Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Hàng loạt công trình nước sạch phải “khai tử”

Nhà máy nước xã Cương Gián bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Trần Tuấn

Dù đầu tư tốn kém hàng trăm tỉ đồng, nhưng hàng chục công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng bị “chết yểu” hoặc phải “khai tử”. Một số khác thì xuống cấp, hư hỏng khiến người dân ngao ngán.

Công trình 2,3 tỉ đồng, sử dụng… 1 tháng(!?)

Ông Nguyễn Xuân Huy (82 tuổi, trú thôn Đông Tây, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thở dài ngao ngán khi nói về cái công trình nước sạch của xã nhà đã “chết” cách đây 7 – 8 năm chỉ sau khi vừa bơm thử nước được vài tuần.

“Nước bơm về chảy quá yếu, hứng cả ngày chỉ được vài ba xô. Đã vậy, khi nấu nước chè lên thì đỏ ngầu nhìn rất sợ không ai dám uống. Vì rứa mà cả làng không ai dám dùng nữa. Rồi người ta bỏ hoang trạm bơm đến chừ luôn” – ông Huy kể.

Cũng theo ông Huy, thời điểm đó, người dân phải góp mỗi hộ 1 triệu đồng để được sử dụng nước máy. Sau khi nhà máy nước bỏ hoang, gia đình ông Huy đã phải sử dụng đến 2 giếng khoan. Tuy nhiên, nguồn nước vẫn bị nhiễm phèn nặng khiến người dân rất lo lắng.

Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián – ông Nguyễn Văn Thanh – cho biết: Công trình nước sạch của xã có tổng vốn đầu tư 2,3 tỉ đồng, trong đó, vốn đối ứng là 800 triệu đồng được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2006. Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 tháng thì phải bỏ vì người dân lo ngại chất lượng nước không đảm bảo nên họ không dùng nữa.

Theo ông Thanh, thực tế nhu cầu dùng nước sạch của người dân xã Cương Gián là rất cao, bởi hiện toàn xã có gần 3.100 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, nguồn nước có đảm bảo thì dân mới dám dùng.

Công trình nước sạch tại xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ đồng do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (thuộc Sở NNPTNT Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, được bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Tuy nhiên, đến nay chỉ sau 2 năm vận hành đã xảy ra 4 lần cháy máy bơm.

Thời điểm này, khi máy bơm bị cháy chưa được thay thế, người dân vẫn đang “khát” chờ nước. Điều đáng nói, công trình nước sạch ngoài tiền của Nhà nước, người dân còn phải đóng góp mỗi hộ 2 triệu đồng để được sử dụng nước. Tuy nhiên, tình trạng nước thất thường, “bữa đực bữa cái” khiến nhiều hộ dân rất bức xúc.

Mới đây, công trình nước sạch ở xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) có tổng vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia và vốn đối ứng do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi vừa mới vận hành thử thì ống nước đã bị vỡ nhiều nơi. Nguyên nhân được xác định do đơn vị thi công sử dụng ống dẫn nước không đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Điều này đã được Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc – ông Võ Nhân Nông – thừa nhận.

“Khai tử” hàng loạt công trình

Ngày 25.3, Phó GĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh, kiêm Phó Chánh Văn phòng thường trực nông thôn mới – ông Trần Huy Oánh – cho biết: Đối với công trình nước sạch ở xã Cương Gián, mặc dù đã tiến hành lấy mẫu nước phân tích và cho kết quả chất lượng nước vẫn đảm bảo, tuy nhiên, do người dân khi nấu nước lên thấy màu nước chè không xanh nên họ sợ chất lượng không đảm bảo, rồi không sử dụng nữa. C

ũng vì thế, nhà máy phải bỏ hoang từ nhiều năm nay. Còn về công trình nước sạch ở xã Đức Lạng, ông Oánh cho rằng, nguyên nhân do máy đặt dưới sông nhưng qua thời gian, dòng chảy biến đổi nên khi máy hút nước bị cát lẫn vào dẫn đến tình trạng liên tục cháy máy. Hiện lãnh đạo sở cũng đang khẩn trương đề xuất phương án khắc phục bằng cách có thể khoan 2 giếng ở bờ sông rồi bơm nước lên.

Ông Nguyễn Viết Nhất – nguyên GĐ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Hà Tĩnh, đơn vị chủ đầu tư dự án nước sạch xã Đức Lạng – cũng cho rằng: Nguyên nhân máy bơm thường xuyên bị cháy là khách quan, do biến đổi dòng chảy, khiến dòng nước có nhiều cát rồi khi bơm, máy hút cát vào trong dẫn đến cháy.

Về công trình nước sạch ở xã Thiên Lộc, ông Oánh cho rằng công trình đang chạy thử nên có sự cố, nhưng đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục rồi. Ông Oánh cũng thông tin, vừa qua, Sở NNPTNT phối hợp với Sở Tài chính đã thành lập đoàn kiểm tra, rồi UBND tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra và đã tiến hành kiểm tra tất cả 49 (100%) công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh và kết luận có 20 công trình xuống cấp nặng cần khắc phục, sửa chữa gấp.

Về nguyên nhân xuống cấp, đoàn kiểm tra kết luận do việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng chưa tốt. Ngoài ra, một số công trình do khảo sát, thiết kế chưa được chuẩn, một số công nghệ thiết bị đã lạc hậu. Một câu hỏi phải đặt ra là: Tại sao không truy tìm trách nhiệm của cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí, không hiệu quả nói trên?

(Theo LĐO)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP