó khăn vướng mắc để được chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP