Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Đường 4 làn “tắc” giữa chừng, người đi đường lao xuống ruộng

Do thiếu vốn, tuyến đường nhánh mở rộng tỉnh lộ 21 nối đường Hàm Nghi với tỉnh lộ 21 đoạn đi qua huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) chỉ thi công chưa được nửa đoạn đường rồi “tắc” giữa chừng.

Do không cắm biển cảnh báo nên người đi đường thường xuyên lao xuống ruộng, nhất là vào ban đêm.

4 năm chưa thông được đoạn đường

Cuối năm 2014, người dân vùng phía Tây huyện Thạch Hà vô cùng phấn khởi khi con đường tỉnh lộ 21 nối đường Hàm Nghi (TP Hà Tĩnh) được khởi công xây dựng. Tuyến được này được khơi thông ngoài giao thông đi lại thuận tiện còn tạo ra bước đột phá phát triển kinh tế vùng phía Tây của huyện Thạch Hà. Con đường được đầu tư xây dựng với 4 làn, rải thảm nhựa, rộng 12m. Tuy nhiên, con đường này chỉ thi công được một đoạn rồi dừng lại ngay giữa cánh đồng khiến người dân không khỏi thất vọng.

Được biết, con đường này nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 21 (nay là quốc lộ 8C) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt từ năm 2009. Dự án được giao cho UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 367 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 330 tỷ đồng, còn lại là vốn từ ngân sách tỉnh.

Trâu bò dàn hàng dài trên con đường 52 tỷ đồng

Dự án được chia làm hai đoạn. Đoạn một là tuyến chính dài gần 17 km, nối từ ngã ba Ngọc Sơn đến Trạm Bù (xã Thạch Điền, Thạch Hà). Tuyến này đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Còn đoạn tuyến nhánh dài 5,6 km, nối từ đường Hàm Nghi (TP Hà Tĩnh) về xã Thạch Xuân (Thạch Hà) chỉ thi công được 2,3km rồi dừng lại ngay giữa cánh đồng nơi tiếp giáp giữa xã Thạch Xuân và xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà).

Cũng từ đó, tuyến đường này trở thành nơi hoạt động và phóng uế của trâu bò. Người dân khi đi qua đoạn đường này phải rẽ theo con đường đất sang xã Thạch Đài. Thời điểm chúng tôi có mặt, tuyến đường chi chít phân trâu, phân bò. Những đàn bò dàn hàng ngang lấn chiếm hết lòng lề đường.

Một người dân đang đi chăn bò cho biết: Khoảng 4 năm trước, người dân vùng này rất phấn khởi khi thấy con đường rộng rãi, được rải thảm nhựa đi qua giữa cánh đồng nối về thành phố. Tuy nhiên, người ta chỉ thi công được một đoạn rồi dừng lại đến bây giờ. Nhiều người sống ở đây biết đường cụt nên khi đi qua họ rẽ theo đường đất chạy sang phía Thạch Đài, còn người nơi khác đến không biết họ thường lao thẳng. Rất nhiều người đi đường đã lao xuống ruộng, nhất là vào ban đêm”.

Do thiếu vốn

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Đức Quy - Phó trưởng ban xây dựng cơ bản huyện Thạch Hà cho biết: “Hiện tại tỉnh lộ 21 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn tuyến nhánh có chiều dài 5,6km nhưng thi công được 2,3km thì hết vốn nên phải dừng lại. Hiện 3,3 km còn lại không thuộc dự án tỉnh lộ 21 nữa mà đã được UBND tỉnh cắt ra khỏi dự án và chuyển về hình thức BT”.

Nói về nguyên nhân khiến con đường bị “tắc” giữa chừng, ông Quy cho rằng do nguồn vốn rót về dự án chậm, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến trượt giá. Nguyên nhân khác nữa là do thời điểm thi công, Chính phủ có chỉ thị cắt giảm đầu tư công, xử lý nợ xây dựng cơ bản nên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cấp về dự án giảm, không đủ để thực hiện dự án theo thiết kế được phê duyệt. Hơn nữa, thời điểm đó hình thức BT (hình thức đổi đất lấy hạ tầng) đang thịnh hành nên tỉnh muốn cắt giảm đầu tư công để chuyển giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Đường bị cắt đoạn ngay giữa chừng khiến nhiều người đi đường lao xuống ruộng

Theo đó, HĐND tỉnh tổ chức họp bàn và chấp thuận cắt 3,3km tuyến nhánh từ đường Hàm Nghi đến tỉnh lộ 21 chuyển sang đầu tư theo hình thức BT và giao cho sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Phần còn lại UBND huyện Thạch Hà tổ chức thi công theo kế hoạch.

Cũng theo ông Quy, việc 3,3km đến nay chưa được đầu tư phụ thuộc vào tỉnh kêu gọi. Hiện tại chưa có doanh nghiệp nào chính thức tiếp nhận đoạn đường này. Cũng có nhiều doanh nghiệp về khảo sát, lên phương án đầu tư nhưng chưa có doanh nghiệp nào ký hợp đồng. Tỉnh muốn đầu tư theo thiết kế đường 42m chứ không phải theo thiết kế 12m như trước đây nên nguồn vốn đầu tư vào dự án này rất lớn dẫn đến nhiều doanh nghiệp còn e ngại.

“Chúng tôi mong muốn nếu chưa thể thông tuyến được thì các cấp, các ngành bổ sung đầu tư nối đoạn đường này về huyện lộ 2 cách khoảng 1,2km. Huyện lộ 2 là con đường huyết mạch nối trung tâm thị trấn huyện Thạch Hà về các xã vùng phía Tây Nam của huyện. Việc đấu nối sẽ phát huy được công năng, đảm bảo một phần mục tiêu của dự án” - ông Quy nói thêm.

Tác giả: Tâm Đan

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP