Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Phòng chống bão lụt, nỗi lo vùng xung yếu

Hồ Tràng Riềng (Hương Sơn) xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư sửa chữa.

Nguy cơ nơi “rốn lũ”
Hồ đập xuống cấp, sửa chữa chắp vá cùng với phương châm “4 tại chỗ” vẫn còn nặng về hình thức là thực trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ở các huyện miền núi với những vùng “rốn lũ” thì sự bị động đáng báo động này đang cho thấy rõ nguy cơ mất an toàn về tính mạng và tài sản của người dân khi mùa mưa lũ cận kề.
Hương Sơn nhiều hồ, đập mất an toàn

Hồ đập mất an toàn

Ông Trần Duy Chiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho hay: Toàn tỉnh hiện có 128 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, chiếm gần 40% tổng số hồ đập. Trong đó, nhiều hồ đập thấm lớn, nước chảy thành dòng, đỉnh đập thấp hơn cao trình tràn xả lũ nên khi xẩy ra mưa lũ, nước tràn qua đỉnh đập, nguy cơ vỡ đập rất cao. Thực trạng hồ đập xuống cấp ngày càng đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du. Hàng năm, kinh phí của tỉnh “rót” về cho các địa phương và tiền thủy lợi phí để các đơn vị quản lý, nâng cấp, sửa chữa các hồ đập như “muối bỏ biển”.

Xã Hương Thủy (Hương Khê) là địa phương thường xuyên bị ngập lụt và có nhiều công trình hồ đập bị xuống cấp nghiêm trọng; trong đó, không ít công trình hư hỏng nặng do thiên tai. Chủ tịch UBND xã Hương Thủy – Nguyễn Ngọc Thọ cho biết: Toàn xã có 7 hồ đập lớn nhỏ, nhưng hầu hết đều xuống cấp, nguy hiểm nhất hiện nay là đập Trạng và Khe Vôi, Khe Dam, Khe Du. Tại đập Trạng, hai bên tràn bị xói lở nghiêm trọng khiến hàng chục hộ dân ngày đêm thấp thỏm lo âu. Ông Đặng Đình Ân (xóm 1) lo lắng: “Mặc dù đập Trạng đã được đơn vị quản lý sửa chữa nhưng xem ra vẫn chưa đảm bảo an toàn. Vào mùa mưa lụt, không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều hộ dân ở đây mất ăn, mất ngủ”.

Không thể không lo khi các hồ đập này được xây dựng cách đây hơn 40 năm mà chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa một cách kiên cố. Người dân sống gần đập Khe Vôi cho rằng, thân đập và tiêu năng bị rò rỉ nước, nhiều năm nay không thể tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chính quyền và ngành chức năng đều biết, nhân dân đã nhiều lần kiến nghị… nhưng biện pháp thường thấy cũng chỉ là khắc phục tạm thời.

Mới đây, tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ 3.450 triệu đồng cho các địa phương và công ty thủy lợi để sửa chữa 10 công trình cấp bách trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Nam – Trưởng ban A huyện Vũ Quang, số tiền 500 triệu đồng tỉnh phân bổ để sửa chữa hồ Khe Nguồn ở xã Hương Minh quá ít so với tình trạng hư hỏng nên khó có thể triển khai thi công. Còn theo ông Trần Duy Chiến, để nâng cấp, sửa chữa 128 hồ đập có nguy cơ mất an toàn theo tiêu chuẩn, thiết kế mới thì cần khoảng 2.000 tỷ đồng. Thiếu kinh phí, hàng năm, các đơn vị quản lý, địa phương chỉ có thể sửa chữa theo kiểu “chắp vá“ nên khó đảm bảo an toàn cho các công trình. Giải pháp trước mắt là các địa phương, đơn vị quản lý phải xây dựng phương án để bảo vệ an toàn các công trình và người dân trong mùa mưa bão.

Phòng chống bão lụt - nỗi lo vùng xung yếu (Bài 1): Nguy cơ nơi “rốn lũ”

Đập Khe Mui (Hương Khê) xuống cấp nghiêm trọng.

“4 tại chỗ” chưa sẵn sàng

Trong chuyến công tác tại huyện Vũ Quang về chỉ đạo phòng chống bão lụt năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn trực tiếp về xã Đức Bồng kiểm tra phương án “4 tại chỗ”, trong đó có nội dung chủ động phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xẩy ra. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xã cho người vận hành thử thuyền máy. Mặc dù thuyền nổ, máy hoạt động nhưng hệ thống đèn lại không sáng. Qua quan sát, chúng tôi thấy mạng nhện bám đầy phương tiện cứu hộ chủ lực.

Đây chỉ là ví dụ nhỏ ở một địa phương đã sẵn sàng để đón đoàn kiểm tra. Tại không ít địa phương khác, việc chuẩn bị “4 tại chỗ” dường như chỉ nghiêm túc… trên văn bản, còn thực tế triển khai vẫn nặng tính đối phó, hình thức. Một số chủ tịch xã lại không nắm được các phương án phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn cụ thể như thế nào, hợp đồng với các phương tiện, vật tư ra sao mà đều khoán trắng cho cán bộ chuyên trách. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về thiên tai bão lũ, cách thức phòng, chống còn hạn chế.

Ông Nguyễn Trọng Hoài – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: Qua kiểm tra việc chuẩn bị “4 tại chỗ” ở các địa phương, nhiều xã xây dựng phương án chất lượng còn thấp, chưa đưa ra được tình huống xấu nhất để có biện pháp giải quyết cụ thể. Đặc biệt, không xác định được số hộ, số khẩu, vị trí cần phải di dời; phương án đảm bảo ANTT, ATGT trong mưa lũ. Các xã Hương Liên, Hương Đô, thị trấn chưa có quyết định giao chỉ tiêu lương thực, thực phẩm, phương tiện cho các thôn, xóm. Ngoài ra, một số xã chưa thành lập đội tuần tra, xung kích, cứu hộ, cứu nạn cấp thôn xóm; hợp đồng nguyên tắc không đúng thể thức và nội dung như xã Phương Điền; không đảm bảo điều kiện hợp đồng phương tiện như Hà Linh, Phúc Đồng…

Do nhận thức của chính quyền một số xã và cộng đồng người dân về việc chủ động phòng ngừa thiên tai chưa cao nên công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” còn gặp nhiều khó khăn. Người dân thiếu kiến thức về các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai, thảm họa. Tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác vẫn tồn tại phổ biến dẫn đến tổn thất, thiệt hại không đáng có. Việc dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu trong nhân dân chưa được chú trọng. Nhiều địa phương lũ lụt xẩy ra mới 2 ngày, người dân đã hết lương thực, thực phẩm…

Trong khi đó, “điều kiện tiên quyết và nhất quán là phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và cơ sở vật chất, tài sản của nhân dân khi bão lũ xẩy ra. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc một cách nghiêm túc, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và mỗi gia đình, người dân… để có thể ứng phó và khắc phục hậu quả khi bão lũ xẩy ra”, ông Bùi Lê Bắc – Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt – tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định.

Thấp thỏm với triều cường…

Âu thuyền trú bão chưa đáp ứng nhu cầu, thông tin liên lạc, trang thiết bị thiếu thốn cùng với công tác di dời dân về nơi an toàn còn gặp nhiều khó khăn khi vào mùa mưa bão. Đây là vấn đề nan giải trong công tác chủ động phòng ngừa khi có tình huống xấu xẩy ra cho ngư dân các địa phương vùng ven biển.

Tàu thuyền vất vả trú bão

Ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Toàn tỉnh có 4 âu thuyền tránh trú bão tại các địa phương: Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và Kỳ Anh. Trong đó, mới chỉ có 2 âu thuyền Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Sót (Lộc Hà) đưa vào sử dụng, các âu thuyền còn lại đang được tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, những năm gần đây, luồng lạch tại các âu thuyền tránh trú bão bị bồi lắng nghiêm trọng khiến 2 âu thuyền Cẩm Nhượng và Cửa Sót không còn là chốn trú ẩn an toàn. Theo thiết kế, các âu trú bão trên có thể chứa 250-300 tàu vào trú bão. Thế nhưng, những mùa mưa bão gần đây, âu tránh trú bão Cửa Sót, Cửa Nhượng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 150-200 phương tiện.

PCLB - Nỗi lo vùng xung yếu (Bài cuối): Thấp thỏm với triều cường...

Tàu thuyền ở Xuân Hội neo đậu tại cảng cá Cửa Hội không đảm bảo an toàn.

Đáng lo hơn, ở 2 khu vực có số thuyền đánh bắt thủy sản khá lớn là Kỳ Hà (Kỳ Anh) và Xuân Hội (Nghi Xuân), các công trình tránh trú bão hiện đang triển khai xây dựng, không có chỗ neo đậu, trú ẩn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão. Xuân Hội là địa phương dẫn đầu trong khai thác hải sản của tỉnh với số lượng tàu thuyền khá lớn, trong đó, 23 đội tàu đánh bắt xa bờ đang phát huy hiệu quả. Nhưng ngư dân Xuân Hội luôn thường trực nỗi lo về nơi trú bão an toàn.

Ngư dân Nguyễn Văn Dũng (xóm Hội Thái) có đôi tàu đánh bắt xa bờ gần 500 CV cho biết: Khi sắp mưa bão, các chủ tàu phải lo di tản khắp nơi để neo đậu. Tàu công suất nhỏ thì neo đậu ở vùng bãi ngang Xuân Giang, Xuân Hải; tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn lại neo “nhờ” tại cảng cá Cửa Hội (Cửa Lò – Nghệ An). “Đưa tàu vào đây cũng là chuyện bất đắc dĩ. Bởi mỗi khi mưa to, gió bão, hàng chục chiếc tàu chen chúc, xô đẩy nhau. Chuyện bị va đập gây hư hỏng tàu thuyền thường xuyên xảy ra. Có khi sóng lớn xô vào thành cảng gây vỡ tàu sửa chữa mất cả trăm triệu đồng. Thiếu nơi neo đậu, chúng tôi đành phó mặc gia tài của mình cho sóng gió” – anh Dũng chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay, ngoài một số tàu cá lớn được trang bị hệ thống bộ đàm, liên lạc tầm xa thì thông tin liên lạc vẫn chủ yếu bằng điện thoại. Trong khi đó, mức độ phủ sóng điện thoại được vài chục hải lý, chất lượng kém khi mưa to, gió lớn. Ngư dân thay đổi số điện thoại liên tục nên thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Nhiều tàu thuyền chưa được trang bị các phương tiện cứu sinh; đội ngũ, phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo an toàn từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế.

Sơ tán dân còn khó

Dường như năm nào, địa bàn tỉnh cũng xẩy ra mưa bão, có khi phải tiến hành sơ tán, di dời dân, đặc biệt là các hộ dân vùng ven biển. Theo ông Bùi Lê Bắc – Chánh Văn phòng BCH phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh, khi dự báo bão có khả năng đổ bộ vào đất liền với mức độ nguy hiểm thì các địa phương vùng biển Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên sẽ thực hiện việc sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn. Trong công tác phòng chống bão lụt hàng năm, các địa phương, đơn vị đều phải tính đến phương án sơ tán, di dời dân theo từng mức độ để triển khai vận động… Tuy nhiên, quá trình vận động, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm còn nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Liệu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Hội cho hay: Sau khi nhận được lệnh sơ tán, di dời dân tránh bão, xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động; chính quyền huy động lực lượng, phương tiện đến tận từng hộ để vận chuyển người và tài sản… nhưng nhiều người nhất quyết không đi. Người dân còn nặng tư tưởng chủ quan, coi thường mưa bão và ngại khó khi thực hiện việc sơ tán.

Không chỉ Xuân Hội mà hầu như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đều vấp phải khó khăn trên. Có nơi, khi cán bộ chính quyền đến vận động, các hộ dân vẫn “bình chân như vại”, còn tổ chức làm thịt chó ăn nhậu vui vẻ. Điều đáng lo ngại nhất là những năm gần đây, sau nhiều lần sơ tán nhưng bão không vào nên người dân ngày càng chủ quan, lơ là. Bởi vậy, trong các đợt di dời, sơ tán dân, nhiều huyện không đạt kế hoạch yêu cầu.

Năm 2013, để đối phó với bão số 14 (siêu bão Haiyan), Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành lệnh sơ tán 20.308 hộ dân với 73.159 nhân khẩu tại các địa phương ven biển và miền núi đến nơi an toàn. Tuy nhiên, thời điểm đó, các huyện vùng biển Nghi Xuân chỉ mới đạt 20%, Lộc Hà 50%, Cẩm Xuyên 70% kế hoạch… Rất may, siêu bão Haiyan không đổ bộ, nếu không sẽ khó tránh khỏi thiệt hại nặng nề về người do sự chậm trễ trong việc sơ tán, di dời dân của các địa phương.

Trong cuộc họp mới đây về công tác phòng chống siêu bão, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng: Việc sơ tán, di dời dân là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Vì vậy, chính quyền các cấp, các tiểu ban cần chủ động xây dựng phương án di dời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tại các vùng xung yếu, nguy cơ cao do bão tố, triều cường. Trong quá trình vận động sơ tán di dời, hộ dân nào không chấp hành thì cần có biện pháp để xử lý, tuyệt đối không để thiệt hại về người do chủ quan.

 

Hữu Trung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP