Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh: Yêu cầu cấp thiết!

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 1.225 giáo viên (GV) dạy bộ môn Anh văn ở cả 3 cấp học (tiểu học: 240, THCS: 652 và THPT: 333). Đội ngũ GV cơ bản có trình độ từ cao đẳng đến đại học.

Tuy nhiên, kể từ khi Bộ GD&ĐT triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ theo khung châu Âu đã nẩy sinh nhiều băn khoăn, lo lắng về năng lực ngoại ngữ của GV tiếng Anh, nhất là kỹ năng nghe, nói.


Hiện nay, các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đang dạy học 2 ngoại ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng hầu hết số học sinh (HS) bậc học phổ thông, từ cấp tiểu học đến THCS, THPT đều học tiếng Anh; còn tiếng Pháp chỉ dạy ở trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Cụ thể, chương trình tiếng Anh tự chọn bắt đầu từ lớp 3 (học 2 – 3 tiết/tuần) tại hầu hết các trường tiểu học; chương trình tiếng Anh thí điểm bắt đầu từ lớp 3 với 4 tiết/tuần ở một số trường tiểu học; chương trình tiếng Anh ngoại ngữ 1 (7 năm) bắt đầu từ lớp 6.


Qua kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh cho thấy, tỷ lệ HS có điểm trung bình trở lên trong những năm gần đây có chiều hướng tăng. Nếu như năm 2006-2007 là 28,95% thì đến nay, tỷ lệ đó chiếm hơn 70%.


Tuy nhiên, thực tế đáng lo ngại hiện nay là việc áp dụng các giáo trình dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học hiệu quả không cao, khiến các bậc phụ huynh và HS không khỏi băn khoăn. Đa số HS sau những năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông đều không sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp. Một số cuộc khảo sát xã hội gần đây cho thấy kết quả đáng lo ngại. Đó là sau khi học hết THCS (lớp 9), HS chỉ có thể nghe nói được những thông tin cơ bản như chào hỏi, tên tuổi, chứ không thể kể lại được một mẩu chuyện ngắn.


Cũng theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phần lớn GV dạy tiếng Anh trong các nhà trường đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhưng việc giảng dạy chủ yếu nặng về ngữ pháp; kỹ năng thực hành nói và nghe còn hạn chế. Phần lớn GV đang giảng dạy tiếng Anh cấp tiểu học được đào tạo để dạy cấp THCS và THPT. Ngoài ra, nhiều GV lớn tuổi, GV không được đào tạo cơ bản khó đáp ứng với xu thế dạy và học ngoại ngữ trong tình hình mới.


Bên cạnh những khó khăn đó, cơ sở vật chất của các nhà trường, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó khăn chưa đáp ứng được về trang thiết bị cho việc giảng dạy bộ môn ngoại ngữ. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, các nhà trường đều nối mạng Internet nhưng chưa có các chương trình dạy học tiếng Anh E-Teacher, các thiết bị tối thiểu như đài, băng đĩa CD nếu có thì cũng đã cũ hoặc hư hỏng. Các phần mềm dạy ngoại ngữ gần như chưa có và phòng học ngoại ngữ riêng cùng các thiết bị hỗ trợ như: máy tính, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, bảng thông minh vẫn chỉ là ước mơ của các GV dạy bộ môn ở hầu hết các nhà trường.


Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, cuối năm 2012, UBND tỉnh đã có Quyết định 3422 về việc phê duyệt đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2020. Mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2012-2016, phấn đấu 80% GV tiếng Anh bậc tiểu học và THCS đạt trình độ B2, 80% GV tiếng Anh bậc THPT phải đạt trình độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu. Giai đoạn 2016-2020, 100% GV đạt chuẩn, đầu tư đầy đủ trang thiết bị cho việc dạy ngoại ngữ ở các trường; hoàn thành chương trình tiểu học đạt trình độ bậc A1, tốt nghiệp THCS đạt trình độ A2, tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc B1.


Việc triển khai thực hiện đề án đã được Sở GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt. Ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã có sự liên hệ với hội đồng khảo thí Cambridge tổ chức rà soát lại chất lượng đội ngũ, trình độ GV tại các cấp học để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực. Theo quy định của đề án, GV tiểu học và THCS phải có trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu, THPT có trình độ C1. Nhưng thực tế kỹ năng nghe và nói của hầu hết các GV trên địa bàn đều chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đạt chuẩn. Vì thế, cuộc sát hạch vừa qua là cơ sở để chúng tôi xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ GV”.


Từ các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuẩn, đến nay, bậc tiểu học có 39/240 GV đạt trình độ B2; 41/652 GV THCS đạt trình độ B2; ở bậc THPT có 7/333 người đạt trình độ C1. Cũng trong năm học này, từ việc phối hợp với Trường Đại học Vinh, đã có thêm 8 lớp với hơn 200 GV được bồi dưỡng, nâng chuẩn theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ.


Cùng với việc triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh theo lộ trình đã định, sắp tới, Sở GD&ĐT cũng sẽ tổ chức rà soát để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho GV dạy các môn khoa học tự nhiên tại Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh để triển khai chương trình dạy học một số môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Tin bằng tiếng Anh cho HS, phấn đấu đến năm 2020 có 100% GV dạy các môn tự nhiên ở Trường Chuyên Hà Tĩnh dạy HS bằng tiếng Anh.

Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh: Yêu cầu cấp thiết!

Sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: Thúy Ngọc

Dẫu thời gian triển khai đề án chưa lâu và những băn khoăn về chuẩn GV tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu đang là vấn đề chung của ngành Giáo dục trên địa bàn cả nước, nhưng những con số phản ánh thực tế số GV tiếng Anh đạt chuẩn đã minh chứng cho thực trạng về chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh nhà. Sự hạn chế của thầy, cô trong các kỹ năng nghe, nói… sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng và việc tiếp thu của các HS.


Những hạn chế trong sử dụng tiếng Anh giao tiếp của các em chủ yếu cũng bắt nguồn từ đó trong khi yêu cầu về ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập ngày càng cao – đặc biệt là đối với tỉnh ta – một tỉnh có tiềm năng phát triển KT-XH, có nhiều điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh đã trở thành vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay.


Cùng với ý thức tự giác của các thầy, cô giáo trong vấn đề tự học tập, ôn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì công tác quản lý, chỉ đạo dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường cũng cần phải đổi mới. Bởi thực tế chương trình, tài liệu dạy học bộ môn này trong các nhà trường chưa ổn định, thiếu đồng bộ trong dạy học và kiểm tra đánh giá qua các kỳ thi. Ở một số phòng giáo dục còn thiếu cán bộ chuyên viên phụ trách.


Trong quá trình tìm hiểu về thực trạng việc dạy và học bộ môn này, tôi cũng đã tình cờ được một người đồng nghiệp chia sẻ niềm tâm sự của một cô giáo dạy tiếng Anh có trình độ đạt chuẩn và có năng lực thực sự đã được nhận về theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Nhưng điều đáng tiếc là cuối cùng, cô giáo ấy đã rời bỏ bục giảng vào Sài Gòn lập nghiệp, bởi nguyện vọng được giảng dạy ở môi trường vùng trung tâm của cô không được cân nhắc, xem xét.


Vẫn biết việc giảng dạy ở những ngôi trường chất lượng ở vùng trung tâm đô thị là ước nguyện của hầu hết các GV, nhưng để nâng cao chất lượng dạy và học, ngoài việc thực hiện tốt đề án, chú trọng các hoạt động học tập, ôn luyện để nâng cao trình độ thì việc đãi ngộ, thu hút nhân tài cũng rất cần thiết.


Anh Thư

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: cấp thiết , yêu cầu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP