Đến cầu treo Hà Linh, chúng tôi ghé vào nhà ông Nguyễn Mậu Tâm ở xóm 8 (Hà Linh) hỏi mượn thuyền ngược dòng Ngàn Sâu để thị sát tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông. Dù vội đi đám cưới nhưng khi biết ý định của phóng viên, ông Tâm vui vẻ cử cậu con trai ở lại để chèo thuyền đưa mọi người đi. Đứng bên bờ sông ngay sát nhà mình, trước khi chia tay chúng tôi ông Tâm xót xa: Ngày trước, bờ sông còn cách nhà cả chục mét, nay đã vào sát nhà. Đêm nằm nghe đất lở mà lo ngay ngáy, không biết căn nhà ni lũ cuốn đi khi mô mặc dù gia đình tui đã tự gia cố bằng hàng trăm bao cát và cọc tre (!).

Để xuống được thuyền, chúng tôi phải đu dây từ trên bờ sông dựng đứng cao chừng 5 mét. Cảnh trù phú thơ mộng hai bên bờ sông giờ là sự nham nhở trông mà hãi như vừa trải qua trận bom B52… Nhiều đoạn bờ sông lồi lõm và dấu đất lở còn tươi rói, kéo dài hàng trăm mét. Kè bảo vệ bờ sông bằng lũy tre già cùng hàng cây cổ thụ nay ngả nghiêng, đổ rạp hay bị nước cuốn ra giữa dòng sông. Nhiều đoạn đất lở, tạo dựng bờ sông dựng đứng cao 5 đến 7 mét. Do bờ sông là nền cát pha, có nhiều đoạn nứt toác, có thể sụp đổ xuống bất kỳ lúc nào. Cán bộ phụ trách địa chính xã Ha Linh Hồ Sỹ Vinh đi cùng cho biết: Việc sạt lở bờ sông ở địa bàn xã Ha Linh thường xuyên diễn ra, nhất là vào mùa mưa lũ. Đặc biệt, vào các mùa lũ lịch sử năm 2010 và 2016, nhiều nơi như đoạn đối diện với Trường mần non Ha Linh và chợ Trạm…, bờ sông sạt lở vào cả chục mét. Ông Vinh còn thông tin, trận lũ kép 2016 vừa qua, đã làm sạt lở tám đoạn bờ sông đoạn từ xóm 6 đến xóm 12, dài khoảng bốn km, “nuốt” mất 20 ha đất sản xuất; đất lở còn uy hiếp và đe dọa 20 nhà dân, trong đó sáu nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng như nhà ông Tâm, khi bờ sông đã “ăn” vào sát đến vườn nhà. Dòng chảy cũng đổi hướng, đã bám sát vào tuyến đường huyện lộ 10 và sạt lở cũng đã vào sát mố cầu treo Ha Linh. Được biết, đây là cây cầu độc đạo qua vùng rốn lũ Hương Khê, không chỉ giúp người dân trong xã Ha Linh đi lại thuận tiện mà còn rút ngắn quãng đường từ vùng thượng xuống vùng hạ huyện.

11-5329-1479442073-3953-1479444686

Bờ sông Ngàn Sâu “ăn” cả đường liên thôn ở Lộc Yên…

Tình trạng sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng tại xã Lộc Yên. Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên Nguyễn Văn Ngọc vừa dẫn chúng tôi đi thị sát vừa cho biết: Toàn xã có năm điểm sạt lở với gần hai km, đe dọa cuộc sống của khoảng 350 hộ dân… Nghiêm trọng nhất tuyến đường liên thôn đi qua xóm Hưng Bình bị nước cuốn mất nửa con đường với chiều rộng gần hai mét về phía bờ sông. Để bảo đảm an toàn cho người qua lại, địa phương đã rào chắn cùng biển báo nguy hiểm. Chị Đặng Thị Tuyết có nhà ở sát điểm đường sạt lở lo lắng: Trời nắng thì đỡ, chứ trời mưa thì không chỉ nhà tui mà các nhà chung quanh đều lo lắm, không biết lũ cuốn đường, cuốn nhà đi khi mô không hay !. Tuy đang ốm nằm trong nhà nhưng cụ Hán Thị Kỳ (80 tuổi) ở xóm Hương Giang vẫn cố gắng dẫn chúng tôi ra bờ sông trước nhà, chỉ ra giữa dòng sông và nói, đấy là khu vực khuôn viên ngôi nhà cùng vườn cây ăn quả của người cháu tên Nhân mà năm 2010 gia đình hắn còn sinh sống… “Đêm nằm nghe đất lở cứ ngỡ như bom nổ mà rùng mình!”, cụ Kỳ chua xót cho biết.

Được biết, ở xã Lộc Yên nơi có dòng sông Ngàn Sâu thơ mộng chảy qua không chỉ Hưng Bình, Hương Giang mà các xóm Hương Đồng, Trường Sơn,… cũng là những nơi thường xuyên bị sạt lở bờ sông, đe dọa cuộc sống người dân khá nghiêm trọng.

Loi thinh cau cua nguoi dan noi dat lo - Anh 2

… và đất sản xuất nông nghiệp.

Điều đáng nói, các xã Lộc Yên, Hương Đô, Hương Trạch… nằm ở thượng nguồn của sông Ngàn Sâu, nơi lòng sông hẹp, nước chảy xiết, hai bên bờ sông là nền đất yếu, chủ yếu là đất cát, bờ sông lại dốc thẳng đứng, cao từ 5 đến 8 mét và hầu như toàn bộ kè bảo vệ bằng lũy tre già và cây cổ thụ đã bị lũ cuốn trôi mất. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thượng nguồn thường có mưa lớn, cực đoan, kéo dài nên nước đổ về dâng nhanh và chảy xiết tạo thành lũ ống, lũ quét cộng với việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô với lưu lượng lớn nên việc đất lở hai bên bờ sông ở các địa phương lại càng nhanh chóng và khốc liệt.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Nguyễn Văn Việt: Tình hình sạt lở hai bên bờ sông Ngàn Sâu ở Hương Khê diễn ra ngày càng khốc liệt, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước; uy hiếp cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Riêng trận lũ kép 2016 vừa qua, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có đến 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.200 hộ dân; sạt lở hàng chục ha đất canh tác và đất ở… Để bảo đảm an toàn cho người dân, các địa phương đã thông báo khẩn cấp các đoạn đất lở; tổ chức rào chắn các đoạn sạt lở, đặt biển cảnh báo nguy hiểm.

Thiết nghĩ, để người dân ở vùng rốn lũ Hương Khê ổn định cuộc sống, huyện cần triển khai các giải pháp căn cơ, đồng bộ như việc quy hoạch các khu tái định cư; hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực bờ sông hay bị sạt lở; quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, công trình khác) cách xa khu vực bờ sông; tổ chức nhân dân trồng tre xanh dọc hai bên bờ sông hạn chế sạt lở; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các đối tượng hút cát trái phép dọc sông Ngàn Sâu. Huy động, lồng ghép các chương trình, dự án trong và ngoài nước, nguồn vốn chống biến đổi khí hậu để tổ chức xây dựng các đoạn kè xung yếu. Có như vậy, người dân ở dọc triền sông Ngàn Sâu không còn thấp thỏm mất an toàn do lở đất mỗi khi mùa lũ về. Đây cũng chính là lời thỉnh cầu của người dân nơi đất lở.