Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Nhức nhối vấn nạn khai thác cát trái phép

Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã thắt chặt công tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên cát. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng và giá thành cát càng ngày càng cao nên các “đầu nậu” đã dùng nhiều chiêu thức tinh vi để “qua mặt” cơ quan chức năng.

Khai thác cát quá sâu, ruộng không thể sản xuất được đành bỏ hoang.

Đào nát ruộng vì cát

Một trong những chiêu thức mà các “đầu nậu” sử dụng là hợp đồng với người dân bản địa khai thác cát trái phép ngay chính trên đất canh tác của mình, sau đó dùng các phương tiện vận tải chuyển đi tiêu thụ trên các địa bàn khác. Đây là một chiêu thức mới rất tinh vi gây khó khăn cho lực lượng chức năng, không chỉ làm thất thoát tài nguyên quốc gia mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng đất canh tác của người dân.

Trong vai 1 “đầu nậu” đang tìm mối mua cát, chúng tôi về xóm Quan Nam và xóm Thượng Phú thuộc xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà. Tại đây, trên cánh đồng người dân đang tập trung xuống ruộng rất đông nhưng không phải để trồng trọt mà để xúc cát bán. Anh Nguyễn Văn Dũng, đang đào cát trên mảnh ruộng của mình cho biết: “Cát được bán cho người thu gom là 100 nghìn đồng/chuyến xe bò (xấp xỉ 1 khối), khi đầy xe thì chở cát về tập trung tại cổng nhà mình hoặc bãi tập kết do người thu gom chỉ định, trung bình mỗi ngày làm được hai chuyến. Sau đó chủ xe vận tải tập trung chở cát từ bãi tập kết đưa đi các địa bàn khác bán theo đơn đặt hàng”. Cũng theo anh, so với giá thành và công sức của một vụ lúa thì khai thác cát cho lợi nhuận cao hơn nhiều. Mặc dù biết là vi phạm pháp luật nhưng vì đang trong mùa nông nhàn, không có việc làm, giá cát lại cao nên mới khai thác cát, sỏi để kiếm thêm thu nhập.

Những chiếc xe bò “lặc lè” chở cát từ ruộng đến điểm tập kết.

Chính quyền quản lý lỏng lẻo

Bà Nguyễn Thị Liên, đại diện UBND xã Hồng Lộc, xác nhận có tình trạng trên và cho biết: “Việc tự ý khai thác cát trái phép đã tồn tại từ lâu, tình trạng người dân đào bán đất canh tác của mình gây thất thoát nguồn tài nguyên cát, do khai thác quá nhiều làm ruộng bị trũng không sử dụng để sản xuất được và tăng nguy cơ sạt lở cho những thửa ruộng của hộ bên cạnh. Hiện nay xã đang chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn chặn không để tình trạng trên”.

Xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Lê Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian vừa qua, trên địa bàn xã có xảy ra tình trạng người dân khai thác cát trái phép, UBND xã đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để xử phạt các trường hợp vi phạm. Ngày 6/11, UBND xã phối hợp với Công an huyện Thạch Hà đã tiến hành xử lý các trường hợp khai thác cát, thu giữ 9 xe bò chở cát. Tuy nhiên, do lợi nhuận của việc khai thác cát cao nên người dân dùng đủ chiêu để “lách” cơ quan chức năng như vận chuyển vào ban đêm, dùng xe nhỏ chở cát sau đó tập kết tại một địa điểm rồi mới bán cho các xe ô tô chở đi.

Dọc tuyến đường thuộc xóm Liên Quý, xã Thạch Hội có khá nhiều điểm khai thác cát trái phép, đoạn đường này thường xuyên bắt gặp những xe công nông, xe bò chở cát về các tụ điểm tập kết. Cát được tập kết thành từng đống, sau đó các chủ xe ô tô tải gom lại rồi chở đi địa bàn khác tiêu thụ.

Xe thu mua chờ bên lề đường lấy cát.

Hay ở xóm Quan Nam, xã Hồng Lộc, càng đi sâu vào cuối tuyến tình trạng khai thác thể hiện sự tinh vi hơn với sự phụ trợ của máy hút cát, những thửa ruộng bị đào xới nham nhở không thể sản xuất lại được.

Nhiều người dân phản ánh về chuyện khai thác cát trái phép ồ ạt gây mất trật tự an ninh do người dân tranh chấp ruộng có cát và ruột đất thường, tranh chấp giữa các chủ xe mua cát. Ngoài ra các xe ô tô vận chuyển cát làm hư hại đường nhưng không ai xử lý do đa phần người khai thác đều cùng thôn, xã với nhau nên không ai lên tiếng.

Thực tế cho thấy, những người khai thác trái phép chủ yếu là nông dân. Người hưởng lợi nhất từ việc khai thác trái phép là các “đầu nậu” thu mua, tuy nhiên nếu có xử lý thì chỉ người dân bị xử lý. Điều này khá là bất cập, gây cản trở tới công tác giải quyết chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay.

Việc khai thác cát trái phép ngày càng gia tăng cho thấy sự làm việc thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và sự quản lý lỏng lẻo nguồn tài nguyên của phòng tài nguyên môi trường. Nếu như có sự quản lý chặt chẽ và biện pháp xử phạt đủ sức răn đe thì liệu vấn nạn khai thác cát ồ ạt, tràn lan bất chấp luật pháp và coi thường cơ quan chức năng có diễn ra công khai như vậy. Đây là một vấn đề cấp thiết cần các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để sớm chấm dứt tình trạng trên.

Yến Yến

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP