Tin Hà Tĩnh

Dự án “độc nhất vô nhị” rau xanh trên cát có nguy cơ “xóa sổ”

Dự án sản xuất rau củ quả trên cát từng được Hà Tĩnh ví là “độc nhất vô nhị”, biến vùng sa mạc cát thành cánh đồng rau bạt ngàn, xanh tốt.

Thế nhưng, từ đầu năm 2017 đến nay, dự án này liên tục gặp khó khăn, đặc biệt là sau cơn bão số 10 vừa qua.

Dự án trồng rau xanh trên cát chỉ qua một trận bão thì đã tan hoang

Từ cánh đồng rau sạch trên sa mạc cát

Từ những ngày đầu năm 2013, dự án sản xuất rau - củ - quả công nghệ cao trên cát, với công nghệ tưới của Israel bắt đầu hình thành, người dân làng cát dường như không tin dưới những tầng cát bỏng rát chân người lại có thể gieo mầm những chồi xanh.

Cái điều tưởng như không thể, đã hóa thành có thể khi cán bộ kỹ thuật của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đặt những luống rau đầu tiên xuống vùng cát trắng, người dân chạy ra bảo “các ông đừng làm điều hoang tưởng”. Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, đồi cát bạc màu trở thành đồng rau bạt ngàn, xanh tốt. Mặc cho thiên nhiên khắc nghiệt, những mầm sống vẫn vươn mình trỗi dậy...

Từ sa mạc cát nay đã biến thành cánh đồng rau hàng chục chủng loại

Được UBND tỉnh chỉ đạo, Mitraco thực hiện thí điểm mô hình trồng RAT trên diện tích 12ha đất cát ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Quá trình thí điểm mô hình, Mitraco khảo nghiệm hàng chục giống cây trồng, trong đó có 9 loại rau củ quả thí điểm thành công để chuyển giao, nhân rộng cho các tổ hợp tác, HTX và người dân ven biển đưa vào sản xuất. Và chỉ mấy tháng sau đồng cát rau quả xanh như: Măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua, đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí ngòi... tươi tốt khiến dân địa phương vô cùng sung sướng.

Mục tiêu đầu tư dự án là hoàn trả lại môi trường vốn có ban đầu sau khi khai thác hết quặng titan, góp phần chống sa mạc hóa; đồng thời, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn cung ứng cho người tiêu dùng. Ngoài ra, còn được bao tiêu sản phẩm, cung ứng đến các siêu thị Metrol, Co.opmart, Intimex; hệ thống cửa hàng RAT của Mitraco; Giới thiệu sản phẩm ra các tỉnh lân cận và chợ đầu mối trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.

Với quy mô đầu tư, liên kết sản xuất lớn, bình quân tổng sản lượng RAT Cty cung ứng ra thị trường mỗi năm đạt trên dưới 1.800 tấn.

Vùng rau giúp đổi đời hàng ngàn hộ dân tại huyện Thạch Hà, nhất là vùng trồng rau xã Thạch Văn

Người dân huyện Thạch Hà thời điểm đó vẫn không tin những nông dân bao đời cực khổ ở vùng cát trắng có được cuộc sống thay đổi nhanh như ngày hôm nay. Thậm chí, giấc mơ đổi đời cho hàng ngàn hộ dân ở các huyện ven biển Hà Tĩnh nhờ “trồng rau sạch trên cát”.

Cụ Võ Thị Yên (83 tuổi, thôn Bắc Văn, Thạch Văn) vẫn không thể tin rằng, những động cát mênh mông lại có ngày được phủ một màu xanh ngút ngàn của rau - củ - quả. “Ngày trước, muốn đi qua đây, dân làng phải trải lá để tránh bỏng chân. Thế mà, giờ làng cát nghèo nhất nhì xứ biển ngang đã lùi xa vào quá khứ, thay vào đó là vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu và sôi nổi phát triển kinh tế. Sau “cú hích” của dự án sản xuất rau - củ - quả, xã đã có cả một vùng quy hoạch rau trên cát rộng lớn theo phương thức liên kết với doanh nghiệp nhằm hướng đến nền sản xuất hiện đại”.

Những chuyến xe chở đầy rau, củ, quả đi bán không xuể

Ngoài ra, 3 hợp tác xã và 4 tổ hợp với gần 100 thành viên tham gia làm ăn. Riêng với các hợp tác xã và tổ hợp, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Thu nhập từ cánh đồng rau củ quả mang lại từ 150 - 170 triệu đồng/vụ/ha, mỗi năm canh tác được ba vụ.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Mitraco cũng chia sẻ: "Thời điểm thị trường tràn lan thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm thì cũng là lúc Mitraco mạnh dạn xây dựng 8 cửa hàng giới thiệu, cung ứng RAT cho người tiêu dùng tại TP Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh và TP Vinh (Nghệ An).

“Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, đầu ra của sản phẩm đang bị một bộ phận người tiêu dùng “cào bằng” với rau không an toàn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh hạn chế” – bà Hà cho biết.

Chỉ sau một trận bão... thành tan hoang

Đầu năm 2017, dự án này gặp nhiều sóng gió khi tỉnh Hà Tĩnh quyết định cắt các nguồn hỗ trợ, từ trực tiếp đến hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng. Mitraco dù gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì sản xuất đều đặn 20ha rau củ quả các loại; 9ha cây ăn quả và 8ha măng tây.

Theo bà Hà, lúc này hoạt động sản xuất không mang lại hiệu quả về kinh tế cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả xã hội thì rất lớn. Hàng chục hộ dân, HTX, tổ hợp tác tại các xã vùng biển huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên vẫn duy trì làm RAT trên cát.

Trận bão số 10 vừa qua, toàn bộ vùng trồng rau dự án tan hoang

Để cứu “đứa con” doanh nghiệp chăm bẵm suốt 4 năm qua, ban lãnh đạo công ty kêu gọi một số doanh nghiệp cùng ngành phối hợp sản xuất, đặc biệt là sản xuất trong nhà lưới, nhà kính. Đấu nối một số HTX, tổ hợp tác trên địa bàn theo hình thức cho bà con thuê đất, hỗ trợ kỹ thuật, Mitraco đứng ra bao tiêu sản phẩm, HTX và tổ hợp tác tự hạch toán lợi nhuận. Đồng thời, bố trí 15 – 20 lao động chuyên nghiệp thực hiện tiếp dự án.

“Đã có một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh ngỏ ý thuê lại hệ thống nhà kính, nhà lưới để đầu tư sản xuất, Tổng công ty đang xúc tiến hợp tác thì cơn bão thiên tai đổ xuống. Trong tích tắc, toàn bộ dự án bị “xóa sổ” - bà Hà buồn bã nói.

Bão cuốn trôi sạch, vùi lấp toàn bộ diện tích rau, củ, quả trong cát. Thiệt hại lên tới gần 4 tỷ đồng

Theo đó, hơn 2.828m2 nhà lưới, nhà kính bị bão số 10 “đánh” vỡ tung tóe; hệ thống nhà kho tốc mái; đường ống nước đứt đoạn; cây ăn quả, rau củ quả mới gieo trồng gãy ngan ngác, đổ rạp giữa bãi cát trắng... Ước tổng thiệt hại trực tiếp hơn 3,5 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại đầu tư ban đầu.

“Ngay từ đầu năm, Mitraco đã có giải pháp để duy trì dự án nhưng sau cơn bão số 10 thì mọi kế hoạch tan thành mây khói. Tuy nhiên, ngoài yếu tố thiên tai, chúng tôi cho rằng khi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện những dự án mang tính rủi ro cao, tỉnh cần hỗ trợ chính sách dài hơi để doanh nghiệp ổn định, có điều kiện tái đầu tư trở lại” - bà Hà phân tích.

Tác giả: Mỹ Hoa

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP