Người đương thời

Hà Tĩnh: Gặp 2 nam sinh miền núi sáng chế rào chắn đường sắt tự động

Sẽ chẳng có gì phải bàn nếu đây là sáng kiến những em học sinh vùng thành phố, thị xã. Nhưng thật bất ngờ ở tại huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), nơi không hề có đường sắt đi qua, 2 em học sinh đam mê công nghệ này ý thức được thực trạng tai nạn đường sắt ngày càng gia tăng mà đã sáng tạo thành công mô hình “rào chắn đường sắt tự động”.

>> Hà Tĩnh: Hai cậu học trò với hành trình mang rào chắn đường sắt từ miền núi xuống đồng bằng

Những ngày này, về vùng đất học huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) hỏi thăm về hai cậu học trò vừa đạt giải từ cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) toàn quốc, ai ai cũng hết sức vui mừng mà trầm trồ khen ngợi. Hai em đã góp phần làm nên thành công mới cho ngành giáo dục huyện Hương Sơn.

Học trò vùng biên và sáng kiến “rào chắn đường sắt tự động”

Hai nhà sáng chế ấy là em Nguyễn Phùng Quốc Tuấn, học sinh lớp 9A và em Trịnh Huy Bằng, học sinh lớp 9D của trường THCS Sơn Kim.

Gặp 2 nam sinh miền núi sáng chế rào chắn đường sắt tự động - Ảnh 1

Hai em Quốc Tuấn và Huy Bằng, học sinh trường THCS Sơn Kim, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bên mô hình rào chắn đường sắt tự động.

Hai em mừng rỡ khoe với chúng tôi rằng, các em đã vượt qua hàng trăm đối thủ để xuất sắc giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo KHKT với mô hình rào chắn đường sắt tự động.

Về ý tưởng sáng chế mô hình này, Tuấn và Bằng cùng chia sẻ: “Cả nước ta có 34 tỉnh thành có đường sắt đi qua, gần 4000 tuyến đường sắt đi qua các khu dân sinh; tuy chúng em không sống gần những nơi này nhưng xuất phát từ thực trạng tai nạn đường sắt thương tâm thường xuyên xảy ra, chúng em có ý tưởng sáng kiến ra rào chắn đường sắt dân sinh. Điều đó đã làm chúng em nghĩ rằng, phải thiết kế ra một hệ thống rào chắn tự động đảm bảo an toàn nhưng phải tiết kiệm chi phí cho ngành đường sắt. Những ngày đầu khi lên ý tưởng và cả lúc bắt tay thực hiện đều hết sức khó khăn do điều kiện kinh tế, các thiết bị mua để thực hiện sáng kiến cũng không dễ, chủ yếu phải đặt qua mạng và mất nhiều thời gian tìm kiếm thậm chí có những thiết bị phải đặt ở Hà Nội và Sài Gòn mới có”.

Nghĩ là bắt tay vào làm, sau gần một năm mày mò, tìm hiểu, lắp ghép dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo tại trường, mô hình rào chắn đường sắt tự động của Tuấn và Bằng đã hoàn thành.

Gặp 2 nam sinh miền núi sáng chế rào chắn đường sắt tự động - Ảnh 1

Sáng kiến rào chắn đường sắt tự động của Tuấn và Bằng đạt giải Ba cuộc thi sáng tạo KHKT toàn quốc.

Cô Dương Thị Lan, Phó hiệu trưởng trường THCS Sơn Kim cho biết: “Là một ngôi trường nằm ở vùng biên giới, khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật, dân trí cũng như các lĩnh vực xã hội khác còn chưa cao nhưng nhìn sự cố gắng ham học tập và sáng tạo của các em, tôi rất lấy làm tự hào. Nhà trường đã bằng mọi cách giúp đỡ các em hoàn thành đề tài, giao cho một thầy giáo trực tiếp hướng dẫn các em. Giải thưởng mà Tuấn và Bằng mang về là món quà lớn dành tặng cho các thầy cô giáo đã tận tụy, song hành cùng các em”.

Gặp 2 nam sinh miền núi sáng chế rào chắn đường sắt tự động - Ảnh 1

Tuấn và Bằng là niềm tự hào của thầy và trò trường THCS Sơn Kim, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em chia sẻ: “Là người thầy giáo, khi thấy các học sinh của mình sáng tạo khoa học, chúng tôi hết sức vui mừng. Được hướng dẫn song hành cùng các em ngay từ ngày đầu lên ý tưởng, bắt tay thực hiện nhưng để đạt được kết quả như hôm nay cũng không phải là dễ dàng, các em đã rất cố gắng. Nhớ những lúc vì niềm đam mê nghiên cứu mà cả thầy và trò nhịn ăn, đi mượn tiền để mua thiết bị… Hai em Tuấn và Bằng rất thông minh, tiếp thu nhanh và có nhiều tư duy sáng tạo phù hợp thực tiễn nên chỉ cần thầy hướng dẫn qua là các em đã hiểu để làm rồi”.

Và rồi kết quả của sự nỗ lực đó đã không phụ lòng thầy và trò trường THCS Sơn Kim khi mô hình rào chắn đường sắt tự động đã xuất sắc dành giải Nhất toàn tỉnh và đại diện cho Hà Tĩnh tham gia giải sáng tạo KHKT toàn quốc, vượt lên nhiều mô hình khác để đạt giải Ba.

Ngoài điểm chung là yêu môn Khoa học công nghệ, cả hai em Tuấn và Bằng còn là hai lớp trưởng gương mẫu của khối lớp 9, được bạn bè trong lớp yêu mến vì sự thông minh, vui tính và thường xuyên giúp đỡ các bạn học tập.

Hy vọng rằng trong tương lai không xa, sáng kiến về rào chắn đường sắt tự động của hai em học sinh vùng biên sẽ được ứng dụng thực tiễn, những vụ tai nạn đường sắt thương tâm sẽ được giảm đi đáng kể, mang lại sự an toàn cho người tham gia giao thông.

HỒ THẮNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP