Kinh tế

Hà Tĩnh: Người trồng đào Xuân Sơn tất bật chuẩn bị vụ Tết Tân Sửu

Hơn một tháng trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, người trồng đào Xuân Sơn, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bắt đầu “chạy nước rút” các công đoạn để kịp phục vụ thú chơi đào cho người dân.

Tới xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh những ngày này chúng tôi cũng bị cuốn theo không khí làm việc nhộn nhịp của làng đào Xuân Sơn. Là một trong những vùng trồng đào nổi tiếng ở xã Cổ Đạm, thôn Xuân Sơn đang dần xây dựng được thương hiệu trồng đào của mình, ngay dưới chân núi Hồng Lĩnh. Giống đào phai được trồng ở đây có kiểu dáng đẹp, cánh thắm, hoa nở đúng mùa, chính vì vậy khi tới vườn đào dịp này bắt gặp khá nhiều khách hàng đến đặt cây.

Nghề trồng đào Tết như "đánh bạc" với thời tiết

Đến vườn đào phai của gia đình ông Hà Ngọc Trà thôn Xuân Sơn xã Cổ Đạm, vườn đào của ông Trà có diện tích 1,5ha với gần 1.000 gốc đào. Những cây đào hơn 3 năm tuổi trong vườn đã bắt đầu bung nở khoe sắc. Để có những gốc đào đẹp, nhiều hoa cung ứng trong dịp Tết, hơn 2 tuần nay, ngày nào ông Trà và con cháu cũng ra vườn đào, tất bật chăm sóc, theo dõi sát sao từng cây đào.

Theo ông Trà, do thời tiết năm nay ấm hơn (thời điểm tuốt lá) nên vườn đào của gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác dự báo sẽ cho một mùa đào bội thu. So với thời điểm này năm ngoái, năm nay thời tiết thuận lợi hơn.

Theo ông Hà Ngọc Trà - thôn Xuân Sơn - Cổ Đạm, đào nở sớm luôn được giá và đắt khách bởi số lượng không nhiều


"Năm ngoái, trung bình mỗi cành đào phai bán dịp Tết có giá từ 500.000 nghìn đồng đến cả triệu đồng, những gốc đào đẹp sẽ có giá từ 5 - 6 triệu đồng. Nếu như năm trước thu nhập của cả gia đình từ 200.000 - 350.000 triệu đồng thì năm nay thời tiết thuận lợi dự đoán sẽ thu được 450.000 triệu đồng nếu hoa nở đúng dịp Tết. Nghề trồng đào này như “đánh bạc” với thời tiết", ông Hà Ngọc Trà chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Minh ở thôn Xuân Sơn, một người trồng đào lâu năm ở xã Cổ Đạm cho biết, theo kinh nghiệm trồng đào phai lâu năm, ưu điểm của loại đào phai Xuân Sơn là dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không phải cầu kỳ trong việc uốn thế từng cành; cây đào phai lại phù hợp với thổ nhưỡng những vùng đất đồi bán sơn địa. Tuy nhiên, ngoài việc căn thời gian để bón phân, tuốt lá và ươm cây thì vấn đề thời tiết cũng quyết định lớn đến việc đào nở sớm hay muộn.

Ông Minh cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 400 gốc, chủ yếu phục vụ cho ngày Tết, trung bình mỗi gốc tôi bán cho khách từ 1 - 3 triệu đồng. Riêng năm ngoái, tôi đã bán gần 200 gốc với giá gần 400 triệu đồng. Với 400 gốc năm nay, nếu trúng mùa hoa tôi dự tính sẽ bán được trên 500 triệu đồng”.

“Đây là khoảng thời gian quan trọng nhất trong quá trình trồng đào, để hoa đào nở đúng dịp Tết thì người trồng cần am hiểu về kĩ thuật, cắt tỉa đúng thời điểm. Mặt khác, vấn đề thời tiết cũng góp phần để hoa đào có nở đúng dịp Tết hay không; hy vọng năm nay, thời tiết sẽ thuận lợi cho hoa đào nở trúng vụ xuân” - ông Minh cho biết thêm.

Những cây đào đang được tuốt lá để chờ ngày bung hoa. Công việc vất vả cả ngày, tiền công của những người làm công việc tuốt lá, làm cỏ… được khoảng 250.000- 350.000 đồng/người/ngày


Gặp chị Nguyễn Thị Hà (xã Cổ Đạm) đang tỉ mẩn tuốt từng chiếc lá, theo chị Hà, công đoạn tuốt lá không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng yêu cầu người làm phải thật cẩn thận, tránh làm gãy cành.

“Mỗi năm đến thời gian này chủ vườn cần người thì mình đi làm. Vào vụ mùa, đỉnh điểm nhất phải có hàng chục người làm mới xuể. Công việc này chỉ kéo dài tầm 10 ngày, tuốt hết lá là hết việc”, chị Hà chia sẻ.

Theo ông Phan Đình Ca - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - thôn Xuân Sơn hiện có gần 70% hộ dân trồng đào, và họ xem đây là loại cây trồng chủ lực, cho kinh tế cao,… Hiện tại xã đang vận động người dân để xây dựng vườn kiểu mẫu. Kế hoạch của xã là xây dựng loại hình dịch vụ, ngoài cho thu nhập kinh tế thì đây là điểm đến cho du khách tham quan trong và ngoài Tết. "Để phát triển hơn nữa, xã sẽ tiếp tục vận động bà con ở thôn Xuân Sơn và Kẻ Lạt chuyển sang trồng cây đào, vì đây là 2 vùng đất phù hợp cho việc trồng loại cây này"…, ông Phan Đình Ca cho biết thêm.

“Trái ngọt” phụ thuộc vào thời tiết

Xuân Sơn là vùng bán sơn địa, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào cây trồng hoa màu, nhưng với lợi thế vùng đất đồi nằm sát dưới chân núi Hồng Lĩnh, thổ nhưỡng hợp với cây đào phai nên nhiều hộ dân đã trồng đào cung ứng cho dịp Tết từ nhiều năm nay. Cây đào ở Xuân Sơn chủ yếu là giống đào phai tự nhiên, hoa có 5 cánh, màu phớt hồng, bắt mắt nên được nhiều người ưa chuộng.

Làm đào phải vất vả chăm sóc quanh năm, từ những ngày đầu ươm cây, ghép gốc, làm đất, tuốt lá... Thế nhưng “nghề trồng đào còn phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Chỉ sợ năm nào mùa đông ấm quá, hoa đào nở sớm không kiểm soát được, chúng tôi chỉ có mất Tết - công đoạn tuốt lá quyết định cây đào có nhiều hoa và nở đúng dịp Tết hay không", ông Hà Ngọc Trà, chủ vườn đào ở thôn Xuân Sơn chia sẻ.

Những nụ đào đua nhau khoe sắc thắm, báo hiệu một mùa bội thu...

Đến thời điểm này, các vườn đào trong thôn Xuân Sơn đã cơ bản hoàn thành giai đoạn tuốt lá, chuyển sang giai đoạn vun đất hoặc đánh cây vào chậu. Người mua đào lại về đây nườm nượp, mua lẻ, mua buôn đều có, người không mua cũng đến đây chụp ảnh, ngắm hoa, không khí Tết nhộn nhịp hơn bao giờ hết. "Năm nay thời tiết khá thuận lợi, đào không nở quá sớm nên người trồng đào bớt một nỗi lo. Chỉ mong giá đào vẫn bình ổn. Năm nay, Thủ tướng lại có “lệnh” cấm chặt đào rừng, những hộ trồng đào vườn như chúng tôi lại có thêm hy vọng về ngày Tết bội thu", ông Trà cười vui.

Với sự cần cù, sáng tạo, những người nông dân Xuân Sơn đã phủ kín vùng bán sơn địa cằn cỗi bằng những vườn đào đua nhau khoe sắc thắm trong những dịp Tết đến Xuân về. Nhìn thành quả sau một năm trời chăm sóc, ánh lên trong đôi mắt của những người nông dân nơi đây là hoa sẽ nở đúng dịp và bà con sẽ có một cái Tết ấm no. Cũng nhờ có tiền bán hoa đào mà nhiều gia đình được đón Tết đầm ấm sung túc hơn.

Thôn Xuân Sơn xã Cổ Đạm – huyện Nghi Xuân là vùng bán sơn địa, có khoảng 200 hộ với 800 nhân khẩu, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Theo người dân Xuân Sơn, vào những năm 1980 - 1983 những người nông dân vùng biển Vân Hải, xã Cổ Đạm đi xây dựng vùng kinh tế mới đã di cư đến chân núi Chọ Sim. Những năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, người dân thôn Xuân Sơn đã cải tạo đất đai, trồng cây hoa đào góp phần mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình mỗi năm thu về khoảng hơn 3 tỷ đồng.


Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công Thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP