Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Người dân mất quyền khám chữa bệnh BHYT thông tuyến

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Thông báo số 718/BHXH ngày 24/7/2017 đến toàn dân trên địa bàn tỉnh nếu đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải tự thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với cơ sở y tế và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Việc làm trên là trái với Luật khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) hiện hành và làm mất đi quyền lợi được khám bảo hiểm thông tuyến huyện trên toàn quốc của người dân Hà Tĩnh theo chủ trương của Nhà nước đã đề ra.

Một trong những bệnh viện tuyến huyện tại TP Vinh, Nghệ An.

Văn bản “độc quyền” làm “khó” người dân

Theo quy định mới về KCB BHYT thông tuyến huyện đã cụ thể hóa quy định khám chữa bệnh (KCB) thông tuyến được quy định tại khoản 3, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT kể từ ngày 01/01/2016. Người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc đang được nhân dân cả nước hân hoan tiếp nhận và thực hiện.

Tuy nhiên, ngày 19/7/2017 BHXH Việt Nam đã có Văn bản số 3005/BHXH-CSYT về việc thực hiện quản lý chi phí KCB BHYT đối với đa tuyến đi ngoại tỉnh gửi BHXH tỉnh Hà Tĩnh và BHXH tỉnh Nghệ An với nội dung: Từ khi thực hiện KCB thông tuyến huyện trong phạm vi cả nước thì chi phí KCB BHYT đa tuyến đi ngoại tỉnh tăng cao. Năm 2016, chiếm 48% quỹ KCB BHYT tăng 16% so với năm 2015, dự kiến năm 2017 chiếm 60%, các chi phí KCB đa tuyến ngoại tỉnh phát sinh chủ yếu tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, yêu cầu BHXH tỉnh Hà Tĩnh thực hiện: đối với trường hợp KCB thông tuyến tại bệnh viện tuyến huyện ngoài địa bàn tỉnh thì thanh toán theo quy định tại Điểm c, khoản 3, điều 22 Luật BHYT. Thực hiện thanh toán trực tiếp theo điều 16 Quyết định số 1399/QĐ BHXH ngày 22/12/2014.

Văn bản “độc quyền” của BHXH Hà Tĩnh.

Căn cứ vào chỉ đạo của BHXH Việt Nam, ngày 24/7/2017 BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã ra Thông báo số 718/BHXH đến toàn dân trên địa bàn tỉnh, kể từ ngày 01/8/2017, nếu đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải tự thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với cơ sở y tế và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Văn bản này BHXH Việt Nam cũng giao BHXH Nghệ An yêu cầu các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ và tổ chức giám định chặt chẽ chi phí KCB để BHXH tỉnh Hà Tĩnh làm cơ sở thanh toán trực tiếp cho người bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, chiều ngày 02/8/2017, tại văn phòng BHXH tỉnh Nghệ An, ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH Nghệ An đã chủ trì buổi làm việc giữa BHXH tỉnh với đại diện lãnh đạo 10 bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn TP Vinh. Với nội dung yêu cầu cụ thể: Đối với người có thẻ BHYT do BHXH tỉnh Hà Tĩnh phát hành có nơi KCB ban đầu tại các cơ sở KCB thuộc tỉnh Hà Tĩnh khi đi KCB thông tuyến (trừ trường hợp cấp cứu) tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn TP Vinh bao gồm: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP Vinh, BVĐK Cửa Đông, BVĐK 115, BVĐK Nguyễn Minh Hồng, BVĐK Đông Âu, BVĐK Thái An, BVĐK Thành An Sài Gòn, Bệnh viện Quốc tế Vinh, Bệnh viện mắt Sài Gòn và Bệnh viện răng hàm mặt Thái Thượng Hoàng thì các bệnh biện trên có trách nhiệm giải thích rõ cho người bệnh về quyền lợi được hưởng theo chế độ KCB BHYT và thu trực tiếp bằng tiền mặt của người bệnh; cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ các khoản chi phí theo quy định. Hướng dẫn người bệnh mang chứng từ về cơ quan BHXH huyện, thị xã, thành phố nơi cấp thẻ BHYT để được thanh toán trực tiếp theo quy định.

Biên bản làm việc giữa BHXH Nghệ An với đại diện 10 bệnh viện tuyến huyện tại TP Vinh.

Cũng tại buổi làm việc này, đại diện các bệnh viện trên đã buộc phải ký vào biên bản thực hiện do BHXH Nghệ An đưa ra.

Người dân “bỗng dưng” mất quyền KCB BHYT thông tuyến

Có mặt tại một số bệnh viện trên địa bàn TP Vinh, PV ghi nhận đến thời điểm hiện nay dù vẫn còn hơn 10 ngày nữa mới đến ngày thực hiện việc BHXH Nghệ An yêu cầu các bệnh viện thực hiện thu tiền mặt của bệnh nhân có đăng ký KCB ban đầu tại Hà Tĩnh nhưng đã có rất nhiều bệnh nhân từ Hà Tĩnh đến tìm hiểu vấn đề nêu trên.

Đưa vấn đề này trao đổi với ông Hoàng Đăng Hảo, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An ông Hảo cho biết: “Chúng tôi cũng mới chỉ nghe được thông tin của ngành BHXH Nghệ An yêu cầu các cơ sở KCB tuyến huyện trên địa bàn Nghệ An phải thu tiền trực tiếp của người dân Hà Tĩnh khi đến KCB. Chúng tôi chưa nhận được Văn bản chính thức về việc này. Còn về lĩnh vực quản lý ngành dọc, Sở Y tế Nghệ An yêu cầu các cơ sở KCB thực hiện đúng Luật KCB BHYT thông tuyến trên toàn quốc.”

Thế nhưng, khi tiếp xúc với bệnh nhân Lê Đức T, trú tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh vừa vào KCB tại một bệnh viện trên địa bàn TP Vinh cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên đi KCB BHYT ở TP Vinh. Dù chỉ là một nông dân, thu nhập chủ yếu của gia đình là từ việc làm ruộng và chăn nuôi. Nhưng vì sức khỏe mấy năm nay không tốt lắm nên năm nào tôi cũng phải trích tiền ra mua BHYT tự nguyện để khi đi khám bệnh nhằm giảm bớt được kinh phí. Trước đó khi chưa có Luật bảo hiểm thông tuyến, dù được hưởng phần trăm bảo hiểm ít hơn nhưng tôi vẫn đi KCB ở TP Vinh. Bởi chất lượng và thiết bị ở các bệnh viện ở đây tốt hơn, hiệu quả hơn bệnh viện ở huyện. Hơn nữa từ nhà tôi ra TP Vinh chỉ khoảng 25-30km gần hơn được nửa đường so với đi vào TP Hà Tĩnh. Sau khi có Luật thông tuyến KCB BHYT thông tuyến tôi vui mừng lắm vì mình được KCB tại nơi mình lựa chọn mà vẫn bảo đảm đầy đủ quyền lợi BHYT. Vậy mà giờ đây BHXH Hà Tĩnh đưa ra quy định người dân tại Hà Tĩnh khi đi KCB BHYT ngoại tỉnh phải thanh toán tiền trực tiếp cho bệnh viện ở Nghệ An rồi lấy hóa đơn chứng từ về Hà Tĩnh thanh toán thì làm khó người dân chúng tôi quá. Một năm làm ruộng, chăn nuôi lợn, gà chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và bớt lại ít tiền mua BHYT tự nguyện để KCB thì làm gì có sẵn tiền trong nhà để khi đi khám bệnh nộp tiền trực tiếp. Tới đây chỉ có cách khi nào chuẩn bị đi KCB ở TP Vinh đành mang mấy con gà, con lợn đang nuôi đi bán non để lấy tiền trả tiền chữa bệnh. Chữa bệnh xong mang thủ tục về BHXH Hà Tĩnh thanh toán rồi đi mua lại gà, lợn nuôi lại để có tiền thanh toán chi phí KCB lần sau.”

Một Giám đốc của một bệnh viện cấp huyện tại TP Vinh chia sẻ: “Để thực hiện Luật BHYT thông tuyến cấp huyện trên toàn quốc, bệnh viện chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư nhiều trang thiết bị cũng như đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn cao nhằm đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho người bệnh. Bởi theo Luật BHXH thông tuyến bệnh nhân được quyền lựa chọn cơ sở KCB tuyến huyện tốt nhất để KCB. Còn về quy định mà BHXH Việt Nam đồng ý cho BHXH tỉnh Hà Tĩnh áp dụng đối với người dân Hà Tĩnh khi đi KCB tại các bệnh viện Nghệ An phải nộp tiền trực tiếp thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Về phía bệnh viện nếu bệnh nhân vẫn có tin tưởng vào bệnh viện và đi KCB thì chúng tôi được thu tiền mặt trực tiếp cũng đỡ được phần nào giấy tờ thủ tục thanh toán. Bên cạnh đó, việc BHXH Nghệ An yêu cầu các bệnh viện ký vào biên bản và thực hiện thu tiền trực tiếp của người dân đến KCB chúng tôi phải thực hiện thôi. Nếu không thực hiện theo sẽ bị BHXH tỉnh cắt hợp đồng KCB BHXH thì chúng tôi biết làm sao. Nhưng về phía các bệnh viện, chúng tôi thấy liệu thực hiện như thế có đúng với Luật BHYT thông tuyến trên toàn quốc mà Nhà nước đã áp dụng trong thời gian vừa qua không?”

Một Giám đốc bệnh viện khác trên địa bàn TP Vinh cho biết: “Không thể chỉ vì phát sinh chi phí KCB đa tuyến ngoại tỉnh của BHXH Hà Tĩnh, phát hiện thấy các trường hợp trục lợi bảo hiểm mà đưa ra giải pháp riêng biệt làm mất đi quyền lợi được KCB BHYT thông tuyến trên toàn quốc được. Nếu qua công tác kiểm tra, xác minh phát hiện cơ sở nào sai thì xử lý cơ sở đó sao lại đổ lên đầu dân.”

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Quang Hợp – Phi Long

Nguồn tin: Báo Điện tử xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP