Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Một gia đình cách mạng cần sự giúp đỡ

Là một người làm báo đã đi và tiếp xúc nhiều nơi, nhưng một trong những hoàn cảnh đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ đó là gia đình ông Nguyễn Khải Hoàn ở thôn 3 Phúc Hòa- Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Khải Hoàn sinh năm 1929 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Lớn lên, ông đã chứng kiến cảnh nước mất, người dân phải làm kiếp ngựa trâu cho bọn đế quốc, phong kiến. Nhưng rồi cách mạng Tháng Tám thành công, Tổ Quốc Việt Nam bước sang mội thời kỳ mới của lịch sử. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ kính yêu, ông Hoàn đề tham gia cách mạng để trực tiếp chiến đấu, nhưng vì tuổi nhỏ nên đến năm 1947, ông mới được tổ chức chấp thuận đảm nhận các trọng trách hoạt động cách mạng tại An Toàn Khu (ATK).

Trong thời gian hoạt động tại đây, ông Hoàn đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí của mình tham gia in ấn tiền quốc gia lúc bấy giờ.Tuy công việc như thế, nhưng ông Hoàn vẫn muốn được trực tiếp chiến đấu. Năm 1954, do yêu cầu của chiến trường, ông được chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Hình ảnh căn nhà nơi bà Cảnh đang sống.

Trong trận quần nhau quyết liệt với địch tại đồi A1 để kết thúc chiến dịch dành chiến thắng, ông Hoàn bị thương nặng, sức ép của bom đã làm ông bị điếc cả hai tai, đạn nằm trong đầu không mổ được. Hòa bình lập lại, sau khi tham gia tiếp quản Thủ đô, ông Hoàn được điều về công tác tại Phòng Chính trị Quân Y viện 103 cho đến khi được Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí tại quê nhà.

Trong suốt cuộc đời, ông phấn đấu, hy sinh và trung thành với sự nghiệp cách mạng. Để ghi nhận công lao của ông, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng: Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng nhất, Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên Phủ, Kỉ niệm chương vì sự nghiệp tài chính Việt Nam. Là một thương binh nặng, vết thương đã làm cho ông đau đớn khi trái gió trở trời. Năm 1991, ông đã từ giã gia đình về nơi thiên cổ, để lại vợ yếu và hai con.Theo chúng tôi được biết, ông mất vào thời điểm trước năm 1995. Vì vậy, không được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Khi tiếp xúc với gia đình, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến bà Nguyễn Thị Cảnh 86 tuổi nằm liệt giường vì căn bệnh tai biến mạch máu não đã mấy năm trời. Được biết bà Nguyễn Thị Cảnh sinh năm 1930, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng.

Căm thù giặc Pháp tàn phá quê hương, đất nước, năm 1947 bà đã tham gia lực lượng du kích của xã, dũng cảm trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương. Bà đã từng là đại biểu Hội đồng nhân dân xã và là Ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ xã được tín nhiệm điều lên làm công tác phụ nữ của huyện. Năm 1956, hòa bình lập lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa được 2 năm, do yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bà được cử đi học lớp nữ hộ sinh, học xong được điều động về làm nhiệm vụ hộ sinh tại xã.

Bà đã được Đảng và Nhà nươc tặng thưởng Huân chương kháng chiến, danh hiệu phụ nữ ba đảm đang – ba sẵn sàng. Một điều đáng quý trọng nữa là suốt cuộc đời đi theo cách mạng, bà Nguyễn Thị Cảnh là tấm gương sáng cho gia đình và mọi người học tập… Đối với công việc xã hội, bà là người tận tụy, đối với gia đình bà là người vợ hiền thủy chung, là người mẹ suốt đời hy sinh vì các con.

Ông, bà sinh được hai người con, người con đầu là Nguyễn Đức Tâm sinh năm 1961 bị tai nạn lao động, hiện tại bị liệt không đi lại được. Con thứ hai là Nguyễn Thị Bích Thảo sinh năm 1966 đi làm ăn xa ở phía Nam. Theo chị Thảo thì hiện nay, chị phải nghỉ không hưởng lương để chăm sóc cho mẹ già đau ốm. Nhìn túp lều xơ xác, cửa sổ không có gì che, tường xung quanh được xây bằng gạch tạp lô không da trát, mùa hè khi nhiệt độ cao thì nóng như nung, mùa đông khi gió mùa đông bắc tràn vào qua cửa sổ thì lạnh như dao cứa.

Hình ảnh cánh cửa sổ mục nát nơi bà Cảnh đang sống.

Trong nhà không có một thứ tài sản gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ được kê trên nền đất không có gạch lát. Hoàn cảnh thật sự neo người và kinh tế thật sự khó khăn. Hai mẹ con đã dắt nhau đi khắp các bệnh viện trong tỉnh hằng năm trời để điều trị bệnh cho bà, nhưng vì tuổi già sức yếu, không có tiền chạy chữa thuốc thang vì thế mà bệnh tình không thuyên giảm.

Chị Thảo tâm sự: “Có lúc mẹ tỉnh táo mẹ chỉ ước mong có một ngôi nhà nhỏ, xung quanh tường được quét vôi, dưới sàn lát gạch để mùa hè nằm cho đỡ nóng. Những năm trước, mẹ có để dành được một ít tiền để xây mộ cho cha, nhưng đã chi vào việc điều trị bệnh, nay không còn nữa. Cả cuộc đời của cha mẹ phấn đấu, hy sinh vì cách mạng, vì Đất nước, vì Tổ quốc, sống thanh bạch, hiền từ, thật thà sao cuối cuộc đời lại gặp những điều không may, tuổi già cô đơn, nghèo khổ”.

Chia tay hai mẹ con, chúng tôi ra về, trong lòng nặng trĩu những nỗi niềm khó tả….!

Thông qua bài viết này, chúng tôi thiết tha kính đề nghị UBND xã Đức Đồng cùng với các ngành hữu quan, các cơ quan, các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước, với những con em ở Đức Đồng xa quê cùng nhau nhóm lên bếp lửa tình thương, bằng mọi hình thức giúp đỡ bà Nguyễn Thị Cảnh kể cả vật chất lẫn tinh thần, động viên bà có cuộc sống tạm ổn định hơn, để bà sống tiếp quãng đời còn lại. Xem đây là một việc làm nhân đạo, quan trọng mà trong cuộc đời chúng ta cần phải làm để bước tiếp trên con đường mà mỗi một chúng ta đang chọn.

Dương Chí Sỹ/KD&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP