Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Hành nghề y, dược không phép (Bài 2)

– Quản lý quá lỏng lẻo

 Việc các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và pháp lý ngang nhiên tồn tại hàng chục năm nay, nguyên nhân chính vẫn là công tác quản lý quá lỏng lẻo. Sự thiếu chặt chẽ trong phân cấp quản lý, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một số cấp, ngành đã “mở đường” cho các cơ sở hành nghề kiểu này hoạt động…

Theo bác sỹ Nguyễn Đình Dũng – Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) thì cùng một lúc, cơ sở của ông Nguyễn N. (Đức Thọ) vừa hành nghề không phép, vừa phạm vào những điều “tối kị” như: đã hành nghề đông y thì không tiêm, truyền, bán thuốc tây; vừa khám bệnh, vừa bán thuốc. Vi phạm khá nghiêm trọng, song, với người dân xung quanh, ngoài sự tiện lợi được khám bệnh, mua thuốc gần nhà, đỡ mất công đi lại, xếp hàng như đến các cơ sở y tế công lập dưới huyện thì họ cũng chẳng mấy quan tâm, mà nói đúng ra là có quan tâm thì cũng khó mà nhận biết cơ sở hành nghề y, dược nào là hợp pháp, cơ sở nào là bất hợp pháp. Còn với chính quyền địa phương và phòng y tế huyện thì ngoài nhắc nhở, xử phạt theo mỗi đợt có đoàn thanh tra, kiểm tra, sau đó thì việc ai nấy làm. Có lẽ vì thế mà cơ sở của ông N. đã tồn tại, hoạt động gần 20 năm qua?!

Hành nghề y, dược không phép (Bài 2): Quản lý quá lỏng lẻo
Rất nhiều loại thuốc ở cơ sở hành nghề của ông Nguyễn Nam Ninh (xóm 7, xã Đức Yên, Đức Thọ) đã hết hạn sử dụng. Trong ảnh: Đoàn giám sát của Ban VH-XH, HĐND tỉnh đến kiểm tra tại cơ sở của ông Ninh

Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2013, đơn vị đã tổ chức 4 đợt với 194 lượt thanh tra, kiểm tra; phát hiện và xử phạt hành chính 57 cơ sở hành nghề vi phạm với số tiền 257.750.000 đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi trên thực tế, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập này “sờ đâu sai đấy”.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân chính là do công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập của ngành Y tế đang còn lơi lỏng. Một số nội dung công việc chưa được thực hiện đầy đủ, theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy định liên quan đến công tác hành nghề y, dược ngoài công lập mới chỉ thực hiện một chiều. Quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ vướng mắc, phát sinh vấn đề phức tạp do một số quy định không phù hợp… nhưng chậm được ngành Y tế tiếp nhận, tổ chức tổng hợp các ý kiến phản hồi để chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, công tác thống kê, theo dõi cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Hiện tại, Sở Y tế mới chỉ nắm được số cơ sở đến đăng ký và đã được cấp phép; còn lại không nắm bắt chính xác số lượng, chất lượng hoạt động nên không đề ra được các giải pháp để đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, rộng khắp… Công tác phối hợp giữa ngành Y tế với địa phương và các cấp, ngành liên quan chưa tốt; thiếu các biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, dẫn đến tình trạng cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập đã sai lại tiếp tục tái phạm.

Hành nghề y, dược không phép (Bài 2): Quản lý quá lỏng lẻo
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh không được cấp phép vẫn ngang nhiên trương biển quảng cáo

Nguyên nhân của thiếu sót này một phần là do hệ thống các văn bản chính sách pháp luật liên quan đến quản lý hành nghề y, dược nói chung và hành nghề y, dược ngoài công lập nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Bản pháp luật hiện hành, thẩm quyền quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của Sở Y tế, không quy định hoặc phân cấp quản lý cho UBND cấp huyện và cấp xã cùng tham gia. Nghĩa là trách nhiệm “thổi còi” được “khoán trắng” cho Sở Y tế trong khi chính quyền các cấp đều có chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn. Bất cập này chính là “lỗ hổng” chết người của các cơ quan quản lý nhà nước, Sở Y tế thì “trăm công ngàn việc”, không sâu sát cơ sở trong khi UBND cấp huyện, xã lại “ngồi chơi trên khán đài” thì công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp là điều tất yếu.

Gần như các địa phương chưa xem đây là nhiệm vụ chuyên môn, thường xuyên của mình, từ đó chậm phát hiện các hành vi, hoạt động trái pháp luật để báo cáo, đề xuất với cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý. Điều này cũng lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến những trường hợp như cơ sở hành nghề của ông Nguyễn N. hoạt động trái phép suốt thời gian dài mà không được xử lý dứt điểm.

Các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập là các “cầu thủ” trên sân bóng, Sở Y tế là “trọng tài” có trách nhiệm điều hành, quản lý và người dân được ví như những khán giả trên khán đài. Khi các “cầu thủ” chơi không đúng luật, “trọng tài ngủ quên” thì mỗi người dân cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, trở thành khán giả thông thái lựa chọn trận đấu nào nên “theo dõi”. Bởi kết quả của những “trận bóng” này không phải là thắng – thua của một cuộc chơi mà là sức khỏe, sinh mạng của chính chúng ta.

Tuấn Nghĩa – Thăng Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP