Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Người dân bị đẩy vào thế khó khi thuê đất lâm nghiệp, chịu thiệt nhưng vẫn phải chờ?

Sau nhiều năm được duyệt hồ sơ, bàn giao mốc thực địa thậm chí đóng tiền lệ phí giao đất giao rừng nhưng người dân vẫn phải chờ…

“Rối như canh hẹ”

Theo hồ sơ vụ việc, ông Phan Công Sửu cùng các hộ dân Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Tiến Thắng (trú tại xã Kỳ Hưng cũ - huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh, nay là phường Hưng Trí - Thị xã Kỳ Anh) vào năm 2012 đã có đơn gửi UBND xã Kỳ Hưng xin được giao đất, giao rừng để bảo vệ, phát triển kinh tế.

Sau khi tiếp nhận tờ trình phê duyệt phương án giao đất, cho thuê đất cùng tham mưu của các cơ quan chức năng, ngày 14/7/2014 UBND huyện Kỳ Anh đã ban hành QĐ 6314/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án giao đất cho thuê đất, gắn với giao rừng cho thuê, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho hộ gia đình, các nhân xã Kỳ Hưng.

Chưa thu hồi nhưng chính quyền đã tiến hành thủ tục cho thuê đất...


Đến ngày 06/3/2015, UBND xã Kỳ Hưng đã lập biên bản tạm giao đất trên thực địa cho các hộ: Nguyễn Văn Vũ, Phan Công Sửu, Nguyễn Văn Danh và Nguyễn Tiến Thắng với số lô và diện tích cụ thể.

Sự việc những tưởng đơn giản và các hộ dân sẽ được nhận đất rừng và trồng cây, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vì sự tắc trách của chính quyền sở tại đã khiến người dân lâm vào thế khó.

Theo đó, toàn bộ diện tích 11,4 ha được chính quyền xã Kỳ Hưng cũng như các đơn vị chức năng xác nhận, lập hồ sơ giao đất, giao rừng lại trùng trên diện tích ông Nguyễn Văn Túy đang sử dụng (có hợp đồng với Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh trước đó). Tại Quyết định số 1777/QĐ-UBND về việc thu hồi 2.648,8 ha đất do Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh đang quản lý sử dụng và giao cho địa phương quản lý, lập phương án giao đất gắn với giao rừng cho người dân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; thì toàn bộ diện tích 11,4 ha của ông Túy đương nhiên phải thu hồi.

Về nguyên tắc, chính quyền sở tại sẽ tiến hành các thủ tục để thu hồi lại 11,4 ha đất rừng nói trên rồi mới tiến hành các thủ tục khác để người dân thuê lại. Tuy nhiên, vì lý do “nào đó” nên quy trình này bị bỏ quên. Điều đó khiến việc “đòi” đất sản xuất của các hộ dân “rối như canh hẹ”

Dân cam lòng chịu thiệt và sự lúng túng kỳ lạ của chính quyền

Lý giải về việc chưa thu hồi đất của hộ ông Nguyễn Văn Túy nhưng vẫn lập hồ sơ đất, bàn giao thực địa cho các hộ dân khác, ông Nguyễn Đình Tài - Chủ tịch UBND phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) cho rằng: “Khi đầu họ (ông Túy - PV) chưa trình hợp đồng, mà xã cũng không biết là có hợp đồng”. Và có thể chính vì sự “không biết” này của chính quyền địa phương đã khiến sự việc những tưởng đơn giản nhưng không được xử lý dứt điểm.

“Ngoài việc thu hồi diện tích 11,4 ha thì đó là trách nhiệm của địa phương. Chúng tôi sẵn sàng góp tiền hỗ trợ ông Túy để ông trả lại đất. Tuy nhiên, khi chúng tôi đã được cấp có thẩm quyền duyệt hồ sơ, bàn giao mốc thực địa thậm chí đóng tiền lệ phí giao đất giao rừng thì giờ phải chờ đợi, rồi đề nghị chọn vị trí khác. Trong khi đó, việc ông Túy không chịu bàn giao đất là đang chống đối quy định thì không bị xử lý…” - ông Nguyễn Tiến Thắng - 1 trong 4 hộ dân được lập hồ sơ giao đất, bức xúc nói.

Các hộ dân chờ đợi trong mòn mỏi để được giao đất sản xuất.


Được biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh hay các hướng dẫn xử lý của Sở TNMT Hà Tĩnh về việc xử lý thanh lý hợp đồng với hộ ông Nguyễn Văn Túy: Xem xét giải quyết quền lợi (nếu có) cho hộ ông Nguyễn Văn Túy đảm bảo theo quy định; tổ chức vận động, thuyết phục ông Nguyễn Văn Túy bàn giao toàn bộ khu đất 11,4 ha cho UBND xã Kỳ Hưng (nay là phường Hưng Trí) quản lý. Trường hợp ông Nguyễn Văn Túy không thực hiện, tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo là vậy song mới đây nhất, UBND thị xã Kỳ Anh đã có báo cáo số 2510/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc báo cáo kết quả và một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại. Báo cáo nêu, quá trình cưỡng chế đất của ông Túy gặp khó khăn vì chưa có nguồn kinh phí để trả; các hộ dân ông Sửu, ông Vũ, ông Thắng không đồng ý nhận vị trí khác…

Đồng thời UBND thị xã Kỳ Anh đề nghị cho phép UBND thị xã dùng ngân sách để trả cho ông Túy, thông báo với các hộ dân ông Sửu, ông Vũ và ông Thắng phối hợp để giao đất ở vị trí khác. Trường hợp các hộ này không đồng ý, chính quyền chấm dứt việc xem xét nhu cầu giao đất sản xuất nông nghiệp, đề nghị UBND tỉnh từ chối chấp nhận đơn có liên quan.

Trước nội dung báo cáo này, ông Phan Công Sửu, bức xúc: “Rõ ràng là chính quyền đang phủi hết những việc họ đã làm. Từ việc lập hồ sơ, giao thực địa hay thu tiền phí giao đất giao rừng. Tại sao đã giao cho chúng tôi tại vị trí đó, giờ lại yêu cầu chúng tôi phải đi ở vị trí khác?...”.

Ông Nguyễn Tiến Thắng trao đổi thông tin với phóng viên.


Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyễn Tiến Thắng, cho rằng: “Việc đền bù cho ông Túy chưa thật đúng. Vì thời điểm năm 2019, đích thân ông Túy đã ký vào biên bản với UBND xã Kỳ Hưng về việc không trồng lại rừng trên diện tích đã thu hoạch, giờ ông tự ý trồng, tại sao nhà nước lại dùng ngân sách trả? Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền để hỗ trợ cho ông Túy để chính quyền thu hồi đất và sớm bàn giao cho chúng tôi sản xuất. Đảm bảo quyền lợi của các hộ sau cả chục năm chờ đợi”.

Vấn đề được đặt ra là cho dù bị đẩy vào thế khó khi thuê đất lâm nghiệp nhưng người dân chấp nhận chịu thiệt để được nhận đất phần nào thể hiện được sự đồng hành, hỗ trợ đối với chính quyền sở tại. Bên cạnh đó, để đáp lại "thiện chí" của người dân, UBND phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh cần sớm đưa ra phương án giải quyết khẩn trương về quyền lợi và nguyện vọng của các hộ dân chứ không phải là sự lúng túng kéo dài một thập kỷ.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Nguyễn Nam

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP