Kinh tế

Hà Tĩnh: Hàng trăm hecta rừng bị “đốn hạ” để nuôi bò

Nhằm mục đích phục vụ cho dự án nuôi bò của công ty CP Bình Hà, hàng trăm hecta rừng thông, keo, bạch đàn… đã hơn 10 năm tuổi trên địa bàn xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên ,Hà Tĩnh ) bị đốn hạ một cách không thương tiếc.

Theo đó, dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh do công ty CP chăn nuôi Bình Hà thực hiện, có quy mô 150.000 con bò, được triển khai trên địa bàn hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh), với tổng diện tích hơn 5.000 ha. Đến nay, công ty đã trồng được 750 ha cỏ, nhập về 30.000 con bò Úc, trong đó tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên là 14.000 con. Đây được đánh giá là một “siêu dự án” nên ngay từ khi triển khai.

Để có đất phục vụ dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho doanh nghiệp thuê 6.119 ha rừng và đất lâm nghiệp tại hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Theo quyết định số 1803/QĐ – UBND ngày 14/5/2015 của chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về điều chỉnh quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên để trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò.

hatinh24h

Anh Tuấn xót xa khi cả khu vực rừng thông này sắp bị chặt bỏ

Quyết định ghi rõ, đưa ra khỏi quy hoạch phát triển câu cao su trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng diện tích 4.258,8 ha thuộc địa bàn hai huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp chăn nuôi, trồng cỏ. Trong đó Kỳ Anh: 1.469, 2 ha và Cẩm Xuyên 2.789,6 ha.

Tiếp đó, công ty Bình Hà có tờ trình số 59/TTr – CT ngày 12/4/2016 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng 120,14 ha đất rừng ( gồm 38 lô thuộc khoảnh 4,5,7,8a, tiểu khu 311 trên địa bàn xã Cẩm Quan ) sang thực hiện chăn nuôi bò giống. Về phía UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau khi nhận được tờ trình, ngày 25/05/2015, UBND tỉnh có quyết định số 1248/QĐ – UBND , do ông Đặng Ngọc Sơn, PCT UBND ký về việc chuyển mục đích sử dụng 120, 14 ha đất rừng tại xã Cẩm Quan sang thực hiện dự án nuôi bò giống, bò thịt.

Quyết định của UBND tỉnh về chuyển đổi diện tích đất rừng sang nuôi bò

Cẩm Quan là một xã miền núi, đất đai khô cằn, sỏi đá, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa được hoàn thiện nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, xã đã hướng bà con đến trồng rừng, đặc biệt là cây thông để phát triển kinh tế. Trong những năm trở lại đây số  lượng các hộ gia đình tham gia trồng thông ngày càng đông, vì người dân đã nhận thấy được đây là loại cây có thể giúp họ xóa đói, giảm nghèo và ổn định cuộc sống – ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan cho biết.

Ông Trần Văn Trung, là một trong số những hộ dân thoát nghèo nhờ cây thông. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ các hệ hệ thông tiện nghi,  ông cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình ông rất vất vả, phải lo miếng ăn hàng ngày, chưa bao giờ ông mơ đến việc có nhà cao cửa rộng . Dù cả hai vợ chồng quần quật suốt ngày nhưng cái nghè, cái đói cứ đeo bám.  Khoảng hơn mười năm trước, khi nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, gia đình tôi đã mạnh dạn nhận 5 ha rừng  thông với mong muốn có thể thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch được khoảng một tấn rưỡi thông, bán được 50 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng thu nhập từ nhựa thông khoảng 8 triệu đồng.

Rừng thông ở tiểu khu 311 thuộc xã Cẩm Quang sẽ bị xóa sổ để làm dự án chăn nuôi bò

Cũng theo ông Trung, cây thông có lợi hơn hẳn cây keo vì cây thông cho nhựa khoảng 9 tháng/ năm và có thể khai thác trong thời gian gần 20 năm, sau đó, khai thác gỗ để bán; gỗ thông cũng dễ tiêu thụ. Không chỉ gia đình ông Trung, rất nhiều hộ dân ở xã Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Mỹ vươn lên thoát nghèo nhờ cây thông như gia đình ông Nguyễn Chính Hiếu, Nguyễn Chính Bình , Nguyễn Văn Luận…

Có rừng thông, người dân chúng tôi có cơ sở để tự tin trên con đường xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ cây thông màtỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều so với trước đây, thu nhập bình quân đầu người cũng cao hơn. Cây thông là loại cây phát triển bền vững, rất hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo. Nếu như bây giờ mà chặt bỏ hàng trăm ha rừng thông này đi thì chúng tôi mất đi miếng cơm manh áo, lại mất đi nguồn thu nhập chính, rồi cuộc sống lại nghèo đói như xưa – một người dân nói.

Chúng tôi nhận khoán, canh tác rừng thông từ ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với thời gian 50 năm, đã nộp tiền làm bìa đỏ. Tuy nhiên, chỉ mới sử dụng được một thời gian thì nhận được thông báo nhà nước đã thu hồi lại để nhường đất cho dự án chăn nuôi bò. Bao nhiêu năm nay chúng tôi gắn bó với đất rừng. Đó là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Bây giờ chặt bỏ rừng thông, rừng keo, rừng bạch đàn để thu hồi đất, người dân chúng tôi biết lấy gì làm ăn, trong khi quyền lợi của người dân thì còn mịt mờ, về tương lai chưa biết thế nào”  – Ông Nguyễn Anh Tuấn (thôn 1, Cẩm Quan) bức xúc nói.

Nhiều người dân cho biết, rừng thông nằm trong diện tích chuyển đổi lần này, đa số là rừng thông bền vững, rừng thông siêu nhựa, được dùng để ươm giống. Trung bình mỗi ha có 500 đến 600 cây. Hơn nữa đây là vùng đồi núi dốc đứng nên cũng không thích hợp với việc trồng cỏ vì vậy người dân rất muốn chính quyền cân nhắc giữa chăn nuôi bò và rừng thông. Không chỉ xã Cẩm Quan, mà các xã Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Mỹ hàng trăm hộ dân cũng đang rơi vào cảnh nơm nớp, lo sợ vì một ngày không xã hàng trăm ha đất rừng của họ sẽ lần lượt bị thu hồi để phục vụ cho dự án chăn nuôi bò.

 Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Ninh, trưởng ban quản  lý khu bảo tồn thiên nhiên kẻ gỗ cho biết : “Việc chuyển đổi mục đích hàng trăm ha rừng sang chăn nuôi bò đã làm ảnh hưởng không nhỏ nhỏ đến đời sống nhiều hộ dân. Trong diện tích thông bị chặt bỏ, có những khu chuyên dùng để lấy giống. Hơn nữa đây là những diện tích đất cằn cỗi, độ dốc cao chỉ thích hợp với trồng cây thông nhưng phía ban chúng tôi cũng không thay đổi được chủ trương của UBND tỉnh. Bản thân chúng tôi cũng không muốn chặt số rừng thông đó…”.

Từng có một thời người ta ào ạt chặt phá rừng để chuyển đổi trồng cây cao su, khi loại cây này đang ở thời đại hoàng kim. Bây giờ, cao su rớt giá, lại bị hắt hủi, chặt phá để “nhường chỗ” cho dự án hàng nghìn tỷ. Hệ lụy của nó là hàng ngàn công nhân của công trường cao su mất việc, bơ vơ, người dân mất rừng.

Thu Hường – Hảo Hảo/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP