Bán nhà, bán trâu cũng bất lực trước bệnh tật của cha

Hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Bương (SN 1960) trú tại xóm 3 xã Hương Liên quả là bi đát. Từ ngoài cổng đã nghe trong ngôi nhà tranh gió lùa tứ phía vọng ra tiếng kêu rên vì đau đớn của anh Bương.

Chị Nguyễn Thị Thiệm – vợ anh Bương buồn rầu kể: Năm 2014, chồng bị đau nhưng lúc đó do điều kiện gia đình không có nên cứ chịu đau mà không đi khám. Đến năm 2015, khi bị đau nặng ở chân đi khám mới phát hiện anh Bương bị ung thư xương ở chân trái. Đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện Hương Khê đang chụp chiếu thì xương đùi trái bị gãy, gia đình cũng không có điều kiện cưa chân nên đành để vậy. Sau đó gia đình có đưa anh điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội nhưng bệnh đã quá nặng nên bệnh viện trả về. Từ đó đến nay anh Bương sống trong cảnh đau đớn vì bệnh tật.

Khong co tien mua bong, con xin chan bong cu lau vet thuong cho bo - Anh 1

Anh Bương vật vã trong đau đớn bệnh tật gần 2 năm nay.

Cũng vì hoàn cảnh khó khăn rồi cha bệnh tật mà cả 5 đứa con của anh chị không đứa nào học hết lớp 7. Nghỉ học rồi đứa lấy chồng, đứa đi làm thuê để kiếm tiền lo thuốc thang cho cha, đứa phải ở nhà lo chạy bữa cơm bữa cháo cho cả nhà. Phần chân đùi của anh Bương lâu nay bị hoại tử nên phải lau rửa thường xuyên. Nhưng không có tiền mua bông mà vợ con anh phải đi lượm những chiếc chăn bông người ta bỏ đi để lấy bông lau vết thương.

“Giờ nghe ở đâu ai có chăn cũ vứt đi bọn em đều đến xin về thứ thì để lót thứ thì xé ra để lấy phần bông lau rửa vết thương. Hôm qua có nhà cho chiếc chăn cũ anh trai đi lấy về nhưng mắc mưa bị ướt hết nên chưa thể dùng được. Những hôm không có gì lót cháu phải đi xin bìa cattong hay các loại túi nilon để về lót dưới chỗ vết thương cho cha nằm” – cháu Phương con gái út anh Bương kể trong nước mắt.

Vừa rồi do mưa lũ không đi xin được chăn cũ nên nhà còn mỗi cái chăn bông mẹ con chị đành xé ra để lót chân cho anh. Mùa đông đã cận kề nhưng chị chưa biết lấy gì để đắp.

Được biết, anh Bương từng tham gia quân ngũ tại chiến trường Campuchia từ năm 1983 đến 1986. Sau khi xuất ngũ về nước anh lại nằm trong đội dân quân dự bị của huyện. Nhưng khi xuất ngũ anh không được hưởng chế độ gì. Năm 2016 gia đình anh chị mới được xét là gia đình hộ nghèo.

Khi anh Bương ngã bệnh vợ con đã phải bán đi 2 con trâu để lo chạy chữa thuốc thang cho anh. Rồi căn nhà bếp đầu năm 2016 cũng phải bán. Căn nhà hiện tại anh chị đang ở cũng đã cầm cố cho người ta để vay 50 triệu đồng hồi đưa anh đi viện Hà Nội.

Khong co tien mua bong, con xin chan bong cu lau vet thuong cho bo - Anh 2

Ngôi nhà tuềnh toàng của anh Bương cũng khó lòng giữ lại.

Nếu sang năm mà không trả được nợ cho người ta thì họ đến tháo nhà rồi chúng tôi chưa biết ở vào đâu. Mẹ con đang tính bán nốt con trâu để trả nợ nhưng ông ấy không cho bán. Anh nói còn mỗi con trâu để mẹ con còn cày cấy mà kiếm ăn – chị Thiệm mếu máo.

Có lẽ thứ giá trị nhất của 4 con người trong ngôi nhà đó là con trâu để cày cấy. Từ ngày anh Bương đổ bệnh gia đình cũng kiệt quệ theo. Thương hoàn cảnh của gia đình anh chị hàng xóm người cho cân gạo, người cho gói cháo. Vợ con phải túc trực 24/24 để xoa bóp cho anh để anh bớt đi phần nào đau đớn. Trong cơn đau đớn anh Bương thều thào: Giờ tôi chỉ mong được chết để vợ con đỡ khổ, tôi cũng không bị đày đọa đau đớn khôn cùng thế này. Hằng ngày phải dùng thuốc giảm đau mà tôi không chịu nổi những cơn đau.

Mẹ chạy thận, con lần lượt bỏ học

Đó là hoàn cảnh của chị Trần Thị Cậy (SN 1976) và anh Bùi Thế Lực (SN 1971) trú tại xóm 3, xã Hương Liên (Hương Khê – Hà Tĩnh). Năm 2014, chị phát hiện mình bị suy thận khi bệnh đã quá nặng từ đó đến nay mỗi tuần đều đặn 2 lần chị phải vượt quãng đường gần 100km đến BVĐK Hà Tĩnh để chạy thận. Hai vợ chồng tích góp làm được ngôi nhà gỗ kiên cố nhưng rồi cũng phải bán để lo chạy chữa cho chị. Năm 2015 anh chị thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn nên được tập đoàn Vingrup hỗ trợ 50 triệu để làm nhà ở. Nay ngôi nhà cơ bản đã hoàn thiện nhưng chưa được nghiệm thu để tất toán số tiền trên. Để làm được ngôi nhà này anh chị đã vay mượn tứ phía. Tiền vật liệu nợ hơn 1 năm rồi chưa có trả. Ngoài số tiền vay nợ chữa bệnh lại thêm khoản vay để làm nhà nên nợ lại chồng nợ.

Khong co tien mua bong, con xin chan bong cu lau vet thuong cho bo - Anh 3

Chị Cậy tiều tụy sau hơn 2 năm chạy thận

Làm ngôi nhà này hết hơn 100 triệu đồng, hôm làm nhà đang nợ tiền vật liệu nên giờ suốt ngày người ta đến đòi. Nhưng giờ bọn chị chỉ biết khất thôi chứ lấy đâu mà trả? Tiền hỗ trợ làm nhà họ (Tập đoàn Vingroup) mới trả cho một nửa phần còn lại khi nào nghiệm thu xong họ mới đưa nốt – Chị Cậy cho hay.

Anh chị có 6 người con nhưng các cháu lớn phải bỏ học giữa chừng vì nhà không có điều kiện. Người con trai cả học gần hết lớp 11 đành phải bỏ học để theo cha vào rừng làm thuê để cùng cha lo tiền trang trải cuộc sống, người con trai thứ hai học gần hết lớp 9 cũng phải dừng việc học để ở nhà lo cho mẹ mặc dù cả hai cháu đề học khá. Giờ chỉ có các cháu nhỏ trong nhà đang học bậc tiểu học là đang được đến trường. Nhưng rồi đây với gia cảnh hiện tại cũng chưa biết các cháu phải nghỉ học lúc nào.

Chị Cậy buồn rầu: Thấy con học khá nhưng vì mẹ bị bệnh tật gia cảnh khó khăn mà con phải nghỉ học giữa chừng thương con lắm. Nhưng giờ kiếm ăn hằng ngày với gia đình chị đã là một gánh nặng, rồi tiền thuốc men của chị thì lấy đâu điều kiện để cho con đi học? Nhà giờ 7 miệng ăn nhưng chỉ có anh Lực và người con trai cả làm việc thì khó mà trang trải nổi. Có hôm đi viện không có tiền ăn và tiền về chị phải ra chợ Hà Tĩnh để xin tiền, thấy hoàn cảnh của chị nên người ta cũng thương. Bệnh tật chị cũng chưa biết sống chết khi nào nữa chỉ thương các con còn nhỏ dại quá.

Khong co tien mua bong, con xin chan bong cu lau vet thuong cho bo - Anh 4

Gia sản lớn nhất của gia đình chị là những tờ giấy khen của các con, nhưng giờ đây, các con cũng đang phải đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì mẹ mang bạo bệnh.

Cũng may chị thuộc diện hộ nghèo nên được miễn tiền viện phí và tiền thuốc tại bệnh viện. Còn tiền xe, tiền ăn của 2 mẹ con mỗi lần đi chạy thận cũng là một khoản lớn đối với chị. Chị còn mua thuốc ngoài để uống và thuốc bổ mỗi tháng cũng hết hơn 6 triệu đồng.

Những ngày nắng còn đi làm thuê được chứ ngày mưa ở nhà thì không có gì mà trang trải cả.

Rời những ngôi nhà trên hình ảnh những người bệnh vật vã trong cơn đau. Những đứa trẻ phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quanh quẩn trong làng rồi vào rừng làm thuê khiến chúng tôi ám ảnh mãi về tương lai của những đứa trẻ.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về:

Trường hợp 1: Anh Nguyễn Văn Bương, xóm 3, xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh; Hoặc Báo Nông thôn Ngày nay, lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội qua số tài khoản 1506311002117 – Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội. Vui lòng ghi rõ: Giúp đỡ Nguyễn Văn Bương (Hà Tĩnh).

Trường hợp 2: Chị Trần Thị Cậy, xóm 3, xã Hương Liên (Hương Khê – Hà Tĩnh), Hoặc Báo Nông thôn Ngày nay, lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội qua số tài khoản 1506311002117 – Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội. Vui lòng ghi rõ: Giúp đỡ Chị Trần Thị Cậy (Hà Tĩnh)

Xin chân thành cảm ơn!

Dân Việt