Tin

Hà Tĩnh: Giải bài toán sáp nhập trường nghề sao cho hợp lý?

Theo lộ trình Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Hà Tĩnh, việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề- Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDTX) thị xã Hồng Lĩnh vào Trường trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh đang để lộ nhiều bất cập.

hatinh24h

Lớp học nghề trung cấp may công nghiệp và thời trang 

Trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bởi ưu thế phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục- đào tạo nghề trên địa bàn theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiêp… Tuy vậy, với việc sáp nhập Trung tâm  Dạy nghề- Hướng nghiệp và GDTX thị xã Hồng Lĩnh vào Trường trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh đóng trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đang để lộ ra quá nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn Hồng Lĩnh và vùng phụ cận.

Trước hết, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đề án trên theo Quyết định: 2142/QĐ-UBND ngày 2/8/2016, chồng chéo với Thông tư liên tịch số: 39/2015/TTLT –BLĐTBXH-BGDĐT- BNV của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT- Bộ NV. Tại Điều 1, Liên bộ hướng dẫn: “Sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm GDTX, Trung tâm Kỹ thuật-Tổng hợp-Hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm GD nghề nghiệp – GDTX; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm GDNN-GDTX”. Như vậy, Trung tâm nằm trong mạng lưới Giáo dục của Quốc gia và điều này được qui định tại Luật Giáo dục năm 2005. Tại mục 5 điều 44, 45, 46, ghi rõ: “Trung tâm GDTX được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện” với chức năng: “Giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội. Nhà nước có chính sách phát triển GDTX, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập”.

Hà Tĩnh: Giải bài toán sáp nhập trường nghề sao cho hợp lý? - Ảnh 2Trung tâm DN-HN&GDTX Hồng Lĩnh

Trung tâm DN-HN&GDTX Hồng Lĩnh được thành lập năm 2012, trên cơ sở Trung tâm GDTX-HNDN Hồng Lĩnh. Trung tâm  luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và đạt được nhiều thành tích trong công tác giáo dục văn hóa và hướng nghiệp dạy nghề. Về cơ sở vật chất, Trung tâm được quy hoạch trên diện tích 2,7ha, tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh; có 18 phòng học lý thuyết kiên cố, hiện đại; 01 hội trường lớn;  6 phòng thực hành nghề, trong đó có 2 phòng thực hành nghề may, 2 phòng thực hành nghề điện công nghiệp và dân dụng, 1 phòng thực hành nghề hàn, 1 phòng thực hành tin… gồm đầy đủ các trang thiết bị dạy và học hiện đại.

Nhà trường có đội ngũ giáo viên và cán bộ công nhân viên chức gồm 28 người, trong đó có 4 thạc sỹ, số còn lại đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và Tổng cục Dạy nghề; hàng năm đào tạo thường xuyên 245 học sinh THPT hệ GDTX kết hợp đào tạo nghề dài hạn (trong đó có các nghề: Cơ khí, cơ điện, tin, may mặc, kỹ thuật chế biến món ăn)… để sau khi ra trường các em được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, nghề nghiệp tự tin vào đời.

Hà Tĩnh: Giải bài toán sáp nhập trường nghề sao cho hợp lý? - Ảnh 3Học sinh THPT của Trung tâm học nghề dài hạn (nghề cơ khí)

Đặc biệt, trong 2 năm học gần đây với sự cố gắng của đội ngũ giáo viên, học sinh, Trung tâm đã đạt được những kết quả cao, cụ thể tỉ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015 đạt 100%; năm 2016 đạt  87,5%, đứng đầu trong 16 Trung tâm,  đơn vị dạy nghề khối GDTX của toàn tỉnh Hà Tĩnh. Về chất lượng mũi nhọn, năm học 2015-2016, Trung tâm có 17 em đạt học sinh giỏi tỉnh, trong đó có em Phan Chí Trung đạt giải Nhì Quốc gia về Cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay; cô Phạm Thị Thùy Dương đạt giải Ba cuộc thi Dạy học liên môn do Bộ GD&ĐT tổ chức…

Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết đào tạo với các trường: Cao đẳng nghề cơ điện luyện kim Thái Nguyên, Cao đẳng nghề Vinatex, Đại học Miền Trung, Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Hồng Lam… Hàng năm,  đào tạo cho 500 lượt lao động học nghề dài hạn, hàng trăm lượt lao động nông thôn  học nghề ngắn hạn theo Đề án 1956.Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Phòng GD&ĐT bồi dưỡng giáo viên, nâng cao trình độ, bồi dưỡng cho cán bộ, nông dân theo nhu cầu “cần gì học nấy”, tạo cơ hội cho người lao động được học tập suốt đời.

Đặc biệt, Trung tâm còn thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm và XKLĐ cho người lao động trên địa bàn Hồng Lĩnh và vùng phụ cận. Cụ thể, trung bình hàng năm tư vấn cho 8000 lượt người; hợp đồng với các doanh nghiệp lớn tạo việc làm cho hơn 500 lao động;  XKLĐ cho hơn 100 lượt người tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, khối liên minh châu Âu và các nước khu vực Trung Đông…

Hà Tĩnh: Giải bài toán sáp nhập trường nghề sao cho hợp lý? - Ảnh 4Lớp bồi dưỡng giáo viên tại Trung tâm

Với kết quả hoạt động của Trung tâm trong những năm qua cho thấy đây là một cơ sở giáo dục và hướng nghiệp dạy nghề có uy tín, hiệu quả cao cần được phát huy hết thế mạnh trong những năm tiếp theo. Trong lúc đó, theo Quyết định 2142 ngày 02/8/2016 của UBND Hà Tĩnh, căn cứ vào mục tiêu: “rà soát, sáp nhập một số Trung tâm công lập hoạt động kém hiệu quả vào trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN công lập đóng trên cùng địa bàn”. Cụ thể đối với Trung tâm DN-HN&GDTX Hồng Lĩnh sáp nhập vào trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh là không phù hợp và mâu thuẫn. Bởi theo tìm hiểu của PV Báo Điện tử Dân Sinh thì Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh nguyên là một Trung tâm  đào tạo nghề lái xe cơ giới, không  đủ điều kiện cơ sở, vật chất và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công tác GDNN-GDTX, càng không phù hợp với mô hình xã hội hóa giáo dục trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và vùng phụ cận.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG- VĂN VỴ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP