Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nhiều hec-ta rừng nguyên sinh bị đốt trắng

Một diện tích lớn rừng nguyên sinh ở tiểu khu 251b (huyện Hương Khê - Hà Tĩnh) đã bị phát trắng và đốt sạch. Chủ rừng cho biết đốt là để trồng cao su, còn phía Hạt kiểm lâm huyện thì nói có biết nhưng tạo điều kiện cho chủ rừng.

Rừng đầu nguồn bị xóa trắng

Trong những ngày qua, người dân địa phương xã Hương Đô (huyện Hương Khê) phản ánh đến báo Infonet về việc trên địa bàn xã có tình trạng sẻ phát trắng rừng nguyên sinh và đốt sạch để trồng rừng kinh tế.

Hàng chục hec-ta rừng đầu nguồn ở tiểu khu 251b bị xóa trắng

Theo tuyến đường liên xã Phúc Trạch - Hương Liên, rẽ vào lối mòn nhỏ cạnh cầu Lò Rèn, chúng tôi vào khu vực rừng bị đốt cháy. Vị trí rừng bị đốt cách khu dân cư ở chừng 2km.

Tại hiện trường, khu vực rừng bị đốt là ba sườn đồi sát nhau, chụm vào một con suối nhỏ. Trên nền đất ngổn ngang những thân cây bị cháy xém, các gốc cây chi chít vẫn còn trơ lên quanh những đống tro.

Chủ rừng sẻ phát trắng để chuyển sang trồng ….cao su(?)

Người dẫn đường cho chúng tôi ước tính diện tích rừng bị phá lên tới chục héc-ta. “Khi nhìn thực tế vì ta đứng trên cao nó thu vào tầm mắt nên thấy ít, nhưng để đi hết diện tích bị sẻ đốt này thì phải mất mấy tiếng đồng hồ đấy”, ông N cho biết.

Đây là những ngọn đồi có độ dốc rất lớn, đất pha cát và trơ lên những hòn đá mồ côi.

“Rừng trồng phải được quy hoạch ở những nơi độ dốc thấp, chứ độ dốc thế lớn thế này không thể trồng rừng nguyên liệu được chứ nói gì đến trồng cao su. Nền đất vùng này xốp, mịn nên khi mưa dễ bị xói lở, nên rừng trồng không thể che phủ giữ đất chống xói mòn tốt được. Giờ họ phá rừng rồi lấy gì mà giữ đất, chống lũ quét đây?’’ ông N phân trần.

Nhiều cây gỗ sót lại sau đợt đốt dọn của chủ rừng

Cơ quan chức năng tạo điều kiện?

Phản ánh sự việc, ông Đinh Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết “nơi phóng viên phản ánh là thuộc Tiểu khu 521b, đó là khu vực đất quản lý hành chính của xã Hương Đô, nhưng đã được UBND tỉnh thu hồi và giao cho Tổng đội Thanh niên xung phong Xây dựng kinh tế (TNXP-XDKT) Phúc Trạch thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh quản lý. Nên rừng đó không thuộc xã quản lý nên cũng không rõ”.

Trao đổi với PV, ông Hồ Xuân Hiếu - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP-XDKT Phúc Trạch thừa nhận việc chặt phát rừng nguyên sinh ở tiểu khu 251b do Tổng đội quản lý là có.

“Rừng đó tỉnh giao cho đơn vị xây dựng kinh tế mới quản lý, và đã đưa vào quy hoạch trồng cây cao su nhiều năm trước. Vì trước đây giá mủ cao su thấp nên chưa chuyển đổi để trồng được. Giờ giá mủ cao su lên chúng tôi mới tiến hành làm để trồng. Đất rừng của tổng đội bị người dân lấn chiếm nhiều, nên còn một số diện tích chúng tôi không làm thì sẽ bị lấn chiếm hết”. Ông Hiếu nói.

Rừng nguyên sinh đầu nguồn sót lại còn gốc và gỗ cháy chưa hết

Trên thực tế, khu vực phía dưới sườn núi vừa bị sẻ phát và đốt trắng, những đám rừng keo nguyên liệu đã được trồng, trong đó có rừng quản lý của Tổng đội TNXP. Đề án chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cây cao su không được thực hiện ở những nơi có độ dốc thấp, mà lại bố trí ở vị trí có độ dốc cao hiểm trở. Khía cạnh này ông Vũ - Phó tổng đội TNXP-XDKT Phúc Trạch nói rằng ông cũng không nắm rõ, vì mới đi học về làm được mấy tháng nay.

Ông Nguyễn Quang Hào - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Hương Khê cho biết: “Đơn vị đã nắm được tình hình và đã lên lập biên bản xử phạt chủ rừng. Chúng tôi chỉ phạt về việc đốt xử lý thực bì không đúng quy định trong thời gian nắng nóng thôi. Còn rừng đó họ phá để chuyển đổi trồng cao su thì đã có quy hoạch từ trước rồi”.

Các sườn núi có độ dốc lớn, nhưng vẫn được cơ quan chức năng phê duyệt để chủ rừng chuyển sang trồng cao su.(?)

Khi chúng tôi yêu cầu xem biên bản xử phạt thì Hạt trưởng kiểm lâm lý giải “khi lập biên bản phạt, nhưng họ nói anh em lên làm kinh tế cũng vất vả, với lại họ trực thuộc Tỉnh đoàn quản lý, nên khi họ xin thì chúng tôi cũng tạo điều kiện”.

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: "Những dự án chuyển đổi rừng nguyên sinh nghèo kiệt sang rừng sản xuất phải phù hợp với quy hoạch phát triển, phải có đánh giá tác động kinh tế - xã hội, phải có báo cáo tác động môi trường. Còn cụ thể rừng ở Tiểu khu 251b giao cho Tổng đội TNXP phá trắng thì anh em báo cáo lên là đã kiểm tra và chỉ có đất trống và thực bì, không phải rừng".

"Theo chỉ thị 13 của Ban Bí thư thì rừng tự nhiên là không được nhưng đây lại là đất và thực bì. Tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại". Ông Huấn nói.

Liên quan công tác Bảo vệ và phát triển rừng, ngày 12/1/2017 Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 13-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” đã yêu cầu “Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ…Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên, dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp”.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP