Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Khi doanh nghiệp “xoay trục” đầu tư sang nông nghiệp

Không ít doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh hoạt động trong các ngành nghề khác nhau đã mạnh dạn “xoay trục” đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp và bước đầu gặt hái được kết quả đáng phấn khởi.

Dây chuyền giết mổ tập trung hiện đại tại huyện Kỳ Anh.

Tiên phong Mitraco

Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh -CTCP (tên giao dịch: Mitraco) là “chim đầu đàn” của ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Là DN đa ngành, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: Khai thác, chế biến khoáng sản, Titan, dịch vụ, thương mại… Nhưng từ năm 2004, Mitraco đã quyết định chuyển hướng, đầu tư thêm vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc đầu tư nuôi lợn siêu nạc (LSN) theo công nghệ, kỹ thuật của Thái-lan, và trở thành DN tiên phong của tỉnh trong lĩnh vực này. Giữa năm 2005, Mitraco khánh thành tổ hợp nuôi lợn với quy mô 1.200 nái, 24.000 lợn thương phẩm/lứa với số vốn đầu tư 32 tỷ đồng. Đây là khu chăn nuôi LSN lớn nhất khu vực và tạo ra “cú sốc” trong lĩnh vực này ở miền trung. Do lĩnh vực đầu tư mới, không thuận lợi như các ngành nghề mà đơn vị đang kinh doanh nên DN đã vấp phải phản ứng từ nhiều phía, nhất là thời gian đầu còn thiếu kinh nghiệm và chưa có thương hiệu, thị trường… Đã có không ít nỗi niềm: “Titan “nuôi” LSN”, “Một kg lợn “ăn” bảy kg I-mê-nhit”… Tháng 6-2006, những lứa LSN đầu tiên được xuất bán. Do chưa có thị trường nên cả Ban giám đốc, các phòng liên quan – những người trước đây đã quen bán sản phẩm công nghiệp trên máy tính, đều phải lọ mọ khắp nơi để tiêu thụ lợn… Nhờ có nguồn lợi nhuận từ khoáng sản, titan nên việc đầu tư vào lĩnh vực nuôi LSN bài bản, quy mô lớn. Chính vì thế, chỉ ba năm đi vào hoạt động, DN đã chiếm lĩnh được các thị trường lớn và có lãi thay vì 5 năm theo tính toán trước đây. Đến nay, DN đã phát triển được đàn nái giống ngoại (cụ kỵ, ông bà…) lên đến 4.000 con, lợn thương phẩm hơn 80.000 con/lứa và tạo ra thương hiệu lớn trên thị trường khu vực và phía bắc. Đồng thời, DN còn làm “bà đỡ” phát triển năm trại nái vệ tinh (300 con/trại) và gần 100 trại nuôi vệ tinh quy mô từ 400 đến 1.000 con/lứa cùng hàng trăm tổ hợp tác (từ 10 đến 20 hộ/tổ hợp tác) nuôi từ 20 đến 30 con/hộ… Trên đà thắng lợi, năm 2010, Mitraco chỉ đạo Công ty CP Phát triển Nông lâm nghiệp Hà Tĩnh chuyển hướng sang nuôi LSN. Kế thừa kinh nghiệm và thị trường của DN đi trước, Công ty đã có bước phát triển nhanh chóng. Đến nay đơn vị này đã gây dựng được đàn giống 3.000 nái, 60.000 lợn thương phẩm/lứa cùng nhiều hộ nuôi lợn nái, lợn thương phẩm vệ tinh, liên kết…

Thành công từ các DN nuôi LSN của Mitraco đã làm “bà đỡ”, làm tiền đề cho Hà Tĩnh trong việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi LSN theo hướng vừa tập trung vừa phân tán (trong đó, tập trung đồng nhất một công nghệ, một loại giống, một quy trình kỹ thuật, một sản phẩm và tổ chức cho người dân, tập thể nuôi phân tán). Nhờ đó, chỉ sau 10 năm phát triển, từ tổ hợp nuôi LSN đầu tiên của Mitraco, đến nay, toàn tỉnh đã “nhân” ra hàng trăm doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nuôi LSN quy mô lớn, hàng hóa. Cũng thời gian này, Mitraco đầu tư 49 tỷ đồng, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với dây chuyền thiết bị ngoại nhập, công nghệ cao, công suất 100 nghìn tấn sản phẩm/năm. DN đã chủ động thuê chuyên gia nước ngoài cầm tay chỉ việc nhà máy sản xuất và cung cấp hàng chục sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm cho các DN của Mitraco cũng như thị trường khu vực. Giám đốc Công ty CP Chế biến thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc Nguyễn Ngọc Phương cho biết: Nhờ làm ăn hiệu quả, DN mạnh dạn đầu tư 18 tỷ đồng xây dựng trại lợn nái, quy mô 300 con ở Thường Nga (Can Lộc) để thử nghiệm thức ăn chế biến và cung ứng con giống. Ngoài ra, DN đã ký kết với nông dân tại 21 xã của huyện Hương Khê trồng 400 ha ngô khảo nghiệm.

Để khép kín chuỗi giá trị và tạo đầu ra ổn định, bền vững cho chăn nuôi LSN, đầu năm 2015, Mitraco đã đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ và chế biến súc sản với công nghệ hiện đại của châu Âu. Nhà máy có công suất giết mổ 120 con lợn/giờ, 50 con bò/ngày và sản xuất hai tấn sản phẩm (giò chả, xúc xích) với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Đây là dây chuyền chế biến khép kín hiện đại nhất miền trung.

Theo Tổng Giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng, không chỉ phát triển đàn LSN mà DN đang tích cực phối hợp với đối tác nước ngoài (Tây Ban Nha, Ô-xtrây-li-a, Ca-nađa..) đẩy nhanh tiến độ dự án đàn bò thịt chất lượng cao quy mô hàng chục nghìn con. Mitraco cũng đang xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển giống hươu ở Hương Sơn để nhân ra cả nước. Với mục tiêu lựa chọn, lai tạo, hợp tác quốc tế nhằm nâng chất lượng đàn hươu và cung cấp hươu giống cho thị trường với quy mô 6 đến 8 nghìn con/năm… Mitraco đang phối hợp các DN, viện nghiên cứu sản xuất thành công các sản phẩm thuốc tăng lực từ nhung hươu. Các sản phẩm thuốc bổ này đã, đang được thị trường trong và ngoài nước đặt hàng.

Nhờ sự đóng góp tích cực của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp nên nhiều năm liền Mitraco làm ăn có lãi, đạt doanh thu cao. Riêng năm 2014, tổng doanh thu của công ty đạt 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 105 tỷ đồng…

Các DN cùng “xoay trục”

Dự án trồng rau, củ, quả (RCQ) trên cát vừa được Mitraco nhập công nghệ cao từ nước ngoài về trồng thành công trên các vùng cát hoang hóa ven biển Hà Tĩnh, cho thu nhập từ 250 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Sau gần hai năm triển khai, từ hơn 10 ha RCQ trồng thí điểm của Mitraco ở Thạch Văn (Thạch Hà) đến nay, Hà Tĩnh đã trồng được hơn 200 ha RCQ các loại, gồm: Măng tây, củ cải, hành tỏi, cà chua, rau các loại… Dự án phát triển nhanh như vậy nhờ sự góp sức tham gia của các DN “tay ngang”, như Công ty TNHH Sao Đại Dương, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công thương miền trung, Công ty Môi trường – Đô thị Hà Tĩnh cùng nhiều HTX và tổ hợp tác khác. Mitraco cùng các DN còn đầu tư chuỗi cửa hàng, kho lạnh bảo quản, xe chuyên dùng để tiêu thụ ở các tỉnh lân cận và phía bắc. Điều đáng mừng hơn là người trồng rau đã thật sự trách nhiệm trong việc bảo đảm quy trình công nghệ sản xuất rau sạch, an toàn. Đầu năm 2015, khu sản xuất RCQ của Mitraco đã được cấp chứng chỉ VietGap. Đây là tiền đề để xây dựng theo tiêu chuẩn VietGap cho các vùng rau ven biển và thương hiệu rau sạch Hà Tĩnh. Nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt, phun sương của I-xra-en mà những ngày hè nắng chói chang này mầu xanh của RCQ vẫn ngút ngàn nơi cát hoang ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2016, trồng 1.000 ha RCQ trên cát hoang và tạo thương hiệu Rau sạch Hà Tĩnh để đẩy nhanh việc xuất khẩu. Các DN không chỉ tham gia trồng mà còn tổ chức bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân nên đã tạo nên phong trào trồng RCQ trên cát ở các vùng quê nghèo bãi ngang. Cụ Phan Trọng Thiết ở xóm Bắc Văn (Thạch Văn) cho biết: “Năm nay đã 86 tuổi, tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ có một ngày vùng đất “chết” cát bụi, đến cây cỏ cũng không sống nổi mà nay trồng thành công RCQ và cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/ha, đúng là một điều kỳ diệu!”.

Để khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tuy là tỉnh nghèo nhưng Hà Tĩnh đã trích hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đầu tư… Bên cạnh đó là sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo phong trào. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự: Trước đây, hầu như không có DN nào dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên đất Hà Tĩnh. Nhưng nay thì đã khác, khi trên địa bàn này đã có nhiều DN mạnh trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, thương mại, dịch vụ đã tự bỏ vốn ra cùng tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đơn cử mới đây, một số DN đã tham gia phát triển các loại thủy sản thu nhập cao như nuôi bào ngư, cá mú, cá bơn, tôm thẻ… công nghệ nước ngoài do Công ty Fineton (Hồng Công, Trung Quốc) chuyển giao. Theo Giám đốc Công ty TNHH Như Nam Đặng Ngọc Bảo, việc cùng tham gia đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp, giúp các DN vững bước trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội bằng “hai chân”. Không chỉ DN trong tỉnh mà các “ông lớn” khác như Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk đang tiến hành các bước xây dựng vùng chăn nuôi tập trung kết hợp trồng cỏ để phát triển trang trại nuôi bò thịt, bò sữa với quy mô hàng trăm nghìn con tại các huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Tuy mới là bước khởi đầu, số DN tham gia chưa nhiều nhưng đây chính là tiền đề để tỉnh và các DN có bài học kinh nghiệm để tiếp tục “xoay trục” đầu tư sâu vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững trên đất nghèo Hà Tĩnh.

Bài, ảnh: THÀNH CHÂU

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP