Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nữ trưởng bản 8X năng động, gần gũi với bà con

Từ bao đời nay, trưởng bản của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là người lớn tuổi trong làng. Thế nhưng...

Thế nhưng, điều lạ lùng đã xảy ra khi 2 năm nay người “cầm cương” lại là một nữ trưởng bản chỉ mới 28 tuổi...

Dân bản mình "khó bảo" lắm

Về bản Rào Tre, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Ngọc, cán bộ xã cắm bản giới thiệu về Hồ Thị Kiên, nữ trưởng bản trẻ tuổi nhất của đồng bào Chứt. Tới nhà trưởng bản Kiên, đó là căn nhà nhỏ nhất ở cuối bản Rào Tre, nằm nép mình bên dãy núi Ka – Đay. Ngôi nhà được dựng bằng bốn cột gỗ, lợp ngói khá cũ kĩ, chật chội nhưng bên trong được sắp xếp rất sạch sẽ và ngăn nắp.

Trưởng bản Hồ Kiên

Rót chén nước chè xanh mời khách, Kiên kể: “Từ bao đời nay, đồng bào Chứt chỉ có người già như Hồ Kính, Hồ Nam mới được bầu làm trưởng bản. Trẻ tuổi như mình thì chỉ nói được con nít nghe thôi, chứ người già không ai nghe đâu, nhất là những chuyện “đại sự”. Khi được đồng bào tin tưởng giao nhiệm vụ mình cũng rất bất ngờ”, Kiên cười.

Nói thế nhưng ngày bầu Kiên lên làm trưởng bản cũng là một “cuộc cách mạng” rất căng thẳng. Bản tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham gia của chính quyền xã Hương Liên, bộ đội biên phòng và người già, trưởng bản cũ của đồng bào. Cuối cùng Kiên đã vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” và trở thành vị trưởng bản 8X trẻ tuổi nhất của bản Rào Tre.

Những ngày đầu đương chức, Kiên gặp rất nhiều khó khăn khi đứng trước bà con phát biểu. “Ngày đầu tiên đứng trước dân bản, chính quyền địa phương để ra mắt và phổ biến công việc mình thực sự rất sợ, sợ không làm được việc, sợ nói không ai nghe. Dân bản mình "khó bảo" lắm, nhất là người già.

Có lần thông báo họp nhưng chỉ vài người tham gia. Có hôm mình vừa phát biểu được vài ba câu thì họ lần lượt bỏ về. Hầu hết là những người lớn tuổi bỏ về trước, bà con thấy thế cũng đứng lên bỏ về theo. Đứng trên này mình tủi thân quá, khóc luôn”.

Nhiều lần như thế, Kiên quyết định gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào để tìm hiểu nguyên nhân. Kiên nhận ra điểm yếu của mình là do kiến thức còn non kém và mình cũng chưa gần gũi với bà con nhiều. Từ đó, Kiên thường xuyên thăm hỏi, tìm hiểu tính cách, tâm tư của bà con, đồng thời trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng nói chuyện trước đám đông.

“Mình thường nhờ các cán bộ bên xã hướng dẫn giúp mình. Cái gì chưa hiểu thì mình phải hỏi lại cho kĩ, mình hiểu đúng thì mới truyền đạt lại cho bà con được. Nhà mình có 1 chiếc xe máy, trong xã xe máy hiếm lắm mà người già không ai biết đi cả. Thấy ai có việc đi xa, rảnh rỗi mình lại chở họ đi. Dần dần, những buổi họp cũng đông người hẳn, không ai bỏ về. Nhiều cái mình nói hay bà con còn vỗ tay hoan hô. Mình mừng lắm”, trưởng bản Hồ Thị Kiên vui vẻ.

Nữ trưởng bản thương dân

Nói về trưởng bản Hồ Thị Kiên, bà Hồ Nam (nguyên trưởng bản cũ) chia sẻ: “Kiên là trưởng bản trẻ tuổi, rất năng động, gần gũi với bà con trong bản. Kiên có cái chữ nên làm việc tốt hơn, nắm bắt vấn đề nhanh hơn”.

Theo bà Hồ Nam, từ khi Kiên lên làm trưởng bản, dân số đồng bào Chứt có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, việc sinh đẻ thuận theo tự nhiên, không có kế hoạch. Trong vòng 2 năm lại đây, chị em phụ nữ Chứt được Kiên tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai.

Câu chuyện về đặt vòng, sử dụng thuốc, tiêm… không còn xa lạ với chị em trong bản. Từ đó, tỉ lệ sinh con ngoài ý muốn giảm hẳn, dân bản tập trung chăm lo đời sống kinh tế.

Chia sẻ về những khó khăn, Kiên cho biết, giờ quen việc rồi nên cũng không khó khăn gì mấy. Trước đây khi mới làm trưởng bản, con trai thứ 2 của Kiên vừa tròn 8 tháng tuổi. Có hôm đi họp 2 ngày ở tỉnh, cách nhà hơn 70km, Kiên phải dậy thật sớm chạy xe máy ra thị trấn Hương Khê gửi lại rồi bắt xe buýt đi, chiều lại tất tả chạy về lo cho các con. Chồng Kiên cũng là người Chứt nhưng anh rất hiểu và thông cảm với công việc của vợ.

Ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên chia sẻ: “Thường thì lớp người già ở bản Rào Tre không biết chữ nên việc truyền đạt các chủ trương chính sách của Nhà nước rất hạn chế. Đầu năm 2015, chúng tôi bàn với bộ đội biên phòng tham mưu đưa đội ngũ trong bản lên làm thế hệ kế cận.

Hai năm vừa qua, trưởng bản Hồ Thị Kiên luôn hoàn thành công tác được giao. Trong các cuộc họp, Kiên biết sắp xếp, tổ chức rất bài bản. Đặc biệt dù là lớp trẻ nhưng lời nói của Kiên tại các cuộc họp trong bản được người dân lắng nghe”.

Sau hai năm là trưởng bản, giờ Kiên đã làm tốt chuyện “vác tù và hàng tổng”, chinh phục được lòng tin yêu của hầu hết người dân trong thôn với nhiều việc làm thiết thực.

“Muốn làm tốt, mình phải sâu sát với đời sống dân bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Mình xem truyền hình thấy đồng bào Chứt mình nhận thức còn tụt hậu so với nhiều đồng bào thiểu số khác mà thương lắm. Mình không ngại khó, ngại khổ chỉ mong có thể đủ năng lực giúp đồng bào mình thay đổi về nhận thức để phát triển đời sống kinh tế", Kiên cho biết.

Đồng bào Chứt được BĐBP tìm thấy và đưa về định cư ở bản Rào Tre từ năm 2001. Những năm qua mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng đời sống của bà con dân bản vẫn còn nhiều khó khăn. Toàn bản có 41 hộ dân với 146 nhân khẩu, trình độ dân trí thấp, tập tục canh tác còn lạc hậu, lương thực sản xuất ra không đủ ăn, chủ yếu dựa vào trợ cấp của nhà nước. Đến nay 100% đồng bào Chứt vẫn thuộc hộ nghèo.



Tác giả: TÂM ĐAN

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP