Các Sở - Ban - Ngành

Hà Tĩnh: Niêm yết giá tại các chợ – Vẫn chuyện “đá ném ao bèo”!

Tình trạng không niêm yết giá và nói thách “vô tội vạ” dường như trở thành “chuyện thường ngày” ở các chợ trên địa bàn Hà Tĩnh. Và, chuyện thường ngày ấy không chỉ được người bán áp dụng triệt để mà người mua cũng vui vẻ chấp nhận để rồi vẫn giữ thói quen mặc cả khi mua hàng.

“Văn hóa” nói thách

Việc niêm yết giá đã được Luật Giá quy định từ năm 2013 và cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc niêm yết giá chỉ thường thấy ở những siêu thị, trung tâm mua sắm lớn; còn tại các chợ trên địa bàn Hà Tĩnh, hàng hóa vẫn được bán theo kiểu “mặc cả”.

Chị Ngô Thị Linh ở thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “Tôi rất ngại mua sắm tại chợ, người bán thường hô giá theo ngẫu hứng, thậm chí, nhìn mặt để nói thách nên rất khó để mua với giá hợp lý”.

hatinh24h

Thay vì thực hiện mua và bán hàng theo giá niêm yết, người tiêu dùng và tiểu thương tại các chợ vẫn giữ thói quen mặc cả.(ảnh chụp tại chợ Hà Tĩnh).

Cũng theo chị Linh, với cách “nói cả, trả nửa” như ở các chợ, nếu mình trả giá cao hơn thì thành mua hớ, nếu người bán không thách giá cao mà mình trả bằng một nửa thì lại sợ bị la lối. Bên cạnh đó, một số quầy hàng niêm yết giá nhưng khách hàng vẫn mặc cả như thường. Cũng vì lý do sợ mua hớ nên một bộ phận người tiêu dùng đã chọn giải pháp an toàn là mua tại siêu thị, đại lý hoặc các cửa hàng có niêm yết giá rõ ràng. Thế nhưng, phần đông người dân vẫn chọn hình thức mua sắm ở chợ vì hàng hóa đa dạng, phù hợp với nhu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân.

Dạo một vòng quanh Trung tâm chợ Hội – nơi có lượng hàng hóa lớn nhất huyện Cẩm Xuyên, rất ít cửa hàng niêm yết giá công khai, nếu có thì cũng không thể hiện đúng giá thực tế. Một số cửa hàng quần áo, hàng gia dụng, chủ cửa hàng có ghi bảng niêm yết nhưng vẫn theo kiểu “đối phó” với cơ quan chức năng. Bảng được ghi không rõ ràng, phần lớn số hàng được niêm yết chỉ một số loại, ít hơn rất nhiều so với hàng có tại tiệm. Có những bảng giá nằm ở vị trí rất khó thấy hoặc giá bị nhòe. Riêng tại ngành hàng thực phẩm tươi sống, gia vị, hàng tạp hóa… thì hầu như không niêm yết giá. Bởi theo một số chủ hàng, giá thay đổi xoành xoạch từng ngày, thậm chí, từng giờ, họ lại buôn bán cả trăm mặt hàng, không có thời gian rảnh ngồi ghi giá.

Không riêng chợ Hội Cẩm Xuyên, ở các chợ trung tâm của các huyện, thị, thành phố, đặc biệt là chợ Hà Tĩnh, nhiều mặt hàng vẫn không được niêm yết giá công khai trên sản phẩm hoặc không được thông tin bằng bảng giá. Chị Yến, một tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Hà Tĩnh giãi bày: “Mặc dù giá đã niêm yết trên hàng hóa nhưng khách hàng vẫn mặc cả như thường. Với lại, các mặt hàng mới được nhập về thường xuyên nên không niêm yết giá lên tất cả vì không thể đủ thời gian để thực hiện”.

Bằng cách “phớt lờ” việc niêm yết giá, các tiểu thương tự định giá theo nhu cầu thị trường. Với cách buôn bán này, khi thị trường biến động, giá sẽ lên xuống theo kiểu “tát nước theo mưa”. Và người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.

Cần siết chặt quản lý

Về việc niêm yết giá hàng hóa theo Luật Giá, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phan Thanh Bá cho biết: Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện niêm yết giá hàng hóa tại các chợ. Từ chợ Hà Tĩnh, chợ Hồng Lĩnh đến các chợ trung tâm của các huyện, thị, thành phố đều thực hiện việc niêm yết này. Tuy nhiên, thực hiện niêm yết 100% thì chưa đạt vì hàng hóa thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng vẫn “thích trả giá” nên thực hiện bán theo giá niêm yết là rất khó.

Theo đó, để quản lý việc niêm yết giá, mỗi năm, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh tiến hành nhiều đợt kiểm tra, giám sát. Riêng 4 tháng đầu năm 2016, chi cục bắt 608 vụ, xử phạt gần 96 triệu đồng. “Đối với hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin giá hàng hóa dịch vụ, nếu vi phạm lần 1 thì cảnh cáo; đối với hành vi vi phạm từ lần thứ hai trở lên thì phạt tiền từ 300-500 nghìn đồng… Giá trị phạt hành chính áp dụng đối với hành vi vi phạm niêm yết giá lần thứ hai trở lên là khá nhẹ cho những tiểu thương kinh doanh hàng hóa có giá trị lớn, dẫn đến việc phần lớn không sợ vi phạm và chấp nhận chịu bị xử phạt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng không niêm yết giá vẫn phổ biến trên thị trường hàng hóa tiêu dùng” – ông Phan Thanh Bá cho hay.

Phan Trâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP