Người đương thời

Hà Tĩnh: Người cựu binh 40 năm canh giữ nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài

Gần 10 năm gắn bó trong Quân đội, ông Lê Đăng Đại ở Khối phố 7 phường Đại Nài- TP Hà Tĩnh từng tham gia chiến đấu tại nhiều mặt trận trên đất nước Lào. Trở về cuộc sống đời thường, ông lại dồn hết tinh thần, trách nhiệm để ngày đêm bảo vệ, chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài. Việc làm thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa đó thể hiện tình cảm, tấm lòng và sự tri ân cao cả của ông với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Chân dung ông Lê Đăng Đại người quản trang nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài, TP Hà Tĩnh.

Gặp chúng tôi tại nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài, mặc dù khá bận rộn với công việc quét dọn, làm cỏ, nhưng ông Lê Đăng Đại vẫn giành chút thời gian tiếp chuyện. Ông cho biết, năm 1949 tôi lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 290 Quân khu IV. Sau một thời gian huấn luyện, năm 1951, ông được điều động vào Đại đội 50, Tiểu đoàn 291 trực tiếp sang Lào tham gia kháng chiến chống Pháp. Những địa danh như: Na Pê, Lạc Xao, Căm cớt, Khăm muộn.v.v..từng in đậm dấu chân và những chiến công oanh liệt của ông cùng đồng đội.

Những năm 1952- 1953, nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với cách mạng 2 nước có chung dãy Trường Sơn là cùng chiến đấu chống Thực dân Pháp xâm lược. Giúp bạn là tự giúp mình. Chiến đấu trên đất nước Lào tuy gian khổ, hiểm nguy nhưng đổi lại tình cảm, tấm lòng của quân dân nước bạn đối với quân tình nguyện Việt Nam là vô cùng sâu nặng. Các bản làng của bộ tộc Lào luôn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, chở che cho bộ đội Việt Nam đánh giặc. Hàng chục năm trôi qua nhưng tình cảm đó mãi mãi khắc sâu vào trái tim ông không bao giờ phai nhạt – Ông Đại tự hào chia sẻ.

Dù đã tuổi đã cao sức đã yếu nhưng ông vẫn hàng ngày cần mẫn với công việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.

Lăn lộn nơi chiến trường đạn bom khói lửa, ngày trở về quê hương dù mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh, nhưng ông Lê Đăng Đại vẫn tiếp tục tham gia hoạt động ở xã Thạch Hoà nay là phường Đại Nài- TP Hà Tĩnh. Từng phụ trách công tác giao thông thuỷ lợi và chính sách xã hội tại địa phương, có lẽ ông là người thấu hiểu hơn ai hết về những đóp góp lớn lao, sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, những gia đình có công với cách mạng. Để đền đáp công ơn đó, ông đã tự nguyện xin cấp uỷ, chính quyền  nhận quản lý và chăm lo hương khói tại Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài từ năm 1976 đến nay.

Hình ảnh nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài TP Hà Tĩnh

Nhà ở gần nghĩa trang, ngày nắng cũng như mưa, ngày thường cũng như dịp lễ, tết ông Lê Đăng Đại thường xuyên thức khuya, dậy sớm và có mặt tại đây để quét dọn, cắt cỏ xung quanh từng ngôi mộ. Ngoài công việc bảo vệ ông còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ các thân nhân liệt sĩ mỗi lần đến dâng hương tại nghĩa trang.

Suốt thời trai trẻ cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho tình hữu nghị Việt- Lào mãi bền vững, xanh tươi. Hôm nay, khi tuổi về già vợ chồng ông Lê Đăng Đại bà Dương Thị Quế lại sống một cuộc sống giản dị, đầm ấm trong ngôi nhà nhỏ. Hạnh phúc của 2 ông bà thật giản đơn. Tài sản vô giá mà bấy lâu nay cả 2 người cùng nâng niu, gìn giữ đó chính là những hồ sơ, tài liệu về các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài.

Việc ông Đại cẩn trọng lưu giữ hồ sơ là để biết được liệt sĩ nào vừa được quy tập về nghĩa trang, phần mộ nào đã được gia đình, người thân cất bốc đưa về quê an táng. Lần giở từng trang giấy, dường như mỗi dòng chữ trong từng bộ hồ sơ đã trở nên thân thuộc với ông. Những thông tin liên quan đến các anh hùng liệt sĩ ông có thể cung cấp ngay cho tất cả mọi người. Thấu hiểu công việc thầm lặng, nhưng đầy ý nghĩa đó, bà Quế luôn tự hào và động viên ông Đại tiếp tục gắn bó với nghĩa trang, đem tâm nguyện của mình phục vụ nhiều hơn cho xã hội.

Làm công việc quản trang, mặc dù khoản tiền phụ cấp không đáng kể, nhưng ông Lê Đăng Đại làm việc trước hết vì nghĩa cử cao đẹp với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, chứ không hề nghĩ tới lợi lộc. Không ít lần, vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau nên ông đã phải tự tay cấp táng cho nhiều hài cốt liệt sĩ được khai quật từ các chiến trường trở về. Mỗi lần chăm sóc, dâng hương bên bia mộ, ông như được gần hơn với đồng đội của mình, những người một thời đã cùng ông xung phong nơi tuyến lửa.

Các phần mộ liệt sĩ tại Núi Nài được vệ sinh 2 lần / ngày

Ông Lê Văn Tý – Chủ tịch Hội CCB  phường Đại Nài- TP  Hà Tĩnh cho biết: “Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cuộc sống, sinh hoạt của ông Đại bà Quế không dư giả, nhưng cả hai ông bà đều luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua mà cấp uỷ, chính quyền và Hội Cựu chiến binh phát động. Từ việc hiến đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình hạ tầng đến ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu, được Hội CCB các cấp ghi nhận, đánh giá cao”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Xuân Linh – Phó phòng Lao động Thương binh& Xã hội TP Hà Tĩnh nói với giọng đầy cảm phục: “Sau bao năm gắn bó với nghĩa trang thì phần thưởng cao quý mà cựu binh Lê Đăng Đại có được hôm nay không chỉ là những danh hiệu thi đua do các cấp, ngành trao tặng; mà niềm vui, động lực lớn nhất của ông đó chính là sự kính trọng, tin tưởng của mọi người. Việc làm đó đã góp phần rất lớn cùng với cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn công tác chính sách xã hội và đặc biệt là truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.

Cảm Sơn- Núi Nài, mảnh đất năm xưa từng mang trên mình những hố bom chi chít, giờ đã hồi sinh. Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài xanh màu xanh của hoa lá, cỏ cây đang vươn mình trỗi dậy. Dưới bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ông Lê Đăng Đại, cả không gian nghĩa trang như đang ru giấc ngủ nghìn thu cho vong linh các anh, những người đã một thời dũng cảm chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Hàng chục năm lặng lẽ, âm thầm canh giữ nghĩa trang, việc làm của CCB Lê Đăng Đại ở phường Đại Nài thật ý nghĩa và xúc động trong trái tim mọi người.

           Quang Toản

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP