Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Hàng loạt nhà máy nước “chết yểu” dân kêu trời vì…khát!

Sau mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của người dân lên cao nhưng hàng loạt nhà máy nước ở Hà Tĩnh hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân do quản lý vận hành không tốt, điều tra, khảo sát không kỹ, nguồn vốn ít, thiết kế không đồng bộ, thu không đủ chi…đã khiến tình trạng thiếu nước trong toàn tỉnh xảy ra trầm trọng.

Nắng nóng kéo dài ở miền Trung mấy tháng gần đây đang khiến cho nhu cầu sử dụng nước của người dân càng cao. Đây cũng là một trong những vấn đề đang làm đau đầu các địa phương, cũng như các ban ngành. Có những nơi người dân phải tìm đến những ao hồ, sông suối lấy nước về sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày, thậm chí là phải dùng cả nguồn nước ô nhiễm để duy trì cuộc sống, khi các nguồn nước trên mặt dường như đang dần bị cạn kiệt.

hatinh24h

Nhà máy nước Đức Lạng không hoạt động

Nhu cầu cao là vậy nhưng việc các nhà máy nước bị bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả thậm chí là bị “khai tử” đang diễn ra ở Hà Tĩnh, khiến cho người dân nơi đây đang “khóc ròng” từng ngày vì…khát.

Ông Đoàn Văn Khang – Trưởng phòng Kế hoạch của Trung tâm nước sạch & vệ sinh môi trường tỉnh Hà Tĩnh, người tham gia quá trình đi kiểm tra, khảo sát thực tế thực trạng của các nhà máy nước tại các địa phương cho biết, trên toàn tỉnh có 49 công trình nhà máy nước được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động, nhưng phần lớn là không phát huy được hiệu quả dẫn đến nhiều hạn chế trong việc sử dụng.

Các nhà máy nước, sau khi đi vào hoạt động nhằm để đáp ứng việc cung cấp nguồn nước sạch phục vụ bà con nhân dân, với nhiều nguồn vốn hỗ trợ cũng như chủ đầu tư khác nhau.

Tuy nhiên, đến năm 2013 khi lập đoàn thanh tra đi khảo sát thì có tới 10 công trình nhà máy nước bị thanh lý. Mới đây nhất, có thêm hai công trình đó là nhà máy nước Gia Dù – Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên và xã Hương Lâm, huyện Hương Khê cũng bị giải thể. Đây là trong số những nhà máy không thể nâng cấp sửa chữa cũng như có một giải pháp nào hữu hiệu nhằm phát huy được tác dụng.

Nhà máy nước Đức Dũng chưa đưa vào sử dụng đã bị thanh lý

Một trong số những công trình bị thanh lý năm 2013 có công trình nhà máy nước Đức Dũng, huyện Đức Thọ, Là công trình nằm trong dự án UNDP và DFID với tổng đầu tư gần 1 tỷ đồng, bắt đầu khởi công năm 2008 và đến 2009 thì hoàn thành.

Nhà máy được hoàn thành, trong sự vui mừng, hồ hởi của bà con, mọi người vội vàng đua nhau đi mua ống, vòi về thuê thợ đến bắt về tận từng hộ gia đình hi vọng có nước sạch để sử dụng. Vậy mà, nhà máy chưa đi vào hoạt động ngày nào đã phải đóng cửa mà bà con không hề được biết nguyên nhân vì sao?

Niềm vui chưa trọn thì nỗi buồn lại ồ ạt kéo đến. Đường ông mua về, máy móc chuẩn bị chưa được sử dụng nay đều bị hư hỏng, tiền bạc bỏ ra lại không biết kêu ai để hỏi, nên đành phải lắc đầu cho qua.

Bà Nguyễn Thị Minh – Chủ tịch UBND xã Đức Dũng, bà Minh cho biết, Đức Dũng là một xã miền núi nên có nhu cầu sử dụng nước sạch rất cao nhưng trong khi đó nước lại không có. Việc đóng cửa nhà máy nước cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau: việc xây dựng nhà máy nước chưa có kỹ thuật, bồn thiết kế lại thấp, trong khi đó đường ống nước lại bị rò rỉ nhiều nơi, đã vậy quá trình khảo sát thực tế không rõ nên nguồn nước lấy về không đảm bảo. Điều này dẫn đến tình trạng nhà máy nước dù được xây dựng nhưng lại bỏ không nằm chỏng chơ giữa cánh đồng.

Dường như, việc tận dụng các dự án các nguồn hỗ trợ từ trên rót về xây dựng công trình dự án tràn lan không tính toán, trong lúc đó năng lực lại yếu kém dẫn đến tình trạng hàng loạt các nhà máy nước bị khai tử là điều đương nhiên xảy ra trong các địa phương.

Không phát huy tác dụng vẫn không thanh lý!

Theo ông Đoàn Văn Khang, hiện tại còn có rất nhiều nhà máy không phát huy được hiệu quả nhưng vẫn chưa cho thanh lý. Ông cho rằng, việc thanh lý một nhà máy nước không phải là chuyện đơn giản thích thì làm. Nếu nhà máy đó có thể nâng cấp sữa chữa, nhu cầu của người dân đang cao thì bắt buộc là không được thanh lý, mà lúc nào địa phương có thể nâng cấp sữa chữa được thì làm.

Hiện tượng cát bồi lấp khiến cho nhà máy Đức Lạng không có nước để vận hành

 Giống như nhà máy nước Đức Lạng, được Trung tâm nước sạch & VSMT tỉnh đầu tư gần 7 tỷ đồng năm 2009, năm 2010 bắt đầu đưa vào hoạt động, nhưng trong quá trình đó việc vận hành cũng như quản lý của địa phương không tốt, bên cạnh đó do việc làm các con đường giao thông nông thôn dẫn đến làm hỏng các đường ống. Tuy trung tâm đã cho người đến tập huấn công tác vận hành, bảo dưỡng cho nhà máy nhưng việc thực hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả đến nay thì nhà máy không thể vận hành được cũng đang khiến cho nhiều người lo ngại.

Để giải thích cho tình trạng này, ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho rằng, việc nhà máy nước không thể vận hành được là do việc xử lý nguồn nước đầu nguồn không tốt, cũng như khi xây dựng cầu Đồng Văn và đắp chân đập thủy lợi Ngàn Trươi, dòng chảy bị bồi lấp, hiện tượng cát bồi lắng làm mất nguồn nước mặt khiến cho máy không thể vận hành, rồi hiện tượng máy bơm bị cháy liên tục trong một thời gian dài cũng khiến quá trình vận hành gặp trục trặc.

ng Hiệp cho hay, từ khi nhà máy nước đi vào hoạt động đến nay luôn gặp sự cố, khi khắc phục được vấn đề này thì vấn đề khác lại nảy sinh dẫn đến tình trạng nhà máy không thể vận hành được thường xuyên và liên tục làm ảnh hưởng một phần không nhỏ đến đời sống của bà con nhân dân.

Không có nguồn

Ngoài những nhà máy không hoạt động hay hoạt động kém hiệu quả lại có những nhà máy nước hoạt động rất tốt nhưng lại không đủ công suất vận hành để cung cấp nước cho người dân, như ở xã Trường Sơn, Đức Thọ hay Thạch Bàn, huyện Thạch Hà.

Các nhà máy hoạt động kém thì dân chúng không sử dụng nước, còn ở đâu nhà máy vận hành tốt thì nhu cầu của người dân ngày một cao, trong khi đó việc để nâng cấp, tu sửa một nhà máy nước cần một nguồn vốn khá lớn, nhưng hiện tại lại chưa có nguồn nào để đáp ứng cả.

Giống như ở Trường Sơn, sau nhiều lần khảo sát thấy nhà máy hoạt động rất tốt mà nhu cầu của hàng ngàn hộ dân xung quang đang rất cần, tuy đã nhiều lần lập đề án nhằm xử lý nhưng chưa có nguồn nên đành chịu không thể thực hiện.

Theo ông Đoàn Văn Khang nhu cầu thì cao, năng lực yếu kém, dẫn đến hàng loạt nhà máy nước bị “khai tử”, đó cũng đang là một bài toán khó cần tỉnh phải vào cuộc xử lý, nhằm đưa ra được một phương án tích cực để “cứu khát” cho nhân dân. Việc các cấp huyện chưa thật sự quan tâm sâu sát, hay sự vào cuộc của các cấp các ngành đang còn hời hợt đó chính là nguyên nhân dẫn đến càng ngày tình trạng các nhà máy nước bị thanh lý càng cao.

Theo Diễm Phước / Đời sống & Tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP