Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: Khu du lịch sinh thái Hải Thượng – nơi “Hồn quê hội tụ”

Với mong muốn tôn vinh và quảng bá hình ảnh Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, ông Nguyễn Xuân Lợi – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Quý Gia – một người con của quê hương Hà Tĩnh – đã quyết định đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Hải Thượng.

Khu di tích có diện tích hơn 20 ha, nằm trên vùng núi non thơ mộng, với nhiều hạng mục như: nhà lễ hội ẩm thực, hội trường lớn, khu ẩm thực VIP, chòi và nhà nghỉ, khách sạn… tổng mức đầu tư giai đoạn I là hơn 130 tỷ đồng.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, ban đầu theo nghiệp văn chương nhưng về sau do hoàn cảnh tác động, trải qua nhiều biến cố của cuộc đời, ông từ bỏ chốn quan trường về quê ngoại ở Tình Diệm (Hương Sơn) sinh sống. Như một cơ duyên, ông đã theo học nghề thuốc và trở thành bậc đại danh y tài đức hơn người. Tại quê mẹ Hương Sơn, ông đã dựng nhà, làm vườn, trồng thuốc, chữa bệnh, viết sách, dạy học, làm thơ… Cuộc đời ông là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, ý chí học tập, vươn lên trong cuộc sống. Những di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ông bao gồm mộ, khu đền thờ thân mẫu và chùa Tượng Sơn. Năm 2013, di tích lịch sử Quốc gia Lê Hữu Trác đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép cho Công ty TNHH Quý Gia đầu tư, nâng cấp và quản lý.

Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, ông Lợi cho biết: “Mục đích của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng của nhân dân, khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện Hương Sơn nhằm thu hút du khách bốn phương về với quê hương của Đại danh y. Nhân kỷ niệm 224 năm ngày mất Đại danh y, Khu sinh thái tổ chức “Lễ hội cầu sức khỏe” với phương châm “Du lịch – sức khỏe – Nghỉ dưỡng”, mở đầu cho Năm du lịch Hà Tĩnh. Chúng tôi mong muốn tôn vinh hơn nữa những giá trị lịch sử, tâm linh của Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông”.

Sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, đến nay Khu du lịch sinh thái Hải Thượng đã trở thành địa chỉ tham quan, nghỉ dưỡng, để lại những dấu ấn đậm sâu trong lòng du khách.

“Hồn quê hội tụ” chính là điểm nhấn, là điều gây ấn tượng với du khách bởi cái tâm huyết và tính nhân văn của những người sáng lập, đó cũng chính là phong cách xuyên suốt của khu du lịch. Không gian yên bình, cảnh sắc sơn thủy hữu tình, nơi đây không những đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách gần xa mà còn làm giàu có thêm tâm hồn con người khi du lịch văn hóa tâm linh gắn liền với di tích cấp quốc gia là khu lăng mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Xuyên suốt khu sinh thái Hải Thượng là kiến trúc cánh diều, nhiều danh lam đã được sử dụng làm tên gọi của các công trình trong khu du lịch như Nhà hàng cà phê – giải khát Cánh Diều, khách sạn Minh Tự, nhà hàng Hải Thượng… đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Căn nhà gỗ 5 gian dùng để du khách tham quan và dùng để định kỳ các nhà Đông y về đây bốc thuốc và chữa bệnh, cũng là nơi trưng bày các bài thuốc, vị thuốc nam theo tinh thần người Nam dùng thuốc nam của cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Nhà lưu niệm trưng bày các nông cụ của người dân vùng lúa nước, tạo cho du khách cảm giác đang ở một ngôi nhà của người nông dân Hương Sơn truyền thống, với đầy đủ các đồ dùng, nông cụ được trưng bày khá tinh tế và đậm nét duyên quê, rất đỗi thân thiết, bình dị… Nơi đây cũng là địa điểm thường xuyên giao lưu của Câu lạc bộ dân ca Ví giặm.

Khu nhà hàng Hải Thượng, có sức chứa tới 1.600 chỗ ngồi, chuyên tổ chức các sự kiện lớn như: hội nghị, hội thảo, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tiệc cưới, sinh nhật… với các món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực của vùng đất Hương Sơn như: dê núi, cá mát, thịt hươu, rượu nhung… mang đến cho chúng ta cảm giác thơ mộng và thực sự sang trọng.

Khách sạn Minh Tự – một công trình trọng điểm, có vị thế đẹp nhất khu du lịch, với 61 phòng thiết kế theo lối phương Tây, tiêu chuẩn 3 sao phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách với khuôn viên thoáng mát, nằm giữa hai hồ điều hòa lớn, tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên và đất trời.

Đặc biệt, Khu sinh thái Hải Thượng đã giải quyết tại chỗ hơn 80 lao động địa phương, với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, 100% lao động được đóng bảo hiểm xã hội.

Đến với Hải Thượng, chúng ta được trải nghiệm thú vị bởi sự hòa quyện giữa thiên nhiên với con người, giữa sự hoành tráng hiện đại, lại mang dáng dấp cổ kính của truyền thống… là điểm dừng chân lý tưởng, địa chỉ tin cậy của đông đảo con em địa phương và du khách cả nước.

Với địa thế đẹp, với cái tâm của người giám đốc, chắc chắn “Hồn quê hội tụ” sẽ là một địa chỉ du lịch đầy hấp dẫn bên cạnh Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông và các cảnh quan khác của núi rừng Hương Sơn…

Tuyết Mây / Ảnh Đậu Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP