Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nhà thầu ngang nhiên “rút ruột” công trình

Bất chấp những nỗ lực ngăn cản của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đến dự án, nhà thầu vẫn ngang nhiên thi công gian lận và “rút ruột” công trình?

Công trình bị “rút ruột”?

Đại diện chủ đầu tư, Ban quản lý và Ban giám sát dự án họp bàn về phương án xử lý công trình bị nhà thầu ngang nhiên “rút ruột”

Đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí hàng đầu đánh giá sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, là “bệ phóng” để địa phương sớm có thể cán đích đạt chuẩn theo bộ tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, cách làm đường - mương ở xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang cho thấy nhiều bất cập.

Dự án Đường giao thông nông thôn xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gồm 4 tuyến nhánh với tổng chiều dài hơn 2,5 km đường và 1,1 km mương, được đầu tư gần 11 tỷ đồng, do UBND xã Kỳ Hoa làm chủ đầu tư; Ban A thị xã Kỳ Anh quản lý; Công ty CPXD&TV Lam Hồng giám sát; đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Đại Thắng (trụ sở tại xóm 7, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Dự án mới hoàn thành khoảng 30% khối lượng, nhưng đã biểu hiện nhiều bất cập, nhà thầu ngang nhiên “rút ruột” công trình.

Ông Nguyễn Văn T, một người dân ở thôn Hoa Thắng, xã Kỳ Hoa, cho biết: Khi thi công hệ thống mương, họ phát hiện nhà thầu có hành vi “rút ruột” công trình. Cụ thể, theo thiết kế, kết cấu mương sử dụng thép phi 12, khoảng cách các vỉ đan = A20, gồm 18 thanh thép ngang, nhưng nhà thầu rút bớt số lượng thép còn 15 thanh. Bên cạnh đó, nhà thầu cố tình kéo giãn khoảng cách các vỉ sắt ra xa từ 20 - 40 cm để “ăn sắt”. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh việc gian lận của nhà thầu với ban giám sát, nhưng không ai đứng ra giải quyết.

Số lượng thép theo thiết kế kết cấu mương là 18 cây sắt phi 12, nhưng nhà thầu “ăn bớt” còn 15 cây

Điều đáng nói là trong khi Đoàn kiểm tra còn chưa kịp “đụng” đến công trình, thì đại diện nhà thầu và đơn vị giám sát đã “đầu thú”, thừa nhận các vỉ sắt bị thi công thiếu đúng như người dân phản ánh (?!).

Ghi nhận thực tế từ công trường cho thấy, toàn bộ dầm móng bê tông cốt thép đã bị rút bớt số lượng thép. Cụ thể, theo thiết kế: Phần đế lót đá dăm 4 x 6 dày 10 cm, nhưng bị nhà thầu “bớt xén” và chỉ rải đá lót sơ sài. Kết cấu mương 20 m mới tạo khe co giãn, nhưng thực tế tại hiện trường thi công, cứ khoảng cách 6 m nhà thầu lại cắt sắt tạo khe. Nghiêm trọng hơn, số lượng thép theo thiết kế phải đạt đủ 18 thanh thép phi 12 vỉ ngang, nhưng hiện trường cho thấy nhà thầu đã cố tình “ăn bớt” số lượng thép còn 15 thanh thép vỉ ngang.

Hệ thống đường giao thông với 4 tuyến dài hơn 2,5 km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV, gồm 3 lớp: Lớp 1 được đầm chặt bằng đất đồi đạt độ chặt K98; lớp 2 cấp phối đá dăm loại 2 dày 15 cm có bạt lót chống thấm; lớp trên cùng sử dụng BTXM mác 250# dày 20 cm. Tuy nhiên, ghi nhận từ hiện trường, dù đã thi công được một khối lượng lớn, nhưng thực tế cho thấy nhà thầu chưa đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật như hồ sơ thiết kế.

Bề mặt mương phần lớn bị rỗ trơ đá, hở “hàm ếch” nhưng nhà thầu “ngụy trang” bằng cách lấp đất khi chưa được Ban giám sát lập biên bản nghiệm thu

Cụ thể, phần nền đường còn gồ ghề, nhiều đoạn nhão nhoét, sụt lún cục bộ nghiêm trọng, nhưng nhà thầu vẫn cho công nhân tiến hành thi công trên nền đất yếu. Theo yêu cầu kỹ thuật, mặt đường kết cấu bê tông phải đạt mác 250#, nhưng khi nhà thầu sử dụng đá lép 2x4 bẩn và cát xấu trộn bằng máy múc thì liệu có đạt chất lượng như thiết kế?

Ngoài ra, theo Hồ sơ dự toán, công trường phải có biển cảnh báo nguy hiểm, bảng tỷ lệ cấp phối khối lượng, nhưng thực tế tại hiện trường thi công, nhà thầu đã cố tình “ăn bớt” những hạng mục cần thiết này.

Nhà thầu quá... “cứng đầu”!

Để phản ánh những bất cập tại dự án, PV đã liên hệ với đơn vị chủ đầu tư; đơn vị quản lý dự án và đơn vị giám sát công trình. Tại buổi làm việc với đại diện các đơn vị liên quan, tất cả đều thừa nhận, Dự án xây dựng đường giao thông nông thôn xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) đang xảy ra nhiều bất cập và cần đình chỉ, chọn nhà thầu có tâm và có năng lực để tiếp tục hoàn thành dự án đạt chất lượng theo đúng tiến độ.

Ông Đặng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) cho biết: Chủ đầu tư đã nhiều lần nhận được phản ánh từ người dân và ban giám sát cộng đồng. Theo đó, bản thân ông Cường đã có nhiều biện pháp ,nhưng phía nhà thầu không chịu hợp tác.

“Trong quá trình triển khai dự án, Ban quản lý cũng đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế, ngăn cản nhà thầu thi công đúng thiết kế, sử dụng đúng nguyên vật liệu đầu vào và nhất là không được “ăn bớt” vật liệu, nhưng nhà thầu vẫn cố tình làm sai” – ông Lê Viết Lanh, đại diện Ban Ban quản lý dự án bức xúc.

Trực tiếp giám sát hiện trường thi công là ông Dương Đức Thắng (đại diện đơn vị giám sát) cũng tỏ ra vô cùng bức xúc trước thái độ của nhà thầu. Ông Thắng cho biết, trong quá trình giám sát dự án, đơn vị này đã nhiều lần phát hiện sai phạm của nhà thầu và đã 4 lần lập biên bản về thiếu sắt, lót móng, đá cát không đảm bảo, song đại diện nhà thầu vẫn “chứng nào tật ấy” với thái độ bất hợp tác.

“Chúng tôi mong báo chí vào cuộc, phản ánh những bất cập tại công trình, chỉ rõ những sai phạm của nhà thầu, mong đình chỉ dự án và lựa chọn nhà thầu khác có tâm hơn” – ông Thắng bày tỏ nguyện vọng.

Cũng theo ông Thắng: Từ ngày đầu thi công đến nay, chúng tôi chưa ký bất kỳ một văn bản nào của nhà thầu như Nhật ký thi công, Hồ sơ vật liệu đầu vào... vì lý do chúng tôi kiểm tra và nhận thấy những vật liệu nhà thầu chở đến đều không đảm bảo chất lượng, nhà thầu thi công không theo thiết kế.

“Rút ruột” công trình là một khái niệm mang tính hình tượng để nói về tội phạm tham nhũng, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Đặc trưng của loại tội phạm "rút ruột" công trình là mang ý thức chủ quan, có tính tổ chức (thể hiện ở việc có sự chỉ đạo từ cấp trên tới những người chịu trách nhiệm thi công trên công trường...) để đạt được mục tiêu rút bớt vật tư (số lượng, khối lượng, chủng loại và công nghệ) nhằm rút tiền chia nhau, bù lại tiền "tiêu cực" trước đó, các đối tượng đã bỏ ra để “xin nguồn", giao thầu. Do vậy, "rút ruột" công trình được đánh giá là công đoạn cuối của một chuỗi tham nhũng trong xây dựng cơ bản.

Tình trạng "rút ruột" công trình không chỉ gây thiệt hại lớn tài sản cho Nhà nước, mà điều nguy hiểm ở chỗ có thể sẽ gây ra thiệt hại về tính mạng người sử dụng công trình.

Không đảm bảo hệ số an toàn, công trình bị “rút ruột” sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Khi thiết kế công trình, phải dựa trên các cơ sở tiêu chuẩn và số liệu tương ứng với hệ số an toàn nhất định. Công trình xây dựng bị "rút ruột" ở bất cứ hạng mục nào, sẽ làm suy giảm tới hệ số an toàn này, ảnh hưởng tới tuổi thọ, độ bền của công trình.

Trong điều kiện khai thác bình thường, có thể công trình chưa bộc lộ hậu quả của việc "rút ruột", nhưng khi xảy ra động đất, thiên tai… hệ số an toàn của công trình không được đảm bảo theo đúng thiết kế, sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như gây thiệt hại về tài sản, tính mạng con người...

Theo Điều 229 - Bộ luật Hình sự, trong quá trình thi công một công trình, căn cứ vào thiết kế, đơn vị thi công phải tuân thủ các quy định về việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu đã được xác định trong bản thiết kế, việc thay đổi nguyên liệu, vật liệu phải được sự đồng ý của bên thiết kế và chủ đầu tư; nếu bên thi công tự ý thay đổi việc sử dụng nguyên liệu,vật liệu là vi phạm và do việc thay đổi đó mà gây ra hậu quả thì người quyết định việc thay đổi đó phải chịu trách nhiệm.

Biểu hiện của hành vi này là bớt vật tư, thiết bị (sắt thép, xi măng…), thay thế vật tư, thiết bị chất lượng xấu hơn so với thiết kế (dùng vật liệu đá – cát loại 2 thay cho loại 1, dùng xi măng mác 200# thay cho xi măng mác 250#…), khi vi phạm điều này thì người có trách nhiệm liên quan có thể bị phạt tù từ 8 - 20 năm.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tác giả: Lưu Hà - Lê Mỹ

Nguồn tin: thuonghieucongluan.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP