Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Khốn khổ cảnh 1200 hộ dân quanh năm phải dùng nước ao hồ sinh hoạt

Trong khi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có gần tới chục nhà máy nước được đầu tư tiền tỷ nhưng rồi để đắp chiếu nằm đó quanh năm chẳng chắt ra được giọt nước nào thì hiện có tới 1200 hộ dân thuộc 5 thôn ở xã Đức Thanh (Đức Thọ ) đang phải sống trông cảnh “khát” nguồn nước sạch để sinh hoạt hàng ngày. Để “khắc phục” tình trạng thiếu nguồn nước sạch nói trên người dân xã này từ bao đời nay buộc phải dùng nước mưa để ăn, nước ao hồ để tắm giặt.

Nước sinh hoạt ô nhiễm trầm trọng!

Anh Phan Văn Hợi – Trạm trưởng Trạm y tế xã Đức Thanh cho biết: “ Nguồn nước sạch là nhu cầu thiết yếu nhất hiện nay của người dân nơi đây. Do nguồn nước ngầm không thể sử dụng được nên người dân đào giếng cũng như không. Để có nước sinh hoạt người dân toàn xã buộc phải dùng nước mưa để ăn, nước từ các giếng khơi, ao hồ để tắm giặt. Tuy nhiên nguồn nước từ giếng khơi, ao hồ đang bị ô nhiễm trầm trọng”.

hatinh24h
 Trung bình một giếng khơi phục vụ sinh hoạt co 30-40 hộ dân.

Do nguồn nước ngầm không thể sử dụng được, nước mưa không đủ để phục vụ nhu cầu hàng ngày nên quanh các thôn xóm ở xã Đức Thanh nổi lên chi chít ao hồ để lấy nước phục vụ nhu cầu hàng ngày.

Các ao hồ dùng để lấy nước sinh hoạt chủ yếu là sát ruộng, hay nằm bên cạnh những kênh mương. Trung bình mỗi thôn ở xã Đức Thanh phải khơi từ 5-6 cái giếng.

Riêng thôn Đại Lợi (thôn đông dân nhất xã này) đã phải khơi đến 9 cái. Mỗi giếng trung bình từ 30-40 hộ dân dùng chung. Đối với những hộ có điều kiện thì giếng sau khi khơi được xây tường bao xung quanh và ghép đá dưới đáy để giử vệ sinh, lọc bùn và tránh trâu bò, gia cầm lội xuống. Những hộ không có điều kiện thì người dân buộc dây thép gai bao quanh để bảo vệ, thậm chí là để không trông giống như cái ao của một hộ gia đình.

Nước sinh hoạt hàng ngày được các hộ dân xã này bơm nước trực tiếp từ giếng khơi đựng qua bể rồi dùng để tắm giặt. Đại đa phần những hộ gia đình sử dụng nguồn nước này đều không xử lý qua bể lộc nên nguồn nước rất mất vệ sinh.

Trong quá trình bơm nước về nhà sinh hoạt để không hút phải bùn người dân nơi đây đã “sáng kiến” bằng cách buộc vòi nước vào một cái chai nhựa rồi thả xuống ao để tránh cho đầu ống nước khỏi chìm xuống đáy.

Ông Đinh Sỹ Lý cho biết: “ Nguồn nước được dùng hàng ngày từ các giếng khơi vốn đã không hợp vệ sinh nay lại càng ô nhiễm do các nguyên nhân như nguồn nước ngấm phân từ ruộng vào, nước sinh thải sinh hoạt từ các kênh mương chảy qua. Thậm chí ngấm cả nguồn nước có thuốc trừ sâu khi người dân phun từ đồng ruộng”.

 Giếng dùng thường ngày nhưng không được vệ sinh nên rất bẩn

Dù là giếng được khơi lên để phục vụ lấy nước sinh hoạt nhưng người dân nơi đây cũng chẳng mấy khi chủ động làm sạch giếng. Quan sát các giếng chúng tôi thấy ngoài chi chit các vòi nước được nhúng xuống cùng với những chai nhựa là cỏ mọc um tùm, váng bọt và lá cây trôi nỗi khắp nơi. Xung quang giếng là các mương nước động chứa nước thải sinh hoạt từ các nhà dân rất bẩn thỉu nhưng người dân cũng chẳng chịu khơi đi.

“ Nước thải sinh hoạt ngấm xuống giếng, nước từ ruộng tràn vào, giếng lâu ngày không được làm sạch, tu bổ nên rất mất vệ sinh. Người dân nơi đây dùng nguồn nước từ các giếng này đã quen, người nơi khác đến hay con cháu ở xa về dùng nước này tắm thì ngay lập tức bị ngứa” bà Linh-người dân thôn 4 phàn nàn.

Khát khao một nguồn nước sạch.

 Dù là giếng để sinh hoạt hàng ngày nhưng không được xây tường bao, ghép đã nên giống như 1 cái ao nhà

Theo phản ánh của Trạm y tế xã Đức Thanh, do phải thường xuyên sư dụng nguồn nước sinh hoạt mất vệ sinh nên hàng năm tỷ lệ người dân mắc các bệnh như ngoài da, đau mắt hột, các bệnh về đường tiêu hóa. Đặc biệt là tỷ lệ mắc bệnh ung thư đều cao hơn so với những xã khác ở Đức Thọ.

Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Thọ, trong số 1200 hộ trong toàn xã Đức Thanh thì có 900 hộ thường xuyên dùng mước mưa để ăn, nhưng nguồn nước mưa không đáp ứng đủ. Số hộ còn lại dùng giếng khơi không đảm bảo vệ sinh nên tiềm ẩn rất nhiều bệnh tật.

Nói về vấn đề nước sinh hoạt cho người dân, ông Trần Văn Hải-CT UBND xã Đức Thanh cho biết: “ Giờ tìm nguồn nước sạch cho người dân trong xã quả là vô vọng. Người dân toàn xã hiện nay đang phải sinh hoạt từ nguồn nước ở các giếng khơi rất ô nhiễm. Xã đã có đề xuất với huyện tìm nguồn nước sạch cho người dân nhưng tất cả mới chỉ nằm trong kế hoạch, không biết đến bao giờ mới thực hiện được”.

Lê Tâm – Thanh Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP