Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: Phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích

Từ điểm đầu cực Bắc Nghi Xuân đến phía Nam vùng biên ải Đèo Ngang, dải đất Hồng Lam mang trong mình một hệ thống di tích lịch sử văn hóa (LSVH) vô giá. Theo thăng trầm thời gian với nhiều lý do khách quan, hiện nay, nhiều di tích đã bị xuống cấp trầm trọng cần được quản lý, trùng tu, tôn tạo và khai thác hiệu quả.

Báu vật ông cha

Di tích LSVH là nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm tựa tinh thần vững chãi cho sự nghiệp xây dựng quê hương trong thời đại mới.

Phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích
Văn tự cổ đang được lưu giữ tại đền Nhà Sắc – Thạch Lạc (Thạch Hà)

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự khẳng định: “Kho tàng di tích LSVH là báu vật của ông cha để lại. Di tích LSVH là minh chứng hùng hồn, khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa, đạo lý nhân văn, là niềm tự hào về trang sử truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Do đó, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, khai thác di tích LSVH phải được chú trọng đặc biệt, đảm bảo tính khoa học, tôn trọng đặc điểm di tích gốc là tôn trọng quá khứ. Theo đó, hoạt động khai thác di tích LSVH phải phát huy được giá trị giáo dục truyền thống, phù hợp với nguyện vọng đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân. Đó là nền tảng tinh thần rất cần thiết để người Hà Tĩnh vững tin hướng tới tương lai”.

Nhận thức đúng đắn ý nghĩa nhân văn của việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhiều năm qua, tỉnh ta đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Nhiều di tích LSVH được lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều công trình di tích LSVH, đền, chùa, miếu mạo liên quan đến đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân được trùng tu, tôn tạo nguyên trạng, được bảo vệ, khai thác hiệu quả.

Anh Nguyễn Tùng Lĩnh – Trưởng phòng Quản lý di sản Sở VH-TT&DL cho biết: “Trên địa bàn tỉnh ta hiện có hơn 400 di tích LSVH đã được xếp hạng, trong đó, 3 di tích LSVH quốc gia đặc biệt; 71 di tích LSVH cấp quốc gia; 322 di tích LSVH cấp tỉnh và hàng chục di tích đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng. Ngoài ra còn có hơn 11.350 hiện vật văn hóa cổ được mã số hóa…”.

Hiện nay, các di tích LSVH được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú, Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc; Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập… được đầu tư, trùng tu tôn tạo khá khang trang, đẹp đẽ, hoạt động hiệu quả, góp phần tôn vinh giá trị VHLS, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương. Nhiều di tích văn hóa tâm linh như: chùa Hương Tích (Can Lộc); đền Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh); đền Chợ Củi (Nghi Xuân); Văn Miếu Hà Tĩnh; đền Chiêu Trưng, đền Nen (Thạch Hà)… đã và đang được đầu tư tôn tạo xứng tầm, góp phần đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân trên địa bàn và thu hút ngày càng đông du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu…

Bất cập trong công tác quản lý

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích và các hoạt động khai thác di tích trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều di tích đã được xếp hạng, thậm chí được đầu tư tôn tạo hiện cũng đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Đơn cử, miếu Biên Sơn (thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) thờ nữ tướng Phan Thị Sơn thời chống quân Minh tuy đã được xếp hạng di tích LSVH cấp quốc gia năm 1991 và đã được tôn tạo, phục dựng nhưng kiến trúc, hiện trạng của miếu Biên Sơn rất sơ sài; đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (xã Kim Lộc, Can Lộc) được công nhận di tích LSVH quốc gia năm 1994 cũng trong tình trạng cỏ dại mọc um tùm, nhà và nền sân trơ lại lớp đất đá, tường nứt nẻ, mái ngói dột nát…; đền Đô Nam Nhạc Ô Trà Sơn (xã Thuần Thiện, Can Lộc); nhà cụ Mai Kính (xã Phù Việt, Thạch Hà) cũng đang xuống cấp ở mức đáng báo động…

Phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích
Kiểm tra thực địa dự án tôn tạo khuôn viên Khu di tích Nguyễn Du

Thực tế cho thấy, công tác quản lý hệ thống di tích LSVH ở tỉnh ta còn lỏng lẻo, thiếu khoa học, nhất là đối với hệ thống các di tích đền, chùa, miếu mạo do địa phương quản lý. Chúng tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến cảnh tượng người dân chen lấn để xin xăm, xin ấn tại đền thờ Thánh Mẫu ở Truông Bát (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà) mà không thấy sự có mặt của BQL. Tại di tích này, hầu như mọi việc đang được phó mặc cho gia đình ông Ngô Thanh Cẩn (trụ trì đền Thánh Mẫu).

Ông Cẩn cho biết: “Toàn bộ khu đền Thánh Mẫu Thượng ngàn ở xã Ngọc Sơn chủ yếu do ông đầu tư xây dựng nên mọi hoạt động do ông và gia đình người chị gái điều hành”. Hiện nay, nguồn thu từ công đức ở đền Thánh Mẫu mỗi năm được bao nhiêu địa phương cũng chẳng hay. Tương tự, hiện đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) cũng không được địa phương quản lý chặt chẽ, dẫn đến nhiều cảnh tượng không hay trong mùa lễ hội. Tại những di tích này, nguồn thu nhiều nhưng không được đầu tư tôn tạo đúng cách, thậm chí không được đầu tư tôn tạo.

Mục đích cuối cùng của quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích là phải tôn vinh được công lao của tiền nhân, tôn vinh giá trị di tích và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Thế nhưng, câu chuyện trùng tu, tôn tạo di tích LSVH trên địa bàn tỉnh ta đang đặt ra nhiều câu hỏi cần được trả lời.

Có thể thấy, việc ứng xử với di tích trong vài năm lại đây đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Thực trạng tôn tạo di tích theo kiểu “làm liều”, thiếu hiểu biết lại xuất phát từ chính những người đang nắm giữ vai trò quan trọng – quản lý di tích cũng gây ảnh hưởng lớn đến giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử của di tích. Trong đó, việc xếp hạng và tôn tạo di tích đền Liên Minh là một minh chứng đáng buồn. Trong khi di tích đền Liên Minh ngày xưa được Hoàng hậu Trần Thị Ngọc Hào lập ra một nơi thì ngày nay lại được xếp hạng một nơi. Trước tình trạng đó, nhân dân đã phản đối nhưng xem ra chẳng thấu đến ai.

Phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích
Đường lên chùa Hương Tích đã được hệ thống hóa cáp treo

Hiện nay, công tác quản lý di tích đã và đang được phân cấp cho các địa phương nhằm chia sẻ trách nhiệm và tạo sự chủ động cho cơ sở nhưng công tác quản lý di tích cần phải có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính quyền cơ sở cũng như người dân. Hơn ai hết, người dân và chính quyền địa phương chính là những “tai mắt” nhanh nhạy, hiểu biết tường tận nhất về lịch sử của di tích và là người trực tiếp bảo vệ, khai thác di tích hiệu quả nhất. Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo và khai thác di tích đúng cách, góp phần gìn giữ và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống.

Lời kết

Mạch nguồn của dải đất Lam Hồng trầm tích những tinh hoa văn hóa vô giá của tiền nhân đòi hỏi chúng ta cần chung tay gìn giữ và phát huy. Thay lời kết, chúng tôi xin trích câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn”. Đó là bài học vô cùng ý nghĩa về thái độ, cách ứng xử của con người với quá khứ.

Quang Sáng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP