Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Ông giáo làng tật nguyền chưa học cấp ba

"Họ bảo ông Dũng không học cấp ba thì dạy được ai, sao đủ tư cách làm thầy. Tôi không nhận mình là thầy. Mình biết một chữ thì dạy cho người biết nửa chữ…", ông Đặng Tiến Dũng nói.

24 năm trước, 3 học sinh lớp 9 thi chuyển cấp nhưng không đỗ đã tìm đến xưởng mộc của ông Đặng Tiến Dũng xin học nghề. Nhìn ba cậu nhóc, người thợ và sau đó là thầy giáo từ tốn nói: "Muốn học nghề thì phải luyện thi lên cấp, không được bỏ cuộc". Nghe lời, cả 3 đứa trẻ gật đầu.

“Ban ngày, tôi dạy chúng học nghề mộc, tối thì luyện thi. Sau 8 tháng, cả ba đỗ THPT với số điểm cao. Ba năm sau, chúng đều vào đại học…”, ông giáo làng Đặng Tiến Dũng nhớ lại kỷ niệm ngày dạy những cậu học trò đầu tiên.

"Họ bảo tôi là Dũng cà nhắc"

Con đường ngoằn ngoèo dẫn vào thôn 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) những ngày đầu đông càng trở nên heo hút. Lọt thỏm giữa khoảnh đồi bạt ngàn cây keo tràm cao vút, xanh rờn là căn nhà cấp 4 đơn sơ với những bộ bàn ghế cũ và bục giảng đặt ngay ngắn trước hiên nhà. Đó là lớp học của ông giáo làng Đặng Tiến Dũng.

Lớp học nhỏ rôm rả với những tiếng cười giữa người dạy và học trò của mình. Thấy người lạ hỏi thăm lớp học, người đàn ông có dáng người nhỏ gầy, mái đầu hai thứ tóc, đang ân cần chỉ bảo cho tốp học sinh đủ mọi lứa tuổi, chậm rãi bước khập khiễng ra chào khách.

"Hôm nay, các em đi tập văn nghệ nên chỉ có hơn 10 đứa tới học, ngày thường học sinh tôi đông lắm. Nhà chỗ nào trống là có bàn học và các em ngồi hết", ông Dũng cười nhẹ khoe với phóng viên.

Người thầy tật nguyền không qua môi trường sư phạm Không qua bất cứ môi trường sư phạm nào, lại chịu nỗi đau bệnh tật, song ông giáo làng Đặng Tiến Dũng ở Hà Tĩnh vẫn nhận dạy hàng nghìn học sinh trường làng, giúp các em đỗ đạt.

Nhìn đám học trò đủ lứa tuổi của mình, người đàn ông ngoài 60 tuổi lặng một lúc rồi kể về cuộc đời mình. Là con thứ ba trong gia đình 5 anh em ở miền quê nghèo Phúc Đồng, bố là cán bộ xã, trước ông Dũng là anh trai bị tật bẩm sinh nên cuộc sống gia đình khá khó khăn.

Lên 6 tuổi, ông bị sốt rét ác tính, sau nhiều lần chữa trị bất thành thì bị liệt một chân, đi lại khó khăn. Đường đến trường xa, chân lại bị liệt nên suốt những năm đi học cậu bé Dũng ngày ấy phải đi học trên đôi chân của mẹ.


“Lúc vắng bố mẹ, bạn bè được thầy phân công đưa tôi về. Cứ cõng một đoạn, mấy đứa lại thả tôi xuống rồi dắt, nhờ vậy tôi khập khiễng tập đi… Bạn bè trêu tôi là Dũng què, Dũng cà nhắc... Tôi khóc, nhưng lâu rồi quen dần với cái tên ấy”, ông kể lại.

Lên lớp 7 (lớp 9 bây giờ), bệnh cũ tái phát, hai bố con ông Dũng lại khăn gói ra Hà Nội lấy bệnh viện làm nhà. Hai năm điều trị, ông trở về nhưng chỉ một chân được chữa khỏi, chân còn lại vĩnh viễn không còn cảm giác. Đam mê học nhưng điều kiện sức khỏe không cho phép, cuộc sống lại khó khăn, ông Dũng chỉ học đến lớp 7 là phải nghỉ học.

Tình yêu người vợ và niềm tin từ những đứa con

Nghỉ học giữa chừng nhưng nhờ biết chữ, lại tính toán nhanh nhẹn, chàng trai tuổi đôi mươi tật nguyền được xã mời làm cán bộ Đoàn và công tác thống kê. Được một thời gian, huyện lại điều lên làm đo đạc.


Thấy chàng trai hiền lành, tháo vát, một cán bộ cùng cơ quan giới thiệu em gái cho ông Dũng. Vậy là mối tình se duyên trở thành đám cưới vào cuối năm đó. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ có đứa con gái đầu lòng Đặng Thị Ngọc Hà. Niềm vui cứ thế nhân lên thêm 4 lần khác với những đứa con ngoan hiền.

“Ngày trước, anh tôi bảo Dũng không như người ta, nhưng lấy nó, em sẽ không khổ, mà có yêu thương trọn vẹn. Làng xóm chê bai ông ấy què quặt, tôi lại thương và trân trọng. Bao năm chung sống, tôi thấy mình được hưởng hạnh phúc trọn vẹn”, bà Phạm Thị Hồng nói.

Những hôm trở trời, đôi chân ông Dũng lại đau. Bà Hồng phải xoa bóp để chồng đỡ mỏi. Trong gia đình nhỏ, dù khó khăn, bệnh tật, cặp vợ chồng luôn lạc quan, vui cười.


Cuộc sống khó khăn, đồng lương cán bộ xã ít ỏi, để có tiền lo cho 7 miệng ăn trong nhà, cùng việc học của các con, ông mở thêm quán bán tạp hóa rồi sửa xe máy, làm thợ mộc. Vợ chồng xây cất được căn nhà mới trên vùng đồi núi dọc đường. Căn nhà mới nơi heo hút vắng ánh đèn thôn xóm khiến đứa con gái hàng đêm châm đèn dầu học cứ lo sợ nên bố phải ngồi cùng.

"Ngày ấy còn khổ, con cái không được đi học thêm như bạn bè nên mỗi đêm tôi tìm sách đọc, học từng cách giải để cùng con học. Bài nào khó, con hỏi thầy cô rồi về bố con trao đổi. Nói đúng thì bố con tôi học lẫn nhau”, ông Dũng tâm sự.

Cứ thế, con học đến lớp nào, cha học lớp đó. Nhiều lúc, họ tranh cãi nhau về bài toán khó, hay vấn đề nào đó như những người bạn học. Nhờ thế, 4 con của ông đều học tốt. Nhiều người thấy thế nên gửi con đến nhờ kèm hộ. "Họ gửi đứa nào, tôi nhận đứa đó. Kèm cặp con mình học thế nào, tôi dạy cho con họ như thế".


Không nhận là thầy giáo

Ở lớp học của ông giáo làng Đặng Tiến Dũng, học sinh nhiều lứa tuổi, từ lớp 2 đến ôn thi chuyển cấp và đại học. Chúng là học sinh các trường ở huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ. Mỗi ngày, hàng chục học sinh ngồi học ở nhà ông.

Để dạy hiệu quả, ông không phân lớp mà phân loại theo trình độ để kèm cặp. Ngoài môn Toán, ông Dũng còn dạy thêm các môn Lý, Hóa.


Riêng ôn thi cuối cấp, ông dành riêng từng buổi. Học sinh khó khăn, ông không lấy học phí. Học sinh ở xa, ông cho ở lại nhà, còn bình thường chỉ phải đóng từ 10-15 nghìn đồng/ buổi. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, ông không thu học phí.

Thấy con tiến bộ khi học ở đây, nhiều phụ huynh yêu cầu ông chuyên tâm cho việc dạy học, bao nhiêu sào ruộng họ thay nhau cấy cày và gặt hái cho ông.

“Có người thấy tôi dạy cho lũ nhỏ liền nói ông Dũng học không hết cấp ba thì dạy được ai, không đủ tư cách làm thầy. Tôi không nhận mình là thầy, cũng không cho học sinh gọi tôi là thầy. Mình biết một chữ, dạy cho người biết nửa chữ, không câu nệ điều gì…”, người đàn ông này nói.


Vốn không được đào tạo bài bản nên trong khi giảng dạy, ông cũng gặp nhiều khó khăn. Không ít đề bài khó khiến ông phải mày mò cả đêm để tìm lời giải đáp cho học trò. Bình thường chỉ có lớp học buổi tối, còn ngày nghỉ, ông không còn thời gian rỗi.

Ông dạy từ sáng đến chiều tối, chia thành nhiều ca học, nhiều lớp khác nhau. Ngoài lớp học ở nhà, ông còn có lớp học ở thị trấn Hương Khê với hơn 20 học sinh. Lớp này được dạy tại gia đình một em, phụ huynh chuẩn bị đầy đủ bàn, bảng cho thầy. Lúc rảnh, ông lại chạy xe máy hoặc đón xe buýt một mình lên dạy các em.

Có hôm, các em xuống đón thầy đi. Ở lớp học này, người dạy và người học như bạn bè. Họ vui vẻ, thoải mái với nhau đến kỳ lạ, không lúc nào ngớt tiếng cười.

Học trò đỗ đạt là niềm vui lớn nhất

Theo ông Dũng, phương pháp tốt nhất là tự học, tự để các em học với nhau trước khi mình tham gia. Ông đã biến lớp học nhỏ của mình thành sân chơi cho các em tự tìm kiến thức.

“Không phải ngẫu nhiên mà hàng nghìn học sinh theo học. Trong mọi vấn đề, điều cốt lõi là đi đúng trọng tâm, đặc biệt là giữa người thầy và học trò phải gần gũi, xem nhau như bạn, việc học sẽ dễ dàng hơn”, thầy giáo làng nói về phương pháp của mình.

Ông cho biết chưa bao giờ áp chế học sinh theo khuôn khổ nào mà để các em tự tìm hiểu, lựa chọn phương pháp. "Có những bài toán học sinh trường làng chưa giải được nhưng học sinh trường chuyên, trường huyện có cách giải nên cứ để các em làm quen nhau. Khi tất cả cùng chưa làm được, mình mới giải thích, chữa bài..., như vậy các em mới nhớ lâu".

Lê Thị Thảo Huyền, nữ sinh lớp 12 Trường THPT Hàm Nghi, theo học ông Dũng suốt 4 năm, nay đang ôn luyện cuối cấp để thi vào ngành Du lịch. Hàng ngày, nữ sinh đi xe hơn 10 km mang theo túi đề thi thử đến nhà ông Dũng nhờ hỗ trợ.

Từ năm lớp 9, nghe nhiều bạn kể về thầy giáo làng, thấy các bạn tới học nhiều, Huyền xin đi cùng tới học thử phương pháp của người đàn ông ngoài 60 tuổi. Nữ sinh cho biết mình tiến bộ rất nhiều. Những câu hỏi trong đề thi được người thầy không qua môi trường sư phạm giảng giải nhiệt tình, dễ hiểu.

"Ông dạy có phương pháp, thực hành nhanh theo các dạng đề nên rất phù hợp cho em ôn luyện. Gặp bài toán khó, hai ông cháu tìm mãi mới ra cách giải. Có khi ông tìm ra nhiều cách giải mới nhanh hơn cả phương pháp thông thường", Huyền cười nói.

Cũng như Huyền, Phan Thị Giang, theo học thầy hơn 3 năm. Nữ sinh lớp 9 cho biết hai anh trai cũng học ông, nay đều đỗ đạt, có việc làm ổn định. Giang kể trên lớp mỗi thầy cô chỉ có 45 phút giảng bài, nhiều lúc không có thời gian chữa đề và giải đáp thắc mắc cho các bạn. Học ở lớp ông Dũng sẽ đáp ứng điều đó.

"Học ở đây thoải mái, không gò bó. Thông thường, ông bám sát, dạy trước chương trình học, còn chủ yếu chữa đề, ra bài tập làm quen. Ông dạy phù hợp lực học nên em dễ tiếp thu", Giang cho hay.

Không thể đếm hết mình đã dạy bao nhiêu em, bao nhiêu lứa học trò, nhưng với ông giáo làng Đặng Tiến Dũng, đến nay, hàng trăm học sinh được ông kèm cặp đã đậu vào các trường đại học. Dù đi đâu, làm gì, các em đều dành cho ông một tình cảm đặc biệt cho... "người thầy đặc biệt".

"Tôi nói với học sinh mình rằng ông dạy các con không mong các con giúp gì cho ông. Ông chỉ mong các con lấy cái học được rồi dạy cho nhiều người như ông", ông giáo làng tâm sự.

Tác giả: Phạm Trường

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP