Kinh tế

Hà Tĩnh muốn giảm phụ thuộc vào Formosa

Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Tĩnh sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa.

Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Tĩnh sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa (Ảnh: Xuân Sinh).

Theo báo cáo quy hoạch giai đoạn 2011-2019, Hà Tĩnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,53%/năm, luôn ở mức cao hơn trung bình cả nước (6,51%/năm).

Trừ năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh trong các năm (từ 2011-2019) đều đứng đầu so với các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng vọt trong giai đoạn 2011-2019, từ mức 23,7 nghìn tỷ đồng (năm 2011) lên 77,84 nghìn tỷ đồng (năm 2019) và chiếm hơn 1% tổng GDP cả nước.

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm có xu hướng tăng cao trong giai đoạn 2011-2019, từ mức 3,02 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên 13,78 nghìn tỷ đồng năm 2019. Trong giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm là 22,13%.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Tĩnh thừa nhận, việc tăng trưởng thực tế của thời kỳ vừa rồi chưa phải xuất phát từ nội lực của tỉnh mà phần lớn là nhờ Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa đầu tư thiết bị, máy móc, vật tư để xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó là nguồn đầu tư của nhà nước cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) và giải phóng mặt bằng mỏ sắt Thạch Khê ở huyện Thạch Hà.

Chính vì vậy, trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Tĩnh muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường sự hiện diện của những ngành đang và có lợi thế như du lịch, logistic để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa.

Hà Tĩnh sẽ ưu tiên phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm: công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch.

Theo lãnh đạo tỉnh, để đạt được kế hoạch này, tỉnh sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như: điều kiện tự nhiên, hệ thống hạ tầng dù đã được đầu tư trong giai đoạn 2011-2019 song chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; thiếu hụt lao động có kỹ năng; sự cạnh tranh trong huy động nguồn lực; thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh trật tự...

Bản quy hoạch của tỉnh Hà Tĩnh nhận được 25 ý kiến đồng ý, trong đó có một ý kiến đồng ý hoàn toàn, không bổ sung; 24 ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số điểm.

Tại buổi thẩm định quy hoạch ngày 23/3 ở Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu tập trung quá lớn vào Formosa có thể sẽ gặp những rủi ro cao. Hà Tĩnh phải có hướng đi tự chủ, độc lập cao hơn, nếu phụ thuộc thì cần phải tính toán lại.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Hà Tĩnh trước hết phải dựa vào những tiềm năng sẵn có, xác định lại các ngành kinh tế để chọn ra mũi nhọn, không phát triển dàn hàng ngang.

Năm 2008 Tập đoàn Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh ở các hạng mục như nhà máy luyện gang thép, cảng nước sâu với tổng đầu tư là 28,5 tỷ USD (giai đoạn một hơn 12 tỷ USD), thời gian thuê đất 70 năm.

Từ năm 2017, lò cao sản xuất phôi thép của công ty đã đưa vào vận hành, công suất hàng năm từ 5-7 triệu tấn. Mỗi năm Formosa đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Tháng 6/2016, Formosa đã gây ra sự cố môi trường biển dọc các tỉnh miền Trung, phải bồi thường 500 triệu USD.

Đến cuối tháng 6/2020 Formosa Hà Tĩnh khắc phục xong lỗi cuối cùng (lỗi thứ 53, chuyển đổi công nghệ dập cốc từ ướt sang khô theo cam kết với Chính phủ Việt Nam) sau sự cố môi trường biển năm 2016.

Tác giả: Xuân Sinh

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP