Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Kỳ lạ chuyện đất “đẻ ra” sau mỗi lần cấp đổi

Người xưa thường nói, người đẻ chứ đất không đẻ, đó là quy luật muôn đời của tạo hóa. Tuy nhiên, tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), đất của Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao không ngừng “sinh nở” sau mỗi lần cấp đổi. Phải chăng, đây là một trường hợp ngoại lệ?

Thửa đất số 330, tờ bản đồ số 1a, diện tích 450m2 đã bị hai hộ dân lấn chiếm gần như toàn bộ.

Đất vỡ hoang và tranh chấp kéo dài

Bà Đậu Thị Sợi, sinh 1937 (trú tại thôn Hồng Thủy, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) tố cáo bà Trần Thị Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao huyện này lấn chiếm hàng trăm m2 đất của gia đình bà đang quản lý và sử dụng. Điều đáng nói là, mặc dù đang tranh chấp nhưng vẫn được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trái quy định.

Theo đó, năm 1972, ngoài thửa đất số 338 mà gia đình đang ở, bà Sợi có khai hoang một mảnh đất cạnh nhà với diện tích 450m2 (thuộc thửa đất số 330, tờ bản đồ số 1a, bản đồ 299 tại thôn Hải Thuỷ, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), để trồng hoa màu, tăng gia sản xuất. Năm 1975, bà trồng thêm hàng trăm cây lấy gỗ gồm phi lao, bạch đàn, xoan đâu…và quản lý, sử dụng cho đến nay.

Năm 1985, thửa đất này được chính quyền đo đạc lại, bà Sợi là người đại diện ký vào sổ. Tháng 3/1986, bà viết đơn xin cấp (GCNQSDĐ) theo quy định. Mặc dù chưa được cấp, nhưng trong sổ cấp đất năm 1995 thể hiện bà Đậu Thị Sợi có 2 thửa đất.

Đơn tố cáo của bà Sợi về việc bà Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao huyện, lấn chiếm hàng trăm m2 đất của gia đình bà đang quản lý và sử dụng.

Tiếp giáp về phía Tây của thửa đất số 330 mà gia đình bà Sợi khai hoang, hiện đang quản lý và sử dụng là thửa đất số 329 với diện tích 1.080m2 (theo bản đồ 299 - PV). Năm 1991, thực hiện chủ trương quy hoạch đất ở, xã Xuân Hải đã cấp thửa đất này cho 3 hộ gia đình là bà Trần Thị Cảnh, ông Trần Văn Quang (anh em ruột) và ông Nguyễn Văn Dương, mỗi gia đình tương đương 360m2.

Năm 1994, sau khi làm nhà ở, gia đình bà Cảnh và gia đình ông Quang đã dần dần chặt cây, lấn chiếm đất mà bà Sợi quản lý. Năm 2004, bà Sợi đã báo cáo với thôn xóm và gửi đơn lên chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết. Sau nhiều lần phản ánh, ngày 14/7/2005, cán bộ xã đã đến đo đất và lập biên bản. Tuy nhiên, ngày 20/5/2006, hộ bà Cảnh và ông Quang vẫn được UBND huyện cấp GCNQSDĐ trong khi còn tranh chấp.

Để xác minh sự việc, Phóng viên Báo Xây dựng đã trực tiếp về thôn Hồng Thủy, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tìm gặp những người dân nhiều tuổi, từng sinh sống tại đây những năm 1970 để nắm bắt thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Doãn Tuần, 73 tuổi, cho biết: “Khu vực này trước đây là lùm cây dại. Khoảng năm 1972 thì vợ chồng ông Hậu, bà Sợi tiến hành khai hoang trồng khoai, trồng sắn. Sau này xã mới bán cho mấy hộ kia”.

Ông Đậu Xuân Rầm, nguyên là Chủ nhiệm HTX từ 1980 - 1985 chia sẻ: “Tôi không nắm rõ nguồn gốc một cách chính xác nhưng hiện tượng lấn chiếm của các hộ dân là có thật. Bởi vì diện tích đất mà bà Sợi quản lý và sử dụng ngày càng bị thu hẹp”.

Ông Phan Danh Thắng, 76 tuổi, là giáo viên nghỉ hưu, từng sơ tán đến ở cạnh nhà bà Sợi từ năm 1972 khẳng định thửa đất này do gia đình bà Sợi khai hoang, hiện tại đã bị lấn chiếm gần hết.

Bà Mai Thị Thu, ông Doãn Văn Chung, ông Đậu Nam Long ở thôn Hồng Thủy đều xác nhận vị trí đất của bà Cảnh, ông Quang nằm ở dưới sâu, cách xa đường liên thôn nhưng giờ đã lấn chiếm lên sát tận mép đường.

Người dân đang phản ánh với phóng viên Báo Xây dựng (Từ trái sang: Ông Doãn Văn Chung, ông Đậu Doãn Tuần, ông Phan Danh Thắng và ông Đậu Xuân Rầm).

Nhiều người dân xác nhận bà Đậu Thị Sợi khai hoang thửa đất nói trên là đúng sự thật.

Đất “đẻ ra” sau mỗi lần cấp đổi

Theo Công văn số 37/UBND-TP ngày 04/9/2014 của UBND xã Xuân Hải, gửi UBND huyện Nghi Xuân về việc trả lời nội dung đơn kiến nghị của bà Đậu Thị Sợi, cho thấy: “Bản đồ 299(1984), tờ bản đồ số 01, thửa đất 329, có diện tích 1.080m2”.

Văn bản của huyện Nghi Xuân.

Công văn nàycũng ghi rõ: “Mẫu biểu 05 (Danh sách cấp GCNQSDĐ theo Nghị định 64/CP) lập năm 1995, tại trang số 12, thứ tự 28, tờ bản đồ 01, số thửa 329, phần đất của bà Trần Thị Cảnh có diện tích 398m2, trong đó đất ở 200m2, đất vườn 198m2”. Số liệu này cũng trùng khớp với Sổ Địa chính lưu tại Văn phòng ĐKQSD đất tỉnh Hà Tĩnh theo quyết định số 121-UBH.95.

Tuy nhiên, sau khi lên làm cán bộ Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao huyện Nghi Xuân, bà Cảnh đã làm thủ tục cấp đổi bìa đất sang tên chồng là Nguyễn Ngọc Hóa. Theo GCNQSDĐ số H-01240, cấp đổi ngày 20/5/2006 thì thửa đất nói trên đã “sinh sôi nảy nở” thành 542m2 (trong đó đất ở 200m2, đất vườn 342m2), thừa 144m2 so với ban đầu.

Còn theo Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất năm 2014, do Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trà Linh thực hiện thì vị trí thửa đất của bà Cảnh có số 69, tờ bản đồ địa chính số 24, diện tích 624,0m2.

Ngày 29/8/2016, UBND huyện Nghi Xuân đã cấp đổi GCNQSDĐ số CH-00295, mang tên ông Nguyễn Ngọc Hóa và bà Trần Thị Cảnh với diện tích 624m2, trong đó đất ở 200m2, đất vườn 424,0m2. Thời hạn sử dụng đến ngày 15/10/2043.

Như vậy, sau hơn 20 năm “cọc đổi mốc dời”, diện tích đất của bà Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao huyện Nghi Xuân đã gia tăng khủng khiếp. Từ chỗ ban đầu chỉ có 398m2, sau 02 lần cấp đổi GCNQSDĐ, diện tích đã lên đến 624,0m2.

Ngoài gia đình bà Cảnh, diện tích đất của hộ ông Trần Văn Quang cũng có sự biến động không kém. Tại biên bản kiểm tra đất vườn ở ngày 14/07/2005 của UBND xã Xuân Hải, diện tích hộ anh Quang đo được trên thực tế là 445,9m2, diện tích cấp trước đó 405m2, còn thừa 40,9m2.

Tại GCNQSDĐ cấp đổi năm 2006 mang tên Nguyễn Thị Sửu (vợ ông Quang - PV), thì diện tích tăng lên là 515m2, trong đó đất ở 200m2, đất vườn 315m2. Điều đáng nói là cả phần đất của ông Quang và bà Cảnh đều được đo vẽ chồng lên và “phủ kín” diện tích của thửa đất 330, khiến thửa đất này có nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi bản đồ 299.

Phần đất của bà Cảnh được đo vẽ đè lên diện tích của thửa đất 330, khiến thửa đất này có nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi bản đồ 299.

Còn theo Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất năm 2014, do Cty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trà Linh thực hiện thì vị trí thửa đất của ông Quang có số 93, tờ bản đồ địa chính số 24, diện tích 587,0m2.

Ngày 27/11/2017, Cục Kiểm soát Quản lý và sử dụng đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai đã có công văn số 513/CKSQLSDĐ-PTTr gửi UBND huyện Nghi Xuân về việc chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo của bà Đậu Thị Sợi đến Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết đã nhận được thông tin, hiện đang giao cho Ban tiếp Công dân và các phòng, ban của huyện chỉ đạo UBND xã Xuân Hải kiểm tra xử lý.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc.

Tác giả: Trần Hoàn - Phi Long

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP