Kinh tế

Hà Tĩnh: Những cánh đồng bạc tỷ trên cát trắng

Từ thuở hồng hoang cho đến cuối thế kỷ 20, cư dân ven biển Hà Tĩnh phải gồng mình chống chọi với cát. Mãi cho tới thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã biến vùng cát bạc trở thành cánh đồng rau, củ, quả bạt ngàn, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Kỳ tích trên cát

Trồng rau trên cát.

Vào một ngày­ cuối tuần, giữa cái nắng miền Trung như thiêu đốt, trên chiếc xe bán tải, Tổng giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cùng chúng tôi xuống thăm vùng rau, củ, quả trên dải cát bạc thuộc 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà. Vừa lái xe,  Thắng vừa khoe với tôi: “Nhà báo biết đấy, nắng nóng ở miền Trung kéo dài cả tháng nay, nhiệt độ trung bình trên dưới 40 độ C, nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại nhưng cánh đồng rau, củ, quả của công ty không hề mất một cây nào”.

Càng nói chuyện với Thắng, tôi càng khâm phục bởi vị tổng giám đốc trẻ này trong đầu luôn trăm công, nghìn việc. Bởi ngoài sản xuất kinh doanh các loại khoáng sản, doanh nghiệp của anh còn là cánh chim đầu đàn trong phong trào XDNTM, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất chuỗi nông nghiệp hàng hóa. Nào là dự án nuôi lợn, nuôi bò, hươu hàng vạn con; nào là nhà máy chế biến súc sản, chế biến nhung hươu, chế biến thức ăn gia súc, chế biến rau quả… đến cung ứng các loại giống cây trồng cho nông dân.

Vừa lái xe Thắng vừa kể cho tôi nghe: “Nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp mới biết tiềm năng của nó thật đa dạng, phong phú. Nếu khéo liên doanh, liên kết với nông dân, đôi bên cùng có lợi thì đây quả là nơi hốt bạc đối với doanh nghiệp”. Thắng có vẻ tâm đắc rồi kể tiếp: “Nhà báo biết đấy, Hà Tĩnh còn có hàng ngàn hecta đất cát hoang hóa, ngàn đời nay chưa được tận dụng, khai phá. Chính vì vậy, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu biến vùng cát ven biển trở thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ngoài nuôi trồng các loài thủy – hải sản thì đẩy mạnh trồng các loại rau, củ, quả, vừa phục vụ tiêu dùng trong nước, vừa hướng tới xuất khẩu”.

Để biến tham vọng này thành hiện thực, Thắng thực hiện chuyến tham quan thị sát vùng trồng rau, củ, quả tại đảo Đông Shan, Phúc Kiến, Trung Quốc, nơi mà cả khu vực Đông Nam Á phải thán phục bởi toàn bộ dải cát bạch sa ven biển đã được cư dân nơi đây biến thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú, phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng các loại rau, củ, quả như măng tây, củ cải trắng, cà rốt, lạc, đậu, khoai tây, khoai lang, hành tây, bí xanh và các loại thủy – hải sản như bào ngư, tôm, cua đến cả các loài cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Ngoài Phúc Kiến, Thắng còn lặn lội sang cả các xứ sở trồng rau, củ, quả ở Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, IsraeI… để tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận công nghệ, du nhập các loại giống mới đưa về Việt Nam nhằm biến những bãi cát hoang hóa thành những vùng rau, củ, quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những làng rau Hàn Quốc trên cát

Xe dừng trước dãy nhà cấp 4 xinh xắn, vừa bước xuống xe, cô bạn đồng nghiệp cùng đi phải thốt lên thích thú khi thấy rau xanh bạt ngàn chân trời. Thắng tự hào khoe với chúng tôi: “Các nhà báo thấy đó, nắng nóng như đổ lửa mà cánh đồng rau vẫn mượt mà, xanh tươi”.

Chúng tôi đến những cánh đồng được quy hoạch theo các loại sản phẩm: măng tây, củ cải, cải thảo, dưa lưới, cà rốt, cà chua, mướp đắng, hành lá…, tất cả đều được quy hoạch thành từng vùng, từng giống trên những cánh đồng mẫu lớn. Máy móc, trang thiết bị, hệ thống giao thông, điện, nước tưới phun, tưới nhỏ giọt, các công trình phụ trợ đều được trang bị với quy mô hiện đại. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tôi hỏi: “Các loại giống này được nhập từ đâu?”, Thắng trả lời: “Nguồn giống được chuyển giao từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Thái Lan, Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ…, trong đó có một số giống chất lượng cao được chuyển giao từ trong nước”. Tôi hỏi tiếp: “Còn công nghệ?”, Thắng chia sẻ: “Công nghệ sản xuất tổng hợp từ Israel, Hồng Kông và Trung Quốc, bởi khí hậu những vùng này thích ứng với vùng khí hậu, thổ nhưỡng vùng cát biển của ta”.

Về hiệu quả kinh tế, Thắng cho biết, mỗi năm sản xuất được từ 3 – 4 vụ, tùy từng chủng loại cây, năng suất bình quân đạt từ 20 – 40 tấn/ha/vụ như củ cải đạt 25 – 30 tấn/ha/vụ; cải thảo 30-35 tấn/ha/vụ, cà chua 35-40 tấn/ha/vụ…; doanh thu đạt từ 100-300 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt đối với măng tây, doanh thu đạt 500-600 triệu đồng/ha/vụ.

Cũng theo Thắng, thời gian tới măng tây sẽ là cây chủ lực trong định hướng phát triển của công ty. Tranh thủ trong lúc “sếp” nghe điện thoại, tôi hỏi công nhân Nguyễn Thị Hồng đang lao động trên cánh đồng măng tây, Hồng cho biết: “Quê em ở gần đây nhưng hơn tháng nay em không thể về thăm bố mẹ được bởi mùa nắng nóng này ai cũng phải bám vườn, bám cây, tuyệt đối không để cây đói, cây khát”. Hồng chia sẻ thêm: “Bọn em làm việc cho công ty giống như làm việc cho nhà mình, mọi chế độ đều được chi trả đầy đủ, kịp thời. Bình quân thu nhập đạt 5 triệu đồng/tháng, mọi sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi công ty lo chu tất”.

Hái tiền tỷ trên cát

Sau buổi tham quan trở lại văn phòng làm việc, Trưởng ban Nông nghiệp Tổng công ty Thân Văn Quế cho biết, dự án phát triển rau, củ, quả trên cát được triển khai từ tháng 10/2013 tại Tân Văn, Thạch Văn, Thạch Hà. Bước đầu khảo nghiệm trên diện tích 12ha xem như “đánh bạc” với trời. Sau quá trình thử nghiệm, 32 loại sản phẩm phát triển không thua kém gì ở Phúc Kiến (Trung Quốc) hay Israel, Hàn Quốc,…  Từ đó, diện tích ngày càng được mở rộng, đến nay đã đạt trên 200ha, trong đó Tổng công ty trực tiếp sản xuất, quản lý 100ha; còn 100ha công ty đứng ra liên kết với 15 tổ hợp tác, hợp tác xã thuộc 6 huyện trong tỉnh, bao gồm các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh.

Nói về thị trường tiêu thụ, ông Quế cho biết, thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu trên các kênh siêu thị, chợ đầu mối từ Quảng Bình ra Hà Nội. Còn xuất khẩu, công ty có các đối tác như Nhật Bản Tokai Tsukemon Co.ltd, Công ty TNHH I.B.C đã ký biên bản ghi nhớ xuất khẩu rau sạch lâu dài cho 100ha. Trước mắt, trong năm 2015 sẽ có 5ha trồng dưa bao tử làm dưa muối theo đơn đặt hàng từ Nhật Bản. Ngoài thị trường Nhật, Công ty Thailoeifarm (Thái Lan) cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với Tổng công ty về tiêu thụ sản phẩm nhằm cung cấp cho thị trường Thái và Lào.

Tạm biệt làng rau trên cát, hình ảnh vùng cát hoang sơ ngày nào biến thành những cánh đồng rau, củ, quả tiền tỷ khiến cho tôi càng thêm hy vọng một sự đổi thay lớn lao của vùng gió Lào cát trắng.

Anh Bình/ KTNT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP