Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Những bất thường trong bồi thường sự cố môi trường biển ở thị trấn Thiên Cầm

Thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên vô cớ “ngừng” bồi thường cho nhiều người đã hoàn thành thủ tục. Để bảo vệ quyền lợi của mình, dân nhờ người trợ giúp. Chủ tịch UBND thị trấn không chứng thực chữ kí trong giấy ủy quyền, còn tại cuộc đối thoại với dân, Bí thư Đảng ủy thị trấn không chỉ thừa nhận đã chỉ đạo “rút ruột” hồ sơ, mà còn “đe” dân và người được ủy quyền…

Bài 1. Đã làm trái chính sách bồi thường còn vi phạm quy định về chứng thực chữ kí

Các ông, bà: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Sáng, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Thị Mến, ở thôn Nhân Hòa; Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Tông Thoan và Trương Thị Hà, ở thôn Yên Hà, thị trấn Thiên Cầm đại diện cho hơn 30 hộ dân khiếu nại đề nghị làm rõ, trả lại quyền lợi hợp pháp cho dân trong bồi thường sự cố môi trường biển.

Qua đợt xác minh từ 3 hộ nuôi tôm, cua; 4 hộ đánh bắt thủy sản bằng thuyền và lao động thủ công, trong số 37 lao động có nguyện vọng “trao quyền” cho một số người, “làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, để giải quyết những vấn đề liên quan đến bồi thường sự cố môi trường biển”. Khi làm thủ tục, cán bộ tư pháp thị trấn yêu cầu, phải có mặt của bên được ủy quyền, còn ông Nguyễn Đình Kỷ, Chủ tịch UBND thị trấn “kiên quyết” không chứng thực chữ kí.

Các hộ dân cung cấp thông tin cho phóng viên

Ông Kỷ nói: “Tôi không kí xác nhận chữ kí cho ai cả, chúng tôi nói không làm được thì không ủy quyền cho ai. Cán bộ đã được giao quyền, nếu không làm được thì không ủy quyền cho ai cả”. Ông Võ Minh Châu, người được dân ủy quyền đáp: “Chúng tôi không làm trái luật, chỉ yêu cầu ông chứng thực chữ kí cho người ủy quyền”.

Ngẫm một lúc, ông Kỷ chia sẻ: “Thiệt thòi nhất đối với người dân nơi đây là các nhà hàng, khách sạn. Họ bị thiệt hại nhiều lắm, nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn bồi thường. Về nuôi trồng thủy sản chỉ còn 3 hộ. Ban đầu đã hoàn thành hồ sơ, sau đó huyện chỉ đạo nên chưa xong. 3 hộ nuôi trồng thủy sản, cua bị chết mà không bồi thường được… Ở đây có trường hợp 2 người cùng nhau kéo 1 dạ ruốc, người cầm dạ bên này được bồi thường còn người cầm dạ phía bên kia thì không được, vì họ còn làm nghề khác. Cái khó nhất là trên ép, dưới là dân kêu… Các hộ nuôi cua, tôm, sò có chết thật nhưng không biết chết bao nhiêu, mua giống ở đâu, không có hóa đơn, chứng từ; không chứng minh được việc mua bán… Xã đã tổ chức họp dân, họp cộng đồng dân cư mà không giải quyết được”.

“Vua sò” Trần Thị Đình không được nhận tiền đền bù, vì xã cho là “quá tuổi”

Ông Châu phản bác: “Ông nói thế sai, làm như vậy là vi phạm chính sách bồi thường, vi phạm quy định của Chính phủ về chứng thực chữ kí... Theo quy định, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chứng thực chữ kí trong giấy ủy quyền sau khi người ủy quyền kí, trước sự chứng kiến của cán bộ tư pháp. Nội dung ủy quyền là do 2 bên thống nhất thỏa thuận, những điều cam kết trong ủy quyền không được vi phạm pháp luật, không làm trái với đạo đức xã hội. Chúng tôi nhận ủy quyền của các hộ dân là để làm rõ đúng, sai; được quyền thay mặt người ủy quyền đòi quyền lợi chính đáng cho họ và thực hiện quyền công dân theo quy định của pháp luật, được quyền đối chất với chính quyền. Việc làm của chúng tôi còn góp phần phản biện xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân…”.

Việc bồi thường ở thị trấn Thiên Cầm còn nhiều bất cập. Trong khi dân vẫn thắc mắc, khiếu nại; thì Chủ tịch thị trấn cho rằng “đã làm xong, làm đúng hết rồi”. Người dân bị thiệt hại, họ có quyền đòi quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật. Việc chứng thực chữ kí là trách nhiệm và thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, quy định tại Mục 2, Điều 5 Nghị định số 23 của Chính phủ.

Ông Kỷ nói: “Tui không ủy quyền cho ai cả, các anh đi đến đâu rồi cũng về chúng tôi”. Ông giơ cao giấy ủy quyền chưa có chữ kí của người ủy quyền lên dằn giọng: “Các anh nhìn này, giấy ủy quyền đã có ai kí đâu mà đòi tôi ủy quyền. Tôi không ủy quyền cho ai cả”!?

Nghe thế, người dân phản bác: “Chúng tôi không yêu cầu ông ủy quyền cho chúng tôi, mà đề nghị ông kí chứng thực chữ kí của người ủy quyền”.

Làm việc với phóng viên Báo Người cao tuổi về vấn đề trên, ông Trần Hữu Thăng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thiên Cầm, Tổ trưởng tổ chỉ đạo bồi thường sự cố môi trường biển về nuôi trồng thủy hải sản, cho biết: “3 hộ nuôi cua ở thôn Nhân Hòa, thị trấn Thiên Cầm có thuê hồ, nuôi cua và có cua chết thật, nhưng không xác định được số lượng cua giống, cua chết… nên không đủ hồ sơ chứng lí để được bồi thường”.

Hồ sơ đề nghị bồi thường của các hộ: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Văn Huệ, Hoàng Sáng ở tổ dân phố Nhân Hòa đã có đủ: Hợp đồng thuê đất mặt nước kèm phiếu thu tiền thuê mặt nước; Bảng kê khai thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản (mẫu 1.2); Biên bản rà soát, kiểm tra, xác nhận việc kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển; Biên bản làm việc kiểm tra, thẩm định trước về quy trình thực hiện việc kê khai, xác định thiệt hại; Biên bản họp cộng đồng dân cư ngày 19/11/2016 của tổ dân phố Nhân Hòa; Trích sao biên bản họp tổ dân phố với đầy đủ “thành phần” theo quy định, thể hiện rõ chữ kí, con dấu của Chủ tịch UBND thị trấn. Nội dung trong các văn bản đều khẳng định: “Các hộ nuôi cua là có thật, có thả nuôi, có chết” và xác nhận: “Chủ nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện được đền bù thiệt hại, đề nghị Hội đồng đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường các cấp đền bù theo quy định”.

Tại Biên bản họp cộng đồng dân cư tổ dân phố Nhân Hòa nêu rõ: “Sau khi nghe chủ trì cuộc họp thông qua danh sách các chủ hộ bị thiệt hại, mà tổ rà soát của tổ dân phố đã điều tra, rà soát, Hội nghị bàn bạc, thảo luận, thống nhất đồng ý các đối tượng mà tổ điều tra, rà soát của tổ dân phố đã xác định theo hướng dẫn số 6851… Việc các chủ hộ có diện tích, có thả giống nuôi và bị chết là đúng thực tế, biểu quyết cho các hộ: Nguyễn Thị Ứng, Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Sáng, Phạm Thị Nhương đều 97,3% hộ tham gia dự họp. Kết luận: Việc thả giống nuôi và bị chết là đúng thực tế. Đề nghị Hội đồng thẩm định các cấp thẩm định phê duyệt đền bù thiệt hại theo chính sách của Đảng, Nhà nước. Toàn thể nhất trí biểu quyết 97,3% (73/75 hộ tham gia dự họp)”.

Không chỉ đối với các hộ nuôi trồng thủy sản nói trên, ở tổ dân phố Nhân Hòa còn nhiều đối tượng chưa được đền bù. Như ông Nguyễn Tông Thoan, sinh năm 1965, sống chủ yếu bằng nghề thuyền lưới từ nhỏ, hiện là công an viên xóm, mỗi tháng được phụ cấp 770.000 đồng. Khi họp xác định đối tượng bị thiệt hại, dân biểu quyết đề nghị 100%, được niêm yết công khai đợt 1, nhưng ông Thoan không được đền bù. Tháng 10/2017, ông Thoan làm đơn đề nghị trả tiền bồi thường, sau gần 3 tháng, UBND thị trấn Thiên Cầm trả lời cho ông Thoan: “Thời điểm khảo sát, rà soát, ông Thoan có xuồng, lưới nhưng không phải nghề nghiệp chính là đánh bắt thủy hải sản, vì đã có lương công an viên”!?

Ông Thoan bức xúc: “Tôi rất bất bình vì những người làm không có đạo lí. Chính phủ có chủ trương đúng, nhưng ở thị trấn làm sai. Ở đây không chỉ mình tôi, mà còn các ông Nguyễn Tông Hiền, Nguyễn Đình Danh, Nguyễn Văn Hải cũng làm nghề đánh bắt bằng thuyền, nhưng chưa được bồi thường”.

Bà Trương Thị Đình, sinh năm 1939, từng được người dân nơi đây mệnh danh là “vua sò”, bởi bà làm nghề mò sò hơn 50 năm qua, “sống nhờ sò, nuôi con cái cũng nhờ sò”, đã được dân biểu quyết 100% đề nghị bồi thường, nhưng không được nhận tiền.

Tổ dân phố Nhân Hòa hiện có 25 người thuộc nhóm lao động có tính chất đơn giản, không thường xuyên, có thu nhập chính; 4 người thuộc nhóm khai thác thủy sản ở đầm phá; 2 người thuộc “thu mua tạm trữ” và 4 chủ cơ sở chế biến nước mắm “bị thiệt hại là đúng thực tế”, đã được cộng đồng dân cư họp, thống nhất đề nghị Hội đồng bồi thường các cấp giải quyết.

Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tác giả: Chí Thúc

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP