Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Nông dân sập bẫy cò lao động vì tin hội thảo dỏm

Những chiêu thức lừa người lao động

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động. Nạn nhân bị lừa đa số thuộc về lao động nghèo. Khi các đối tượng gom hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng của người dân và bỏ trốn, hậu quả để lại làm nhiều vùng quê đã nghèo lại thêm phần xao xác. Nhiều trường hợp gia đình ly tán, vợ chồng ly dị, anh em, láng giềng không thèm nhìn mặt nhau… cũng do sập bẫy cò lao động. Vậy làm sao để hạn chế nước mắt người nghèo trước cám dỗ của cò lao động?

Tại cơ quan điều tra, ngồi trước mặt tôi là Ngô Thu Lý, trú xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Sinh năm 1983, nhưng khả năng “chém gió đi lừa” của thị với những chiêu bài như thần thoại làm tôi rùng mình. Để dễ đưa người lao động sập bẫy, trước hết, Lý làm giả giấy tờ và tự xưng mình là người của Thanh tra Chính phủ. Sau đó, Ngô Thu Lý câu kết với một số đối tượng đóng vai là người có khả năng đưa bất kỳ ai đi xuất khẩu lao động đến các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada… với mức lương rất cao. Sau khi tạo vỏ bọc, Lý tạo “chân rết” bằng cách câu kết với các đối tượng Giáp Văn Trung (SN 1978), trú tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và Chu Ngọc Lâm (SN 1982), trú Tiến Thành, Yên Thành, Nghệ An để lừa đảo.

Dưới bàn tay đạo diễn của Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung và Chu Ngọc Lâm về tận các làng quê ở huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương…, tỉnh Nghệ An, lừa đảo của người dân bước đầu đã xác định được gần 3 tỷ đồng. Đầu tiên để tạo lòng tin với người dân, chúng mượn hội trường của UBND xã Tiến Thành để tổ chức “hội thảo” tuyên truyền về việc đưa người đi xuất khẩu lao động nhanh, đúng pháp luật, có việc làm ngay và lương cao. Chúng còn lừa lấy hàng trăm triệu đồng của một số cán bộ xã có nhu cầu đưa con đi xuất khẩu lao động.

Bằng cách tạo lòng tin xong, chúng càn quét qua các làng quê. Bộ ba Lý, Trung, Lâm đi đến đâu thì làng quê đó gom góp tiền nộp cho chúng rồi hồi hộp chờ đợi. Trung bình mỗi người lao động muốn đi xuất khẩu phải nộp ít nhất cho chúng số tiền trị giá ít nhất 10 ngàn USD. Khi nhận tiền, các đối tượng đều lừa phỉnh nói đây là tiền đặt cọc chống trốn, và khi lao động có việc làm ổn định ở nước ngoài chúng sẽ trả lại. Tuy nhiên, có gia đình chưa gom đủ số tiền “đặt cọc” chúng cũng nhận và viết cho một tờ giấy để làm tin.

Cũng với chiêu bài “nhận tiền đặt cọc để đưa người đi xuất khẩu lao động”, hàng chục người dân ở xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cũng đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất khi đưa tiền cho cò lao động. Trung bình mỗi lao động nơi đây đã nộp 7.000 USD cho một đối tượng người cùng địa phương để sang Australia lao động. Sau khi nộp tiền, các lao động được đưa bay sang Indonesia. Tại sân bay nước bạn, mỗi lao động phải nộp thêm 3.500 USD rồi được đưa xuống thuyền đánh cá lênh đênh vượt biển. Do sóng lớn, thuyền bị trôi dạt vào đảo và hàng chục lao động xã Nghi Hoa được đưa vào trại tị nạn rồi cho về nước. Giấc mơ xuất ngoại xa vời nhưng khoản nợ hàng chục ngàn USD vẫn đeo đẳng họ.

Cùng với chiêu bài sang Australia làm việc với thu nhập cao, cò lao động đã thu của hơn 10 lao động ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân hàng trăm ngàn USD. Nhưng những lao động đã nộp tiền giờ vẫn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để trả nợ.

Rời vùng quê nghèo Tiến Thành, Hoa Thành, Cương Gián…, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đây là huyện nghèo thuộc diện 30a của Nhà nước. Nhận thấy nhu cầu xuất khẩu lao động của người dân huyện Minh Hóa là rất lớn nên hàng chục đối tượng cò lao động đã về đây “vùng vẫy” để lấy tiền của người nghèo. Nắm được chủ trương của Nhà nước tạo điều kiện cho người lao động ở huyện Minh Hóa được vay tiền chính sách để xuất khẩu lao động. Các cò lao động đã không kể đường sá núi cao, hào sâu đến tận từng nhà dân rỉ tai vay tiền nộp cho cò. Nhận tiền xong, chúng biến mất khỏi địa bàn không để lại một tin nhắn hay dòng địa chỉ.

Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung và Chu Ngọc Lâm (từ trái qua) đã lừa của người dân ở tỉnh Nghệ An số tiền gần 3 tỷ đồng.

Xao xác làng quê khi mắc lừa cò lao động

Chúng tôi trở lại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khi trời đã đổ bóng chiều. Nơi góc rạ, cuối xóm hè nhiều bà con vẫn tụm năm, tụm ba nói về việc người làng bị lừa hàng trăm triệu đồng vì ước muốn đi xuất khẩu lao động xứ người. Đất khó, quê nghèo, vì vậy mất số tiền hàng trăm triệu đồng với người dân nơi đây quả là một con số khủng khiếp. Bởi số tiền đó là phép cộng vay mượn từ ngân hàng, từ anh em, họ hàng, từ việc nhịn ăn, nhịn mặc chắt bóp cả cuộc đời của người dân nơi đây. Song trong phút chốc họ đã bị lừa đến những đồng tiền cuối cùng khi “những con quỷ đội lốt người” đến làng với chiêu bài “đưa người xuất khẩu lao động”. Nhìn những đôi mắt thẫn thờ của người lao động thật mủi lòng.

Cũng bị lừa đi xuất khẩu lao động sang Australia nên giờ đây anh Dương Đức Thông, ở xã Cương Gián, đã phải bán nhà và thuê nhà tạm cho vợ con ở. Hằng ngày anh và gia đình sống lay lắt, khốn khó bằng nghề phụ hồ.

Do bị lừa quá nhiều nên cả năm 2013, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình hầu như không có người đi xuất khẩu lao động. Nhiều lao động học xong định hướng, mượn tiền ngân hàng chính sách về rồi đem trả lại. Quê nghèo, đất khó, lại bị lừa hàng chục, hàng trăm triệu đồng nên không ít hộ gia đình nơi đây rơi vào hoàn cảnh bi kịch.

Tại xã nghèo Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, cò lao động còn đưa ôtô về tận thôn, bản chở người lao động đi vay tiền ngân hàng nộp cho chúng để làm thủ tục xuất khẩu lao động. Nhưng giờ đây, 6 lao động trên địa bàn như Hồ Vay, trú bản Pa Choong; Hồ Chăn, Hồ Nín, Hồ Ten, đều trú bản Ra Mai; Hồ Ka và Hồ Ka, trú bản Ka Rét đã nộp tiền cho cò lao động nhưng từ tháng 2/2010 đến nay vẫn ở nhà cùng nương rẫy.

Việc người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động là chính đáng. Bên cạnh đó, nhiều nước, vùng lãnh thổ rất cần lao động người Việt Nam, bởi lao động nước ta nhìn chung đều chịu khó, chăm làm, ham học hỏi. Vậy tại sao người lao động nghèo liên tục bị lừa đến mức tan gia bại sản. Ai sẽ làm cầu nối cho người lao động và các nước cần lao động Việt Nam? Câu hỏi này đang chờ sự trả lời một cách thỏa đáng, đúng trọng tâm, trọng điểm của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Dương Sông Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP