Dự án đầu tư

Hà Tĩnh: Lập khống hồ sơ “nuốt” hơn 9 tỉ đồng tại siêu dự án Pormosa (?!)

Không hề có đất nhưng 31 hộ dân ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại có tên trong danh sách để nhận hơn 9 tỉ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Trước việc làm sai trái của các “quan” huyện và “quan” xã này  dư luận bất bình và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ.

Thời gian qua, báo điện tử Tầm nhìn khởi đăng loạt bài phản ánh việc Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh đã “cấu kết” với UBND xã Kỳ Thượng lập hồ sơ khống rút ruột của Nhà nước 4,7 tỉ đồng.

Sau khi báo đăng tải đã nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ của người dân xã Kỳ Thượng nói chung và huyện Kỳ Anh nói riêng.

Đặc biệt, nhiều người dân sống tại các xã nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng như: Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương… sau khi đọc báo đã liên lạc với báo Tầm nhìn phản ánh việc trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng cho hàng ngàn hộ dân phục vụ siêu dự án Pormosa Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh và chính quyền các xã có nhiều việc làm khuất tất, không minh bạch thậm chí có dấu hiệu lập khống hồ sơ khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại nhiều tỉ đồng.

Lần theo những thông tin mà những người dân có trách nhiệm cung cấp, nhóm PV Tầm nhìn đã xâm nhập thực tế điều tra. Và điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Kỳ Lợi…

Không có đất nhưng có tên nhận tiền!

Ông Mai Hưởng (nguyên là trưởng Thôn 2, từ năm 1998 đến 10/2012)  hiện trú tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi cho biết: Năm 1968, ông Dương Liệu, nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi giao khu vực Sác Trìm, diện tích 14ha cho Hợp tác xã Yên Trường (nay là thôn Đông Yên – PV) trồng cói lác để sản xuất chiếu. Khi nghề cói lác không còn phát triển nữa, ông Dương Thành Thung – Chủ nhiệm HTX Bình Dương (là HTX chung của cả xã Kỳ Lợi) đã chia khu vực Sác Trìm cho hai thôn Đông Yên và Hải Thanh thuộc xã Kỳ Lợi, mỗi thôn 7ha để trồng lúa.

Năm 1998, khi HTX Bình dương giải thể, khu vực Sác Trìm thuộc thôn Đông Yên được giao lại cho 82 hộ dân thuộc diện nghèo, không có đất canh tác để sản xuất.

Tại hiện trường, ông Mai Hưởng chỉ cho PV biết khu vực đất mà  82 hộ dân canh tác nhưng không được đền bù mà 31 hộ dân không có đất ở đây lại được đền bù.

Năm 2013, thực hiện quy hoạch xây dựng các công trình, dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi có 1.235 hộ ảnh hưởng phải di dời lên vùng tái định cư với diện tích thu hồi 103,5ha (đất nông nghiệp 66,5ha, đất thổ cư 37ha).

“Tuy nhiên, điều tréo ngheo ở chỗ là khi lập danh sách đền bù thì 82 hộ dân được giao đất lại không hề có tên trong danh sách mà thay vào đó là 31 hộ dân “lạ hoắc” khác”, ông Hưởng bức xúc nói.

Đồng thời, ông Hưởng đã cung cấp cho PV danh sách 31 hộ dân “từ trên trời rơi xuống” và số tiền mà họ được nhận.

Cụ thể: 1. Nguyễn Văn Nở (99.065.600 đồng, 2. Mai Đức Toàn (314.621.900 đồng), 3. Mai Văn Huy (282.514.900 đồng), 4. Mai Văn Quỳnh (296.740.250 đồng), 5. Hoàng Xuân Đoán (262.917.200 đồng), 6. Nguyễn Xuân Tọa (257.977.700 đồng), 7. Mai Xuân Hòa (297.638.250 đồng), 8. Nguyễn Hữu Bảo (476.182.500 đồng), 9. Mai Công Bình (256.678.650 đồng), 10. Lê Xuân Hội (304.582.500 đồng), 11. Lê Văn Thiệu (291.608.250), 12. Trần Ngọc Quý (300.893.800 đồng) 13. Dương Nhiên (282.482.800 đồng), 14. Mai Xuân Nam (286.854.100 đồng), 15. Mai Xuân Toàn (349.856.050 đồng), 16. Nguyễn Xuân Hiền (265.643.700), 17. Nguyễn Xuân Thanh (312.312.600 đồng), 18. Dương Thái Sơn (293.612.800 đồng), 19. Mai Xuân Trị (301.006.150 đồng), 20.  Mai Văn Chất (274.817.000 đồng), 21. Mai Công Luận (265.034.000 đồng, 22. Mai Văn Nhất (305.993.700 đồng), 23. Nguyễn Thị Vị (272.908.550 đồng), 24. Nguyễn Khánh Sơn (299.065.600 đồng), 25. Dương Văn Quang (235.699.750), 26. Mai Xuân Kính (295.007.950 đồng), 27. Nguyễn Thanh Tịnh (273.999.150 đồng), 28. Nguyễn Chân Lý (305.785.150 đồng), 29. Mai Văn Thiết (274.191.550 đồng), 30. Nguyễn Cung Đàn (299.674.800 đồng), 31. Mai Xuân Thu (301.439.000 đồng).

Tổng tất cả số tiền mà 31 hộ này được nhận là 9.136.766.900 đồng.

Ông Mai Hưởng nói: Việc HĐBT huyện Kỳ Anh lập danh sách “ma” cho 31 hộ không có diện tích đất sản xuất để rút số tiền 9,1 tỷ đồng là rất rõ ràng ai cũng biết. Nhưng trong tổng số 7ha đất thì mới chỉ có 6ha là được kiểm điếm và bồi thường 9,1 tỷ đồng, còn 1ha nữa thì ở đâu và ai là người đã nhận bồi thường từ 1ha đất này thì chúng tôi không hề biết.

Ông Mai Xuân Hòa (trú tại thông Đông Yên), nói: Bao đời làm ruộng tại khu vực này nhưng khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước thu hồi để giao đất cho KKT Vũng Áng để phục vụ dự án Pormosa chúng tôi chấp hành nghiêm túc. Thế nhưng, không hiểu sao 82 hộ canh tác ở đây lại không được Hội đồng bồi thường và hỗ trợ TĐC huyện Kỳ Anh lập danh sách mà họ lại đưa 31 hộ không có ruộng để nhận tiền đền bù?

Anh Nguyễn Khánh Sơn (SN 1969) là người có tên trong danh sách nhận tiền cho biết, gia đình anh không có ruộng ở Sác Trìm nhưng có tên trong danh sách được đền bù 299.065.600 triệu đồng, nhưng không được nhận một đồng nào.

Ông Hòa cho biết thêm, số người được lập danh sách đền bù không hề sản xuất canh tác trên khu vực đó, và hầu như họ không biết khu vực đó nằm ở đâu.

“Chúng tôi có hỏi những người được lập danh sách đền bù đó thì họ nói chỉ mới có danh sách thế thôi chứ chưa nhận được tiền”, lời ông Hòa.

Anh Nguyễn Khánh Sơn (SN 1969) là một trong số 31 người có tên trong danh sách nhận tiền cho biết: Gia đình không có ruộng ở Sác Trìm nhưng lại có tên trong danh sách và được đền bù 299.065.600 triệu đồng. Hôm đó vợ tôi đi ký nhận nhưng thực tế, chỉ ký chứ đến giờ vẫn chưa được nhận một đồng nào.

Anh Sơn cho biết thêm, tất cả các hộ dân trong danh sách đó chưa ai nhận được tiền hết, và chúng tôi cũng không biết lý do vì sao họ lại cho nhận trong khi chúng tôi không hề có tấc đất nào ở đấy?

“Sau khi đo đếm họ mới đưa 31 hộ này vào?!”

Trao đổi với Tầm nhìn về việc này, ông Hà Huy Cận, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết: “Khu đất nông nghiệp Sác Trìm trước kia thuộc về HTX Bình Dương nhưng sau đó giao lại cho thôn Đông Yên sử dụng. Sau khi Hội đồng bồi thường tiến hành đo đạc kiểm đếm thì “người ta” mới đưa danh sách 31 hộ dân vào.

Làm việc với PV, ông Trần Văn Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi (áo trắng) khẳng định việc lập hồ sơ cho 31 hộ dân trên là hoàn toàn sai quy định.

Thực chất, đất này là đất giao cho người dân canh tác chứ chưa làm giấy tờ hay thủ tục gì. 31 hộ dân có tên trong danh sách là hoàn toàn không có hồ sơ pháp lý về khu vực này”.

Lý giải về vấn đề đưa danh sách 31 hộ dân không được đền bù, hỗ trợ vào danh sách mà không phải 82 hộ dân như người dân phản ánh, ông Cận
nói, đây là ruộng tập thể chứ không phải thuộc một cá nhân nào hết.

Còn ông Trần Văn Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Kì Lợi cho biết : “Diện tích đất ruộng đó thời kỳ năm 1973 do Hợp tác xã làm, sau khi HTX giải thể thì người dân làm.

“Đây là ruộng tập thể chứ không phải ruộng cá nhân được cấp giấy tờ, quyền sở hữu. Năm 2012 tiến hành đo đếm, đền bù, đến 2013 thì phát hiện sai sót”. Ông Lâm khẳng định.

(Còn tiếp)

Hà Vũ – Đặng Sơn – Long Đậu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP