Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Quản lý hệ thống y, dược ngoài công lập: Cần “liều thuốc” đặc trị!

Mua thuốc dễ hơn mua… rau

Những năm gần đây, hệ thống y, dược ngoài công lập ở Hà Tĩnh phát triển mạnh, đáp ứng phần nào nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống y, dược ngoài công lập vẫn tồn tại một số yếu kém, bất cập.Theo thống kê của ngành Y tế, tính đến ngày 31/10/2013, toàn tỉnh có 784 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Trong đó, 270 cơ sở hành nghề y tư nhân (bao gồm 221 cơ sở hành nghề y học hiện đại, 49 cơ sở hành nghề y học cổ truyền); 7 doanh nghiệp tư nhân; 32 nhà thuốc tư nhân; 235 quầy thuốc; 240 đại lý bán thuốc. Số nhân lực hành nghề khám chữa bệnh (KCB) tư nhân là 610 người, trong đó có 37% đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập; 580 người hành nghề dược tư nhân, trong đó, số cán bộ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập chiếm 2,92%.

Theo Quyết định 04/2008/BYT do Bộ Y tế ban hành, quy định các nhóm thuốc phải bán theo đơn gồm: thuốc gây nghiện; thuốc hướng tâm thần; thuốc độc A, B; thuốc kháng sinh; tim mạch; nội tiết; ung thư, trị nấm; sốt rét… Quy định là vậy, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán công khai, dễ dàng, thậm chí không cần đơn của bác sĩ. Vì lợi nhuận mà các cơ sở bán thuốc bất chấp những quy định của pháp luật bán theo nhu cầu người bệnh.

Người bệnh gánh chịu hậu quả!
Rất nhiều bệnh nhân đến mua thuốc mà không có đơn

Ghi nhận tại nhiều cơ sở bán thuốc ở TP Hà Tĩnh, việc mua bán diễn ra khá đơn giản. Chỉ cần người mua yêu cầu loại thuốc trị một bệnh nào đó, người bán thuốc sẽ đáp ứng ngay, không chỉ thuốc chữa bệnh thông thường mà cả những loại thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải bán theo đơn.

Chị Nguyễn Thị H. (phường Nguyễn Du) cho biết: “Vừa rồi, con tôi bị sốt và ho. Tôi đến một hiệu thuốc tây trên đường Hải Thượng Lãn Ông, sau khi trình bày triệu chứng bệnh của cháu, người bán thuốc lấy ngay trong tủ thuốc 1 hộp kháng sinh Amoxilin, 1 hộp hạ sốt Paracetamol, 1 hộp giảm ho Acemuc và kèm theo vài lời chỉ dẫn sử dụng”.

Thực tế, tại nhiều cơ sở bán thuốc trên địa bàn TP Hà Tĩnh, việc mua bán thuốc không có đơn không chỉ xảy ra đối với các loại thuốc phổ thông thường dùng như thuốc bổ, giảm đau, tiêu hóa, kháng sinh, hạ sốt… mà cả các loại thuốc thuộc diện nguy hiểm, bắt buộc phải bán theo đơn và theo dõi chặt chẽ người sử dụng như: tim mạch, thuốc biệt dược, thuốc hướng thần…

Cơ sở KCB còn nhiều bất cập

Thực hiện chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực y tế của Nhà nước, những năm qua, hệ thống y tế ngoài công lập ở Hà Tĩnh được tạo điều kiện thuận lợi và phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, các cơ sở KCB ngoài công lập ở Hà Tĩnh, đặc biệt là các phòng khám đa khoa vẫn còn những hạn chế, tồn tại.

Đó là đội ngũ thầy thuốc giỏi, chuyên môn sâu còn ít; hoạt động trong diện tích chật hẹp, chưa đảm bảo ánh sáng, điều kiện vô trùng tại phòng điều trị; một số cơ sở vi phạm về trật tự đô thị và TTATGT; hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa được đầu tư, chưa đảm bảo theo quy định hiện hành dù đã có quy định các bệnh viện bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải riêng…

Quản lý hệ thống y, dược ngoài công lập: Cần “liều thuốc” đặc trị!
Hệ thống y, dược ngoài công lập ra đời đáp ứng phần nào nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Luật KCB đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Theo đó, một trong những quy định là bác sỹ không được bán thuốc dưới mọi hình thức (trừ bác sỹ đông y, lương y). Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tình trạng bác sỹ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc vẫn diễn ra phổ biến.

Chị Nguyễn Thị Tr. (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi thường đưa con đến khám tại phòng khám nhi trên đường Nguyễn Du, thấy bác sĩ khám xong thì ghi hướng dẫn sử dụng và lấy thuốc ra rồi tính gộp cả tiền thuốc và tiền khám. Không những tôi mà nhiều người khác cũng phản ánh như vậy”.

Trong vai người bệnh, chúng tôi tìm đến phòng khám mắt của bác sỹ D., người có thâm niên trong nghề. Vào phòng khám, chúng tôi chứng kiến cảnh bác sỹ vừa khám vừa bán thuốc cho một bà cụ. Trước khi bệnh nhân ra về, bác sỹ D. không quên căn dặn cách sử dụng thuốc.

Sau vài phút khám, đo mắt, bác sỹ D. chẩn đoán, mắt tôi bị viêm nhẹ và chỉ cần nhỏ thuốc là khỏi. Không kê đơn, bác sỹ cho thuốc vào bao nilon rồi nói cách sử dụng và tính tiền khám cộng tiền thuốc.

Việc nhiều cơ sở y, dược ngoài công lập vi phạm và tái vi phạm các quy định của pháp luật là một thực tế trong nhiều năm qua.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cơ sở y, dược ngoài công lập cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế ngoài công lập nhằm bảo đảm cho các cơ sở hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và đúng quy định pháp luật.

9 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã thanh kiểm tra 184 lượt cơ sở, xử lý vi phạm 77 cơ sở, trong đó 28 cơ sở bị phạt tiền, với tổng số tiền 282.500.000 đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: lạm dụng lòng tin của người dân, quảng cáo quá phạm vi hoạt động được cấp phép; không công khai giá dịch vụ; chủ quầy thuốc, nhà thuốc không có mặt khi hoạt động; không có chứng chỉ và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề; tình trạng vi phạm quy chế chuyên môn, kỹ thuật y tế, hoạt động quá phạm vi cho phép vẫn còn xảy ra; thu gom, xử lý chất thải chưa đạt yêu cầu, bán thuốc không có đơn của bác sĩ…

Ninh Hà – Hồng Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP