Người đương thời

Hà Tĩnh: Người vợ cảnh sát biển chăm bố mẹ chồng bệnh nặng

Cưới nhau chưa được 3 ngày, đôi vợ chồng trẻ đã vội xa nhau để anh lên đường làm nhiệm vụ. Rồi bố mẹ chồng lần lượt đau ốm, người vợ trẻ từ bỏ giấc mơ làm cô giáo mầm non để ở lại quê nhà phụng dưỡng.

Chị là hậu phương vững chắc cho anh nơi đầu sóng ngọn gió
Chị là hậu phương vững chắc cho anh nơi đầu sóng ngọn gió

Sự hy sinh thầm lặng của người vợ trẻ đã góp phần tạo hậu phương vững chắc cho Trung úy Phạm Khả Đăng – Thuyền phó tàu 4033 (thuộc vùng 2 Cảnh sát  biển) đang thực thi nhiệm vụ trên biển Đông.
Ngôi nhà của Trung úy Phạm Khả Đăng (SN 1987)  nằm lọt thỏm nơi vùng gió lào cát trắng của thôn Bắc Dinh (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh). Chúng tôi có dịp trò chuyện với chàng Trung úy trẻ khi anh được nghỉ phép do mẹ đau yếu nặng (bố anh cũng bị bệnh hơn một 1 năm nay không thể tự chăm sóc). Khi chúng tôi đến cũng là lúc anh đang tranh thủ chăm sóc bố mẹ cùng người vợ trẻ. Anh chăm bố, còn chị chăm mẹ, họ phân công khéo léo công việc cùng nhau. Những câu chuyện dí dỏm, tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ khiến người xung quanh cũng vui lây. “Do công việc nên vợ chồng mình ít có điều kiện gặp nhau. Nhưng cứ gặp nhau là là cười suốt, nói chuyện thế này các cụ cũng khuây khỏa”, anh Đăng chia sẻ.

Tranh thủ nghỉ phép, anh Đăng chăm sóc bố mẹ cùng vợ
Tranh thủ nghỉ phép, anh Đăng chăm sóc bố mẹ cùng vợ

Tình yêu của vợ chồng anh chị được bắt đầu từ những năm tháng là sinh viên tại trường đại học. Vượt qua nhiều khoảng cách, đám cưới của họ cũng vừa được tổ chức trong dịp đầu năm 2014.
Quệt dòng mồ hôi, chị Nguyễn Thị Mận (SN 1989) – vợ Trung úy Phạm Khả Đăng ngượng nghịu kể lại chuyện những ngày đầu mới quen. Khi chị vừa bước vào năm 1 của trường Cao đẳng Sư phạm TW Nha Trang thì anh đang học năm thứ 5 của trường Đại học. Đến năm 2010, trong một lần giao lưu giữa các bí thư đoàn cơ sở, chị và anh mới có dịp làm  quen. Qua câu chuyện, họ mới ngớ ra khi biết quê gần nhau (chị Mận quê tại xã Thạch Văn cách nhà anh khoảng 4km), chị lại học cùng cậu em thứ 2 của anh Đăng. Từ chuyện những người đồng hương gặp nhau nơi quê hương khiến họ xích lại gần nhau hơn. Rồi từ những cuộc hẹn tình yêu cũng nảy nở tự khi nào. “Chưa một lần anh nói lời tỏ tình, nhưng chỉ nhìn ánh mắt anh lần đầu cầm tay là mình cảm thấy được tình cảm của anh dành cho mình…”, chị Mận chia sẻ.

Ảnh cưới của anh Đăng và chị Mận
Ảnh cưới của anh Đăng và chị Mận

Yêu nhau, nhưng thời gian dành cho nhau cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhất là khi anh Đăng ra trường về nhận nhiệm vụ công tác tại vùng 2 CSB tại tỉnh Quảng Nam. Nỗi nhớ và tình yêu chỉ có thể được gửi gắm qua những cuộc điện thoại. Để có thời gian ở gần chăm sóc anh, ra trường chị Mận xin công tác tại một trường mần non ở Đà Nẵng. Tuy gần nhưng thời gian gặp gỡ liên lạc cũng không được là bao. Chị Mận bồi hồi nhớ lại: “Những ngày lễ thấy bạn bè có người yêu đưa đi chơi nhiều khi mình cũng tủi. Đến một cuộc điện thoại cũng không thấy anh gọi về do đang bận làm nhiệm vụ. Có khi cả tháng trời 2 đứa không hề có  lấy thông tin liên lạc gì được với nhau. Ở đất liền vừa buồn nhưng cũng vừa lo và thương anh… Nhưng xác định yêu anh thì mình chấp nhận và mình cũng yêu luôn công việc của anh”.
Tháng 2/2014, sau hơn 4 năm yêu nhau, đôi bạn trẻ quyết định tổ chức đám cưới. Tổ chức đám cưới được 3 ngày, anh đã vội vàng vào đơn vị để nhận nhiệm vụ quan trọng, chị cũng vào công tác tại cơ quan. Đã quen với chuyện “gặp nhau lần nào cũng vội” nhưng người vợ trẻ vẫn không khỏi ngậm ngùi. Vừa vào công tác được 15 ngày thì được tin mẹ anh bị ốm nặng phải nhập viện Hà Nội. Nỗi lo lắng thêm chồng chất khi các em còn bận học xa, nhà 2 người ốm không ai chăm sóc. Thấy anh gọi điện lo nghĩ, không đắn đo, chị Mận quyết định xin nghỉ việc tại cơ quan về quê nhà chăm sóc bố mẹ chồng để anh yên tâm công tác.
Được biết, gia đình anh Đăng có bố là ông Phạm Khả Thảo (SN 1956) là thương binh 3/4, đang bị xuất huyết não không thể đi lại đã hơn 1 năm nay. Còn mẹ là bà Nguyễn Thị Tịnh (1963) đang bị ung thư da biểu bì mô di căn giai đoạn cuối, vết thương bị loét gần bằng bàn tay. Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc vợ chồng anh đang thay phiên nhau chăm sóc người thân.

Hạnh phúc khi được chia sẻ khó khăn cùng chồng
Hạnh phúc khi được chia sẻ khó khăn cùng chồng

Trước đây, nhà neo người, mỗi ngày, tự tay chị Mận rửa vết thương và sát trùng cho mẹ, vừa chăm sóc bố chồng. Chăm sóc hai người ốm trong nhà nhưng trên khuôn mặt chị không hề có sự mệt nhọc. Vừa trò chuyện, đôi tay chị vẫn thoăn thoắt băng bó vết thương cho mẹ chồng.
Nhìn cô con dâu trìu mến, bà Tịnh nói nhỏ với chúng tôi: “Thương con dâu tui lắm! Vừa xong đám cưới thì đã phải chăm sóc bố mẹ chồng bệnh tật. Nhưng chưa lần nào thấy nó than thở. Nhiều khi rửa vết thương cho tui mà sợ tui đau nên kể đủ chuyện cho tui nghe, thật may mắn khi ông trời cho tôi thêm đứa con gái thảo hiền”.
Khi chúng tôi hỏi về ước mơ làm cô giáo mầm non còn dang dở, chị Mận chia sẻ:  “Đó là ước mơ của em, nhưng điều hạnh phúc nhất của em cũng chính là được chia sẻ phần gánh nặng của anh để anh yên tâm công tác” .

Nghe tâm sự của vợ, Trung úy Phạm Khả Đăng không khỏi bùi ngùi xúc động. Hai ánh mắt gặp nhau rất nhanh, họ nhìn nhau hạnh phúc. Giữa muôn ngàn khó khăn, chính tình yêu và sự cảm thông là sức mạnh để họ cùng vượt qua những khó khăn ấy.
Hiện, anh Trung úy trẻ đã lên đường làm nhiệm vụ. Nơi đầu sóng ngọn gió anh thêm vững tin hơn bởi có một hậu phương vững chắc luôn sẻ chia với anh.

Phương Hồ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP